Tiếng Kêu Nào / Bên Kia Thời Tiết

28 Tháng Hai 201712:00 SA(Xem: 6689)
Tiếng Kêu Nào / Bên Kia Thời Tiết

1.

Tôi cố gắng để không biểu lộ một cảm xúc nào khi nói chuyện với D. qua điện thoại. Những hồi chuông ngân, reo, lục cục trong giọng nói của D., khiến tôi thấy mình như có tội. Một người có lỗi không chỉ với D. mà với ít nhất, hai người vắng mặt. Tôi hỏi D. có thể cho tôi đi Indiapolis? D. nói được chứ. “Bất cứ lúc nào anh muốn. Khoảng cách giữa Chicago và Indiapolis, trên dưới hai trăm miles. Với một chiếc xe tốt và thời tiết không xấu quá, chúng ta sẽ mất khoảng từ ba tới ba tiếng rưỡi...” D. kể líu lo, nhập nhoạng về đường đi, phong cảnh, cư dân của Indiana, những người bạn cùng, đặc điểm của vùng đất ấy.

vadami_600-content


Tựa một người bị cấm khẩu đã lâu, đột nhiên có lại tiếng nói, D. nói huyên thuyên, không thở. D. cũng không hỏi tôi, lý do muốn tới thành phố kia. Cuối cùng, D. mới nhớ ra rằng D. không thể đến đón tôi tại nhà Nguyễn.

“Chúng ta không thể có riêng với nhau một buổi nào sao?” D. hỏi.

“Anh tới đây một phần cũng chỉ vì D. ở thành phố này mà,” tôi nghe dối trá gõ binh bong đầu mình.

“Sáng mai, tám giờ đúng, anh đợi D. ở ngã tư Broadway và đường số 11,” tôi lấp liếm.

Từ ngày biết tin D. lập gia đình với một người ngoại quốc, hình ảnh D. gần như chết hẳn trong tôi. Thản hoặc, kỷ niệm cũ, những ngày tháng được dệt, thêu một cách hấp tấp, ngớ ngẩn bằng những lá thư, những cuộc trò chuyện qua điện thoại, kéo dài cả tiếng đồng hồ..., như những tăm nước hồ đồ sủi lên, tôi lại xấu hổ với những trang giấy (có thể đã không còn, ngay trong ký ức D.) Thản hoặc, kỷ niệm cũ, những ngày tháng được làm đầy bằng những hẹn hò, chiêm ngưỡng từng ngón tay, nâng niu từng sợi tóc, thưởng thức từng nốt tàn nhang trên thân thể D., như những tăm nước hồ đồ sủi lên, tôi lại ngượng, thẹn với chính mình. Phải tôi có một thời gian với D., như thế? Phải tôi từng ước mơ gập ghềnh, vẽ vời một tương lai khập khễnh lãng mạn với D? Phải tôi từng quả quyết, nếu mất D., chắc tôi không sống nổi? Phải tôi đã lý tưởng hóa D.? Cho tới khi nghe tin D. lấy chồng người ngoại quốc, tôi mới thấy tôi tồng ngồng nỗi trơ trẽn?

Mỗi chúng ta đều có chí ít, một nạn nhân trong tâm tưởng của riêng mình.

Tôi biết giờ phút này Thuyền đang làm gì ở Cali. Trong ký ức Thuyền, không hề có D. Tôi nhớ dường chưa bao giờ tôi đề cập về D., với Thuyền. Tôi cũng không hề bảo Thuyền, Chicago rất gần với Indianapolis, thành phố tôi đã tới và ở lại cách đây hai mươi bảy năm. Hai mươi bảy năm trước, một thời tuổi trẻ tôi.


2.

Đó là thời Donna mới học lớp mười. Thời của những cánh rừng phong, mùa thu bạt ngàn, cháy đỏ. Thời của những ngày Thứ Bảy, mùa thu, Donna dắt tôi đi giữa những cánh đồng lúa mì đã gặt xong. Cây xuân tràng ngơ ngác ở lại, được chúng tôi dùng làm nơi dừng chân cho những chiếc hôn rộp môi, những vòng ôm cập rập và, cũng là điểm định hướng trở về.

Những ngày Chúa Nhật, mùa thu, sau khóa lễ sáng, cùng Janna, Donna tới tìm tôi nơi khu cư xá dành cho sĩ quan độc thân, trong khuôn viên Fort Harrison. Donna bảo tôi đưa cho nàng mười đồng, để nàng trả công babysit cho Janna. Đó là một hình thức undertable (chữ của Donna) cho Janna vì nàng đã xin phép bố mẹ Donna cho Donna được ra khỏi nhà. Dạo đó, với mười đồng, Janna có thể lang thang cả ngày trong basement, tầng dưới cùng, bán đồ phụ nữ, khu thương mại thiết lập ngay trong căn cứ.

Mùa thu dưới những tàng phong rộng như những chiếc mái khổng lồ, Donna giải thích cho tôi hiểu về sự đổi mầu của chúng. Mùa thu, lời thú nhận chân thật, ngây thơ của Donna về những thử nghiệm lần thứ nhất với một người đàn ông. Donna bảo, nếu không gặp tôi, chưa biết bao giờ Donna mới hiểu thế nào là những nụ hôn; những bàn tay mang cảm giác nhột nhạt lạ lẫm đi trên da thịt. Những rung động thiêu đốt kỳ lạ ẩn, nấp đâu đó dai dẳng, lì lợm khó hiểu khắp thân thể nàng...

Mùa thu, khi những cây phong bắt đầu đổi mầu cũng là lúc gia đình Donna miễn cưỡng chấp nhận tôi, như chấp nhận một tai nạn đã rồi. Tôi nhớ, sau bữa cơm chiều, lúc đưa tôi ra ngồi nơi chiếc bàn nhựa kê nơi chiếc deck làm thêm ra phía sân sau, dưới tàng rộng của những cành cây du, ông Jack Kearny hỏi tôi có biết tôi là người đàn đầu tiên mà Donna quen biết? Tôi nói có. Donna có kể. Đó cũng là điều làm tôi áy náy. Tôi cho ông biết, tôi còn biết nhiều chuyện nữa. Chẳng hạn, tôi biết ông từng là cựu sĩ quan không quân. Ông có bằng cao học về môn chính trị học; giảng viên khóa học trung cấp về báo chí. Tôi nói, tôi còn biết Barbara, vợ ông, làm phụ tá Quản Thủ Thư Viện trong căn cứ này; và thêm:

“Tôi cũng biết, người bạn thân nhất của gia đình ông là Father Smith. Tôi mong, có dịp được gặp ông ta.”

Nghe tôi kể, ông Kearny có vẻ hài lòng. Có thể đó là những điều ông cũng muốn tôi biết về cuộc đời của ông (tối thiểu, nó cũng tốt hơn những điều khác?)

“Chúng tôi chỉ muốn nói cho Lang biết, chúng tôi sẵn sàng làm bất cứ một điều gì trong khả năng của chúng tôi, khi Lang cần. Chỉ yêu cầu Lang nhớ là chúng tôi tin cậy nơi Lang và, nhắc nhở Lang rằng, Donna nó mới mười lăm tuổi. Nó còn quá nhỏ để có thể tự lo liệu hay mang vác những chuyện bất trắc, to lớn xẩy đến...”

Qua những lui, tới này, tôi biết thêm Donna có một người anh, nhỏ hơn tôi vài tuổi, tên Tom. Xong trung học, Tom tình nguyện đi lính Thủy Quân Lục Chiến, đang đóng ở Đà Nẵng. Không dưới một lần, Barbara cho tôi biết, mỗi khi thấy tôi, bà lại nhớ Tom. Bà bảo, Tom cũng nhỏ bé, cũng yếu đuối/ rụt rè/ hay mắc cở như tôi. Bà bảo:

“Tôi không thể hiểu nổi một thanh niên rụt rè, hay xấu hổ lại có thể sống được giữa một tập thể mà, như tôi biết, chỉ có kỷ luật cùng những khuôn mặt lúc nào cũng giận dữ một cách... vô cớ.”

Bà hỏi, phải đó là phản ứng tự nhiên của những người như Tom, như tôi, khi muốn cho thấy điều ngược lại? Tôi đáp, tôi không biết. Có thể tôi cũng trong trường hợp đó? Tôi nói, “thật may mắn cho Tom, có được người mẹ, như bà.”


3.

Tôi bị giựt ra khỏi giấc ngủ, không biết vì tiếng chuông điện thoại hay vì tiếng gió hú qua những cửa thông hơi của căn hầm basement này. Ngọn đèn vẫn mở trên bàn viết. Quanh tôi, ngoài tiếng hú đứt đoạn đâu đó của gió, là khối yên lặng nặng, cứng. Tôi nghe được tiếng nước róc rách nơi chiếc hồ cá kê ngoài phòng khách. Tiếng nói chuyện rì rầm từ nhà trên vọng xuống. Tôi bắt được tiếng cười hồn nhiên của Dzĩnh. Giọng nói nhanh, mạnh mẽ, chữ nọ hấp tấp xô, xấp ngã chữ kia của Hà. Nhiệt tình nơi Hà đầy ắp tới độ lúc nào cũng chỉ chực chờ đổ, trào ra, tuôn chạy. Nhìn đồng hồ, tôi biết tôi chỉ có đủ thì giờ đi bộ tới góc Broadway và đường số 11. Tôi không thể hình dung D., sau bao năm không gặp, nhưng chắc chắn sẽ nhận ra D., khi giáp mặt.

Những ngày nắng, gió ở Houston, những chiều mưa bất ngờ ở New Orleans, những đêm dạo chơi với nhau dọc theo bờ sông của khu French Square, những trưa thả bộ trong khu chợ lộ thiên ở quê hương nhạc Jazz kia, dù sao cũng là phần đời có nhiều mầu nóng và nhiều mùi hương gắt, chói nhất, tôi nghĩ, trong lúc thay quần áo.

Ký ức chúng tôi ngộp sâu trong những ngày úng thủy ở căn nhà của Khánh và Phúc “Nẫu”. Căn nhà có con đường dẫn xuống con lạch, chiếc cầu gỗ nhô trên một bè rau muống còi cọc. Những ngày mưa, Khánh, Phúc vẫn phải ra tiệm. Anh giao ngôi nhà cho tôi. Ở ngôi nhà này, chính tại ngôi nhà đó, trên chuyến bay trở về Los Angeles, D. bảo, có thể D. có con. D. nói, linh cảm người đàn bà rất ít lầm lẫn.

“Tuy nhiên, anh đừng lo. D. sẽ tự lo liệu lấy một mình.”

Tôi nói, không. Tôi không hề lo lắng. Không gì cả. Hơn nữa, đó cũng là mơ ước của chúng ta kia mà... Mơ ước của chúng ta? Một lời nói (dối?) Một cách trấn an D., và, trước nhất, trấn an chính tôi? Mơ ước của chúng ta? Tôi không biết D. tin được bao nhiêu phần trăm nơi sự quả quyết hàm hỗn này. Có thể, chẳng phần trăm nào. Nhưng tôi nhớ, in là, tôi đã gửi khá nhiều chân thật trong câu nói đó. Vậy mà, tôi bẵng quên. Tôi quên bẵng, như thể chưa hề, trong đời, một lần, đã nói với D., (và ai nữa?) điều tương tự.

Theo lời Hồ Điền, bây giờ, ngôi nhà của Khánh và Phúc “Nẫu” đã thuộc về kẻ khác. Khánh về Orlando. Phúc Nẫu chết bí mật trong giấc ngủ đầu ngày... Thời gian đã xóa sạch mọi vết tích. Xóa sạch, luôn cả con người!


4.

Đường phố Chicago buổi sáng bị phỏng, rộp lên bởi hơi lạnh do những cơn lốc ác độc phả tơi. Tiếng gió rú, rít giận dữ dường không chỉ ném xuống tự trời cao mà, chúng còn được phóng ra từ những con hẻm làm thành bởi những vách tường xù xì, chia cách những ngôi nhà như những ngôi mộ cổ, nổi cộm giữa nền trời cạn, kiệt máu huyết. Những gốc phong già, những thân cây du và luôn cả những chiếc xe liều lĩnh xông ra đường phố, tuồng đã cố gắng hết sức dán mình xuống đất mà, bất trắc vẫn chưa chịu buông tha. Tôi tự nhũ, đừng ngạc nhiên, nếu thình lình thấy mình bị nhấc bổng lên cao và bị thả bay như chiếc lá. Bây giờ tôi hiểu, thực sự hiểu lời cảnh cáo của Tú, đêm qua khi anh nói với Long và Nhơn, ăn thua gì tuyết ở Minnesota. Ăn thua gì những tảng băng. Người ta có thể đi xe, cấm trại trên mặt vạn hồ kia mà...

Đường phố Chicago mặc khoác lớp da xám ngoét của người bệnh kiệt máu và, những trận gió buốt thổi qua những cành cây trơ xương như những ống nylon truyền nước biển ngang dọc cùng khắp thân thể một người bệnh chờ chết. Bầu trời thấp tưởng có thể xụp xuống bất cứ lúc nào. Những mái nhà tro trộn trấu cũng co quắp như những chiếc xe và những người bộ hành lùn, rúm lại mỗi khi có chill wind. Tôi đến ngã tư, vừa lúc chiếc xe của D., cũng trờ tới. D. thắng gấp. Và vẫy. Vẫy. Những móng tay sơn đỏ như những đuôi cờ làm bằng vải nhựa vẫy, vãy trong niềm hân hoan muộn màng, lạc điệu.

Trái với suy nghĩ của tôi, D. trẻ, nuột tựa phần bên trong của một thân chuối mà người ta vừa tước đi bẹ lá. Trong tôi thoáng chút thất vọng, hờn ghen; và, cùng lúc ít nhiều ham muốn tước đoạt lại. Tuồng nếu thấy D. xơ xác, tiều tụy, chắc tôi sẽ thương hơn, hài lòng hơn, và biết đâu chừng, chẳng vì thế mà tôi sẽ quên đi những thất vọng vô lối? Tôi a tới cùng lúc D. mở cửa xe. Bước xuống.

Chúng tôi ôm nhau, tủi mừng, như những ngày cuộc tình mới chớm. Những ngày D. trốn nhà, những giờ D. trốn học, tìm tôi nơi chỗ làm. Những ngày gió, rất thấp và mây, cũng rất thấp. Những ngày thân thể đứa này là ham muốn thiêu đốt trong khao khát của đứa kia, những ngày, rất xưa. Kịp khi nhận biết mùi da thịt từ D., không giống mùi da thịt ngày nào thì, D., đã buông tôi ra. D. hối hả bảo tôi lên xe.

“Thôi anh. Để lát nữa. Kẻo chúng ta biến thành hai thằng người tuyết mất anh ạ.”

Thôi anh! Thôi anh! Thôi anh!... Ký ức tôi lung linh những chùm hoa chuông, lắc, reo điệu nhạc quen thuộc, cũ. Thôi anh! Thôi anh! Thôi anh!... Chuyện gì kìa? Cánh cửa nào (phải rồi cánh cửa nào,) vừa bật mở trong tôi? Hồi chuông. Cánh cửa. Con đường. Nắng và gió. Mưa bóng mây. Ký ức và, sự phản bội. Tôi vẫn chưa ra khỏi ảnh hưởng của mùi hơi D. Mùi khát thèm lạ lẫm lay lất choáng váng. Cảm giác thân thể D. đẫy đà, vòng tay ôm của tôi khó khăn hơn. Cảm giác sức nặng của thân thể D., có phần gia tăng. Cảm giác nơi D., mức độ cuồng nhiệt cũng đổi khác. Nó âm, âm nung, nấu. Nó đầm, đầm sôi, réo. Nó tiến đánh. Nó xô tôi ngã dấp dúi.

Cảm giác hay tưởng tượng? Tưởng tượng hay ảo tưởng? Không biết. Chưa kịp đóng cửa xe, (không biết khởi đi từ đứa nào, có thể cả hai), tôi chỉ còn thấy tôi lềnh, bềnh trôi trên lưng những đợt chilly winds. Con gió cắt sâu, chạm tới, rồi cạo buốt những ống xương cùng khắp thân thể tôi, đã ném vùi tôi xuống một vực sâu không đáy.

Tôi thấy, gió thả tôi rơi trong một khoảng chân không. Tôi thấy, gió nhồi xóc tôi trên những lượng sóng đẩy, xô gấp, gấp. Tôi thấy, gió gọi tên tôi. Gió, vẽ lại trong khoảng khắc mơ hồ cảnh tượng một quãng đời tôi, đã khuất.

Tôi thấy, gió gọi tên D. Gió lập lại tiếng thì thào, lời kêu cứu hạnh phúc tuyệt vọng của D., những buổi trưa trong ngôi khách sạn, trên trục lộ Pacific Coast Highway. Con đường chạy xuyên, xâu chuỗi ba bốn thành phố. Tôi thấy, gió bỗng trở thành những hồi còi xe lúc đầu còn rụt rè, sau trở nên mạnh bạo rồi, giận dữ. D., đẩy tôi ra, (cũng hốt hoảng như lúc ôm tôi.)

“Thôi chết, D. phải di chuyển xe. Em phải đi cho xe khác có đường chạy.”

Tôi ngả lưng vào thành ghế. Gió hú qua những khe hở. Thành phố hú qua những khe hở. Chicago hú qua những khe hở. Chiếc xe rùng mình. Tôi cũng rùng mình tìm thế, mang theo tôi; mang theo nó, thân thể một người bệnh kiệt máu, truy hoan.


5.

Mùa thu. Indianapolis, 1969, khi những rừng phong bắt đầu cho cảnh vật cái màu vàng ong mật, như suối reo lưng chừng trời. Khi những người trại chủ kỷ niệm năm mươi năm thành lập hội Nông Nghiệp miền Indiana. Mùa thu, Indianapolis, buổi chiều, sương mù tung chiếc lưới bát ngát mầu tro, khói, đánh một mẻ lưới bất ngờ hốt hết đám nhân loại loi nhoi, lúc nhúc như những con sâu nhơ bẩn, lút chút trên mặt đất.

Mùa thu, Indianapolis, khi cuộc hòa nhạc cho quan khách và, gia đình hội viên tham dự ngày hội, do Ban Nhạc của Khu Học Chánh Indianapolis phụ trách, chấm dứt. Các sĩ quan ngoại quốc rời khán đài, được mời lên xe, chuẩn bị về lại trường. Khi Donna ôm chiếc violin cùng bạn chạy như bay lại chiếc bus đậu ngoài vòng rào vải đỏ. Thiếu tá C., xuống xe, đến trước mặt Donna, tự giới thiệu, hỏi có phải Donna kiếm ông? Donna lắc đầu. Chúng tôi tìm thấy nhau sau lớp kính xe đã bị tráng một lớp nước mỏng và, sương mù, từ dưới thấp ăn lên, đã ăn mất một phần chân Donna.

Mùa thu, Indianapolis, khi Donna ôm ghì chiếc đàn vào ngực, kiễng đôi chân non như muốn nhón cao khỏi lớp sương mù, xoa xoa những ngón tay ửng hồng lên mặt cửa kính. Cạnh tranh với tiếng xe nổ, tranh chấp với tiếng gió hú trên những cánh đồng chỉ còn nguyên gốc rạ mới, Donna gào lớn where’re you come from?... Gió tàn nhẫn giựt, ném tiếng nói của Donna, về đuôi xe. Tuồng những ngón tay muối sương, giá của Donna đã và vẫn còn tiếp tục xoa trên mặt tôi. Tôi tê liệt. Không biết ai đó, một người nào, ngồi cùng hàng ghế (sau lưng, trước mặt, bên phải, dưới đất) nhắc nhở, open the door! Open the door! Mở cửa ra. Mở cửa ra...!

Tôi mê sảng xô cánh cửa kính xe về một phía. Tôi la hoảng trong khoảng không gian đẫm sương mù. Tôi hét lớn như một phản ứng tự nhiên, mỗi khi bị bạn thầy trong lớp hỏi, I come from Vietnam. I come from Vietnam. From Vietnam... Tiếng nói (hay tiếng hét) của tôi cũng bị gió tàn nhẫn giựt, ném đi rất xa. Có thể nó chạm tới những gốc rạ, cọng rác người ta dẫm, đạp đâu đó trong những thửa ruộng phía xa.

Mùa thu, Indianapolis. Rừng phong đã đánh mất những dòng suối ong mật trong lớp sương mù dầy đặc. Chúng chỉ còn giữ lại được tiếng reo thì thào, mỗi lúc một thêm thần bí hơn giữa bao tiếng động tạp. Đó là lúc chúng tôi tìm thấy nhau. Chúng tôi đã nhận ra, trong một chớp nhoáng kỳ diệu nào đó của thượng đế nấp ẩn sâu kín trong góc trái ngực tôi. Tôi hiểu tôi đã thuộc về Donna và ngược lại; dù tôi không thể trả lời câu hỏi của Donna, what’s your name. Your name...

Mùa thu, Indianapolis. Buổi chiều sương mù nuốt chửng tất cả những gì nằm trong tấm lưới bạo tàn của nó. Gió thúc bách. Tiếng động cơ thúc bách. Chiếc bus dợm chuyển bánh. What’s your name? Your name? Your name. Những hồi còi thúc bách. Xe chuyển bánh. Donna chuyển động. Tôi cũng chuyển động (trong chiếc lồng sắt). Đu người vào thành xe, Donna ném (hay gió, hay sương mù ném?) vào lòng tôi miếng giấy. Name. Name. Phone. Phone. Phone... Tôi hiểu. Tôi hiểu. Tôi hiểu. Tôi hiểu xe lăn bánh. Tôi hiểu tôi đã quay người nhìn lại. Sau lưng tôi, những đợt khói trắng/ dầy/ cục mịch/ nặng hơn (?) cuộn, cuộn ném đi từ phía đuôi chiếc bus.

Tôi hiểu, tôi thấy rõ buổi chiều đã bỏ lại Donna, với cây đàn violin, với sương mù đã ăn ngang tới lưng, đám bạn đã tản mát. Donna ngơ ngác nhìn theo. Cái ngơ ngác của con bê con, mất mẹ. Tôi hiểu, tôi sẽ không thể quên những dòng nước chảy ngoằn ngoèo trên kính xe. Những dòng nước bị gió tẽ, chia thành nhiều chân, như được dẫn dụ bởi những ngón tay vô hình, nhỏ xíu. Những dòng nước ngoằn ngoèo, nhòe nhoẹt còn đó, mãi còn đó, dù những ngón tay Donna xoa lên, đã biến mất. Tôi hiểu, tôi sẽ không thể quên những lọn tóc vàng-lá phong, bị sương dính bệt trên vầng trán indiana, che lấp một phần đôi mắt xanh, to, mở lớn bao nỗi niềm phấn, kích.

Tôi hiểu, Hội Mùa Thu đã bế mạc. Ngày mai, sân khấu, khán đài sẽ được dẹp bỏ. Sẽ chẳng có một ban nhạc nào tới chơi trên khoảng đất trống kia. Sẽ chẳng có trại chủ, quan khách, diễn văn, dân chúng, hồi pháo tay nào khua rộn buổi chiều, sương mù, rừng cây, gốc rạ. Nhưng, tôi cũng hiểu, trong tôi, sẽ có Hội Mùa Thu khác, bắt đầu. Một hội thu chỉ có tôi, Donna, lá phong và tiếng gió, hú trên những dòng suối khô, vàng reo, thần bí.


6.

Mùa đông. Indianapolis. Tôi biết, thời tiết không chỉ mặc cho rừng phong chiếc áo mới, lợp mái trắng cho các ngôi nhà xám; nó còn phóng tay phung phí rải lớp sơn dầy, trắng, sốp như bông gòn lên đường đi, lên cảnh vật. Những đêm thình lình tỉnh dậy, ngó ra ngoài cửa sổ, nếu không có đồng hồ, tôi sẽ không thể biết, đêm còn ở với tôi, hay ban mai đã mở mắt. Mùa đông. Indianapolis. 1969. Tôi biết, thời tiết không chỉ cho tôi những tấm gương ánh bạc khắp nơi; nó còn cho tôi mầu sắc và âm thanh nữa. Những ngôi nhà của những nhân viên cơ hữu trong căn cứ đã bắt đầu gắn lên cánh cửa của họ, những vòng nguyệt quế; kéo những sợi dây đèn mầu qua những hang đá, cột cổ những con nai, những chiếc xe chở ông già Noel; cùng những thiên thần mang đôi cánh canh chừng giấc ngủ Chúa Hài Đồng trong hang đá. Donna bảo tôi, Giáng Sinh là mùa lễ quan trọng nhất của người Mỹ. Nó quan trọng hơn ngày đầu năm dương lịch. Với người Mỹ, Noel là mùa của sum họp và những ước nguyện tốt lành cho người thân, cho chính mình.

“Nhưng với chúng ta,” Donna nói, “lại là mùa ly, biệt.”

Tôi giải thích cho Donna biết, tôi rất muốn ở lại qua Noel. Nhưng lịch trình do nhà trường sắp xếp. Tôi kể, nhà trường đã mua sẵn vé greyhound cho tôi, đi từ Indianapolis về tới trạm chính ở San Francisco. Từ đó, tôi sẽ đổi xe để tới Căn cứ và, cũng là phi trường quân sự Travis. Tôi phải trình diện ở nơi này, để nhận vé trở về Saigòn. Tôi nhấn mạnh:

“Donna đừng quên tôi bị chi phối bởi nhà trường. Tôi không có tiền và, cũng không biết phải làm gì, nếu không có nhà trường lo cho tất cả mọi thủ tục cần thiết đó.”

Nếu ông Kearney nghe được điều tôi nói với Donna, ông sẽ biết ngay, đó là những lời nói láo. Bằng cớ, hai tuần trước khi khóa học chấm dứt, ông bà đã hỏi tôi có chương trình đặc biệt nào cho những ngày nghỉ không? Ông Kearney còn hé mở xa gần cho tôi thấy, ông có thể cho tôi đi thăm thủ đô Hoa Thịnh Đốn, vùng Baltimore, hoặc New York.

“Nếu đi New York, chúng ta sẽ tạt qua Montreal. Tôi có thể giúp Lang một tay,” ông Kearney nói. “Luôn cả phần nào đó phí tổn, nếu Lang không có đủ tiền cho chuyến đi kia.”

Tôi biết những địa danh mà ông Kearney đề cập tới đều là những chốn nổi tiếng. Nhiều người Mỹ sinh trưởng ở nơi khác, có khi tới lúc chết, còn mang theo mơ ước viếng thăm những địa danh kia vào lòng đất. Nhưng tôi điếc căm ham muốn ấy. Với tôi là Saigòn. (Dù Saigòn theo mô tả của Thượng nghị sĩ Mansfield là một ổ điếm vĩ đại. Tôi suýt bị gửi trả về nước chỉ vì khi bàn cãi thời sự này trong lớp, tôi là người Việt Nam duy nhất đứng dậy phản đối. Tôi nói, có thể Thượng nghị sĩ Mansfield đúng nhưng chỉ đúng phần ngọn và, quên phần gốc. Phần gốc là lính Mỹ. Chính họ đã biến Saigòn thành ổ điếm...)

Tôi nghĩ phản bội tôi dành cho Bậu, trong thời gian xa cách, đã đủ. Tôi nghĩ, những đau đớn, những thất vọng tôi để lại cho Donna, đã nhiều. Với bất cứ người nào, dù cho đó là người con gái ốm o từ thể chất tới tinh thần như Bậu; hoặc mạnh khỏe, vững vàng như Donna, thì, điều gì tôi để lại cho họ cũng đã là quá đủ. Tôi chẳng thể trút xuống tâm hồn họ, ít nhiều tồi tệ mới.

Mùa đông. Indianapolis. Những lớp tuyết mỗi ngày mỗi dầy, cao thêm trước cửa nhà, trên đường đi. Những manh vải mầu đỏ xẫm cuối cùng, được gió và tuyết cởi, dứt khỏi những cành phong cao nhất. Các chương trình phát thanh đã bắt đầu bỏ những đĩa nhạc có những bài hát quen thuộc.

Mùa đông. Thời tiết đã mang lại cho thành phố, nơi tôi sắp rời, bỏ nhiều thêm âm thanh và mầu sắc. Thời tiết cũng lấy đi khỏi thành phố chúng tôi đang ở, lấy đi khỏi tâm hồn tôi và Donna, những lượng rượu Giáng Sinh, những men cay, tới nồng hy vọng và hạnh phúc của một năm mới, phía trước. Không cần ai phải nói, tôi cũng biết Giáng Sinh đã rút xa bờ cát cùng, những ngày đầu tiên tẻ nhạt của một năm mới xa lạ.

Nếu sự rút lui kia chỉ để lại trong tâm hồn Donna một khoảng trống bập bùng hoang mang rình rập bất trắc; thì, với tôi, nó lại thắp lên những thiếu hụt, những nhớ nhung chẻ vụn, những cồn cào rách, tơi. Buổi sáng, Chicago. Mùa đông khoác lớp da xám ngoét, như thân thể một người bệnh kiệt máu; mà những cành cây trơ xương như những ống nylon dẫn nước biển, chằng chịt chạy trên thịt da chờ chết. Buổi sáng, mùa đông kiệt máu kia theo tôi qua những đường phố, lên những cây cầu, chuồi dưới những tàng phong cháy đỏ nỗi muộn phiền ngộ dại liu điu. Buổi sáng. Chicago. Cuối cùng, tôi hiểu, cách gì tôi cũng phải trả Bậu, trả Donna, trả Thục, trả Thư..., về với thời tiết của riêng họ. Dù cho họ có như con nhộng ngộp trong chiếc kén thời tiết phù du mỗi người.

Và, D., D., rất yêu dấu của tôi. Tôi biết, tới giờ, D. vẫn còn thắc mắc về sự đổi thay đột ngột của tôi hôm đó. Tôi biết... Bởi chính tôi, tới giờ, cũng không hiểu điều gì đã xẩy tới cho mình. Tôi không muốn đổ lỗi một cách dễ dàng cho những trận chilly winds ở Chicago.

Tôi cũng không muốn đổ lỗi một cách dễ dàng cho những cánh rừng phong cháy đỏ nỗi muộn phiền ngộ dại liu điu. Tôi cũng không muốn đổ lỗi cho Nguyên Đán sắp tới cùng lúc với mùa đông dợm bước ra đi. Dù tôi hiểu, nếu tôi có đổ lỗi cho chúng, thì cũng chẳng oan ức gì cho ai; ngoại trừ tôi: người muốn che dấu thời tiết/ tuổi già/ bất lực trong chiếc kén hôn ám cuối đời, tự mình, dệt lấy.

Jan-1997

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
10 Tháng Bảy 201412:00 SA(Xem: 5695)
Tháng 6 năm 2014, Nguyễn Ngọc Hoài Nam đã cho lại chúng tôi tác phẩm "Qua Hình Bóng Khác". Xin cám ơn Nguyễn Ngọc Hoài Nam một lần nữa.
17 Tháng Sáu 201412:00 SA(Xem: 5312)
Trong khi, với Đức, Lãm vẫn còn đó. Một ngày kia, tôi tin, Lãm sẽ khỏi bệnh...(Như quá khứ, những Hemingway, những Van Gogh, từng mắc chứng bệnh giống Lãm, cũng đã khỏi. )
22 Tháng Năm 201412:00 SA(Xem: 4115)
Tôi không biết phải giới thiệu với bạn về họ ra sao, cách nào; khi mà chính tôi cũng chỉ mới thấy họ
19 Tháng Ba 201412:00 SA(Xem: 3515)
Truyện ngắn dưới đây, in trong Tạp chí Văn, số Xuân Giáp Dần, Saigon, 1974, do thân hữu Nguyễn Trương Trung Huy (Huy Vespas) VN, cho lại
13 Tháng Hai 201412:00 SA(Xem: 4713)
Từ trên cao nhìn xuống, con sông Columbia River chẻ thành phố thành hai phần không đều. Bên cát bồi, nước lấp xấp, lóng lánh dưới ánh nắng mặt trời được lọc qua biển lá
31 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 4017)
Năm năm ở lại, với năm sinh nhật kế tiếp, tôi mừng sinh nhật mình, như thế. Tôi đi như thế và tưởng tượng. Tưởng tượng đang đi với Lãng
15 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 3909)
Quán ăn nằm bên lề lộ lớn, nhưng cửa lại mở vào một ngõ hẻm mà, bên kia là mặt sau của một quán rượu.
02 Tháng Giêng 201412:00 SA(Xem: 4155)
Tới hôm nay, dù cố gắng, tôi vẫn không thể nhớ: Ai đã giới thiệu cho tôi, người thanh niên đó
18 Tháng Mười Hai 201312:00 SA(Xem: 4092)
Có dễ cũng cả năm nay, tôi mới có một buổi sáng tự động dậy sớm như thế này
12 Tháng Mười Một 201312:00 SA(Xem: 4177)
Tôi không biết bằng cách nào, để có thể bắt đầu lá thư này, một khi quá lâu chúng ta không còn liên lạc với nhau.
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17058)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12266)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18996)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9178)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8350)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 610)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 984)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1173)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22470)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14006)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19185)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7901)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8818)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11068)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30719)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20818)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22914)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21735)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19792)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18059)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19258)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16925)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16116)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24508)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31960)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34936)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,