Hành trình từ thơ đến nhạc Trần Dạ Từ: Những ẩn số?

21 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 14010)
Hành trình từ thơ đến nhạc Trần Dạ Từ: Những ẩn số?


trandatu-_2010_100-content-content

 

Tìm đến với thơ để làm giầu có thêm cho cõi giới âm nhạc của mình, là một việc làm vốn bình thường, quen thuộc của nhiều nhạc sĩ từ Đông qua Tây, chứ không phải đó là một nét đặc thù của sinh hoạt thi-ca Việt Nam. Nó càng không là nét nổi bật của hai mươi năm sinh hoạt văn học, nghệ thuật miền Nam.

 

Nhưng điều đó, không có nghĩa tất cả mọi người đều cho cuộc hôn phối giữa thơ và nhạc, là một hôn phối lý tưởng. Ngược lại! Không ít người cho rằng, đã đến lúc phải chấm dứt. Đại diện cho quan điểm này, có thể kể họa sĩ, nhà văn, nhà thơ Tạ Tỵ.

 

Sinh thời, họ Tạ trong một bài viết về thơ của chúng tôi, đã không ngần ngại lên án gay gắt việc đem thơ vào âm nhạc. (Cá nhân ông, trong quá khứ, cũng đã có đôi bài thơ trở thành ca khúc.) (10)

 

Dù ông không đưa ra những luận cứ cụ thể để bảo vệ quan điểm của mình, nhưng tôi tôn trọng ý kiến ông - - Bằng vào chiêm nghiệm, có những nhạc sĩ đã giết chết bài thơ một cách tức tưởi, ngay tự những nốt nhạc thứ nhất của họ.

 

Nhưng, thực tế cũng cho thấy, không thiếu những bài thơ tầm thường, trở thành quen thuộc. Được đám đông yêu thích. Sau khi chúng được hóa thân, thoát xác bởi giai điệu. Thậm chí, cũng có không ít trường hợp, tác giả thơ, vốn không được bao nhiêu người biết tới, nếu không có phần dao, kéo thẩm mỹ kỳ diệu của âm nhạc. 

 

Tôi cũng tôn trọng những tìm đến với thơ, của một số nhạc sĩ miền Nam. Dù cho trong số họ, dường như chưa một ai đưa ra những lý giải rốt ráo về tương quan hữu cơ giữa thi ca và âm nhạc. 

 

Tuy nhiên, nói chung, âm nhạc vốn thuộc lãnh vực nghệ thuật. Nó trực tiếp đi vào trái tim người thưởng ngoạn, không qua những giải mã của khối óc.

 

Theo các nhà nhạc họ thì, âm nhạc đúng nghĩa không có lời. Đó là bậc thang cao nhất của bộ môn nghệ thuật đặt căn bản trên giai điệu. Với thời gian, vì nhu cầu phục vụ quảng đại quần chúng, âm nhạc đã rời tháp ngà, bằng cách thêm ca từ. Tự đó, chúng ta có ca-khúc.

 

Sự tương tác giữa giai điệu và ca từ, sẽ được coi là một hôn phối tốt đẹp của cặp đôi nghệ thuật và văn học, nếu ca từ một ca khúc ẩn chứa giá trị tư tưởng, triết lý hoặc vẻ đẹp mới lạ, chữ, nghĩa được đặt đúng chỗ. Trường hợp này, âm nhạc vượt khỏi phạm trù nghệ thuật, để hòa nhập phần nào vào văn học. Nói cách khác, các ca khúc ấy, tự thân, đã có được cho nó, tính văn học.

 

Trong dòng chảy tân nhạc Việt Nam, chúng ta có khá nhiều ca khúc mang tính văn học. Trong số đó, không ít vốn bắt nguồn từ thi ca. Như một số ca khúc của Văn Cao, Dương Thiệu Tước, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Cung Tiến, Trịnh Công Sơn, v.v…

 

Cũng trong dòng chảy liên lủy của dòng tân nhạc Việt, hôm nay, nếu họa sĩ, thi sĩ nhà văn Tạ Tỵ còn tại thế, tôi không biết ông sẽ có cảm nghĩ gì? Khi trên tay ông là một đĩa nhạc gồm nhiều bài thơ được soạn thành ca khúc, bởi chính tác giả của chúng. Tôi muốn nói tới đĩa nhạc “Nụ cười trăm năm,” nhạc Trần Dạ Từ. (11)

 

Với cá nhân tôi, đó là hai cành nhánh đi ra từ một gốc. Gốc Trần Dạ Từ. Do đấy, nếu thi sĩ Tạ Tỵ có mặt giữa chúng ta hôm nay, ở đây, tôi tin, ông sẽ không phải nhọc lòng cật vấn: Nên / không nên đem thơ vào khuôn nhạc! Bởi vì, thơ và nhạc đã là một. Nó tựa như hai mặt một đồng tiền. Nó là sự lấp lánh khôn biện biệt vì, cùng một duyên khởi. Một tâm thái. .

Vấn đề đặt ra là: Nó đã đem những gì đến cho người nghe?

 

Câu trả lời sẽ không khó, nếu mười hai ca khúc đa số viết trong 13 năm tù đầy của thi sĩ Trần Dạ Từ trong đĩa nhạc vừa kể, là những hờn căm. Những uất nghẹn. Nhục nhằn. Đầy ải. Vô nhân…

 

Câu trả lời sẽ không khó, nếu đó là những tình khúc, như những tình khúc chúng ta đã có từ hơn nửa thế kỷ qua. Những tình khúc được chắt ra từ những thời-tiết-tình-cảm trong bối cảnh thời gian, nơi chốn của cá nhân, đôi lứa. Những tình khúc lộng lẫy chia lìa. Tuyệt vọng. Những tình khúc long lanh cảm thức đáy sâu chôn vùi hoặc, đỉnh ngọn mất tích, của những cuộc tình đổ vỡ. Bi thương.

 

Câu trả lời cũng sẽ không khó, nếu đó là những tình khúc như những xuôi chảy về vực chứa đáp ứng tâm-lý-thuận-chiều đám đông.

 

Ngặt thay, những quen thuộc kia, không có trong cõi giới âm nhạc Trần Dạ Từ. Trái lại. Tôi gặp, thấy trong đĩa nhạc “Nụ cười trăm năm” của Trần Dạ Từ là những cảm thức, những dòng chảy thác, ghềnh khác.

Với 13 năm tù đầy, trải qua hầu hết những trại tù từ nam ra bắc, sau biến cố tháng 4-1975, những ca khúc làm thành “Nụ cười trăm năm,” như đã nói, hầu hết được viết trong bóng tối của những năm, tháng trước mặt đã bị khóa chặt mọi cửa nẻo! Vậy mà, tôi không thấy một nốt thăng thống hận. Tôi cũng không thấy một nốt giáng hay, một dấu lặng nguyền rủa.

 

Ngay ca khúc có tính khốc liệt nhất, bài “Chết oan” tác giả viết thời gian bị cầm tù ở trại giam Gia Trung năm 1979. Bài duy nhất nhắc tới hai chữ “ngục tù” và, tự thân mỗi con chữ như một giọt cường toan, có khả năng cháy khét thần trí người thưởng ngoạn:

 

Một mùa hè chết oan bên trời / Một nụ cười chết oan bên đồi / Một hẹn hò chết oan trong đời / Chết oan trong hồn tôi / Biết bao lời muốn nói // Ngày lại ngày. Chết oan, / Chết oan. Trên ghềnh đá trơ vơ / Biết bao nhiêu đợi chờ / Chết oan. Chết oan trong ngục tù / Biết bao nhiêu mộng mơ / Chết trong ta từng giờ…”


Vậy mà, trước cái chết qua đủ mọi dạng thức, hiện ra trên tất cả mọi nẻo đường, mọi ngõ ngách, đang lạnh lùng, xăm xăm từng bước đi tới, tác gỉa vẫn không quên từ tốn dỗ dành người ngoài cửa ngục, khi khép lại ca khúc (hay khép lại đời mình) bằng một nhắc nhở hãy trở về, an trú trong nôi mẹ: Lời ru:

 

 “Em yêu, thôi đừng nhắc / Cái chết đang điểm giờ / Em yêu thôi đừng khóc / Hãy lắng nghe lời ru./.” 


Trước đó một năm (năm 1978,) cũng ở trại tù Gia Trung tác giả đĩa nhạc “Nụ cười trăm năm” viết… (dĩ nhiên trong đầu), ca khúc “Như bóng quê xa.” Một ca khúc sống động vẽ lại một giai đoạn lịch sử của những người yêu nhau trong bối cảnh chiến tranh gia tăng và, sự chết là lời thầm thì thứ hai, song sinh cùng những thầm thì thương yêu đôi lứa mà, vẫn chứa chan lời cảm ơn người, cảm ơn đời: 

 

“Ta lớn lên khi hờn oán đang gào thét / Ta biết nhau khi cuộc chiến đang tràn lan / Trong dằng dặc bạo tàn / Em đã cho anh nụ cười vui trong tóc / Trong đêm đen chết chóc / Em đã cho anh dòng lệ ấm trên môi // Người yêu ơi / Nụ cười em như sao mai rạng rỡ / Còn theo ta dù đêm sâu buốt giá / Khi bên tai ta cái chết thì thầm / Người yêu ơi / Dòng lệ em trên môi ta vẫn ấm // Năm tháng rồi nguôi dần những hàm oan / Nắng mưa rồi lấp dần những trận chiến / Rồi một ngày không xa / Những lời oán hận thôi gào thét // Và chỉ còn lại nụ cười em / mênh mang như bóng quê xa / Và chỉ còn lại tình yêu em / miên man trong trái tim ta./.”


Một ca khúc khác, cũng được viết trong thời gian tác giả bị giam cầm ở trại tù, 1981, bài “Saigon blue,” cá nhân tôi cũng thấy mình chấp chới trôi theo những ấm áp đâu đó của nụ cười nhân ái, niềm tin vào căn để nhân bản hay, thiện căn nhân quần: 

 

“Thành phố oan trái / Ngọn lửa đỏ cháy mãi / Thời trẻ trung rồ dại của ta / Thành phố yêu ma / Còn nhớ ta / Con thiêu thân rụng cánh đêm nào / Chút hơi tàn / vẫn không ngừng kêu người // Thành phố. Thành phố mà nắng vàng thắm tươi như người / Thành phố. Dòng thác òa vỡ vùi lấp nhau trong đời / Dù oan khiên đông gía trong đêm tối / Lời thương xưa thơm mãi trên đôi môi / Em yêu, em có nghe / Thành phố ấy vẫn gọi / Thành phố ấy vẫn thở / Thành phố ấy, em có nghe / Vẫn thì thầm những hẹn hò trong ta…” 


Trước nữa, trong trại tù T20, người thi sĩ tài hoa của chúng ta, khi chuyển hóa từ thi ca qua âm nhạc, như một phương cách để tự tồn (lời kể của chính ông), Trần Dạ Từ viết:

 

“Chiều mưa. Mưa cho ta nhớ / Ta nhớ ôi ngày thơ / Thành phố xưa, hai đứa ta / Nơi hẹn hò / quán nhỏ chiều mưa lũ / Chiều mưa. Mưa cho ta nhớ / Ta nhớ con đường xưa / Ngàn giấc mơ, hai đứa ta, con sông mờ / Trú mưa chiều tháp cổ / Và anh hôn em, như mưa xóa không gian / Và anh hôn em, trong tiếng chuông chiều tan…” (Trích “Chuông và mưa”, 1976). 

 

Giữa trùng vây của ngục tù, trong tuyệt lộ, ông vẫn viết dưới ngọn lửa tình yêu bất biến:

 

Cám ơn em đã tới trong mơ / Mang theo vầng trăng đầy một thuở / Cám ơn em đã nhắc dùm ta / Điều không ai còn nhớ: Đêm nay sinh nhật ta // Đêm nay sinh nhật ta / Đêm nay sinh nhật ta / / À ra chính đêm nay ta thành người / Và vầng trăng gọi thủy triều lên đầy tuổi / Đời gọi ta đầy giấc thôi nôi / Lòng gọi nhau, đầy lời muốn nói // Ôi chính đêm này ta có em / Dòng sông thơ dại có trăng rầm / Em áo vàng và em tóc ngắn / Ta đầy nhau và sông đầy trăng…” (Trích “Sinh nhật ca”).

 

Tôi nghĩ như thi ca, âm nhạc (nhất là loại ca khúc) dù viết được viết cho một người (để nhân bản thành nghìn người), hay được viết cho nghìn người người (để quy về một người), thì xương sống của những tình khúc vẫn là thời gian, nơi chốn, thiên nhiên, thời tiết, con người… Để hình ảnh, cảm xúc, kỷ niệm, suy tưởng… là những động mạch chủ dẫn máu huyết luân lưu, thông qua trái tim, nuôi nấng tình còn (ngay cả khi trong đời thường, tình kia đã mất.) 

 

Do đó, qua những trưng dẫn trên, ta thấy, “Nụ cười trăm năm” của Trần Dạ Từ cũng vẫn là những thành phố, vầng trăng, con sông, đường phố, hẹn hò, buồn / vui một tình yêu! Nhưng đất / trời, nhân gian trong nhạc (cũng như trong thơ) Trần Dạ Từ, đã là một đất / trời / một nhân gian khác. Chúng không còn là những tình khúc được chắt ra từ những thời-tiết-tình-cảm trong bối cảnh không gian, nơi chốn cá nhân, đôi lứa của những tình khúc trước đó. Chúng cũng không còn là những tình khúc long lanh cảm thức đáy sâu chôn vùi, hay đỉnh ngọn mất tích, từng làm thành tên tuổi nhiều tài năng tân nhạc Việt khác. Chúng không xuôi chảy về vực chứa đáp ứng tâm-lý-thuận-chiều đám đông.

 

Tôi cũng tìm thấy trong cõi nhạc Trần Dạ Từ một khía cạnh ít thấy trong kho tàng tình khúc của chúng ta; đó là tính dí dỏm thông minh (mà thấm thía như hậu vị của một tách trà lựa lọc từng lá. (Tính dí dỏm vốn nhiều, sẵn trong thơ ông):

 

Khi hai đứa quen nhau / Em ngó trời, anh ngó đất / Giây phút đầu ấy, trời đất nôn nao / Khi hai đứa thương nhau / Ôi bầu trời ôi mặt đất / Trời đất quấn quýt tan trong nhau / Anh hôn em anh hôn em lần đầu / / Trời đất biết ta / Khi em về trời em đẹp nhất / Khi anh về đất anh đẹp nhì / Nhất nhì hai đứa ôi trời đất / Còn lại mênh mang…Còn lại mênh mang một chút gì…” (Trích “Trời đất biết ta.”)

 

Hoặc:

“…Gọi nhau nghe trái đất quay / Trái đất quay, quay, quay nửa vòng (…) Cùng nhau, hai tuổi năm mươi / Có nhau, ta có chung nụ cười / Nụ cười trăm năm / Nụ cười trăm năm./”. (Trích “Nụ cười trăm năm.”)

(Tôi không hiểu, cớ gì trái đất quay nhiều như vậy mà, cuối cùng cũng chỉ chuyển dịch được có nửa… vòng? Tôi cũng tự hỏi, nếu họ cùng có hai tuổi…một trăm, thay vì cộng, thi sĩ nhân lên, ông sẽ có bao nhiêu…nụ cười?)

 

Nhưng, đáng kể hơn cả, theo tôi, qua “Nụ cười trăm năm,” tình khúc Trần Dạ Từ đã cho thấy: Rào kẽm, công an chấp pháp, quản giáo, tổ trưởng, đội trưởng, trật tự, “ăng ten”… đã không thể giam nhốt, không thể theo dõi, không thể báo cáo, không thể lập biên bản cái phần vằng vặc nhân bản trong ông.

 

Sự nhân bản hóa thảm kịch cá nhân mình, để mở vào một tình yêu bao la, tình yêu nhân loại, tôi nghĩ, luôn là thuộc từ của những Thi-Sĩ-Viết-Hoa.

 

Tôi muốn gọi đó là những quý kim hay, tiền tệ riêng, trong ngân khố trí tuệ sung mãn tài năng, Trần Dạ Từ.

 

Nếu cách đây trên nửa thế kỷ, ta đã để thi ca Trần Dạ Từ dẫn dắt ta đến những chân trời thơ mộng và, lãng mạn, xanh. Thì, hôm nay, xin rằng, cũng vậy.

 

Cũng vậy, qua âm nhạc, ta hãy để những tình khúc của ông dắt đưa ta, từ các mảnh đất “chết oan,” tới chân trời nhân bản, lấp lánh tin yêu, qua người phát ngôn không thể xứng hợp hơn: Tiếng hát Khánh Ly. Quê người.

 

Du Tử Lê

(Feb. 16 2011.)

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chú thích:

(10): Đọc “Tạ Tỵ, Du Tử Lê nhà thơ của những khám phá,” Nguyệt san Thời Báo, Texas, số tháng 3-1997. Hoặc “Du Tử Lê, tác giả và tác phẩm” tập II, Tủ sách văn học Nhân Chứng, California, ấn hành 1997. 

(11) Khánh Ly Productions, California, 2010

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17036)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12255)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18987)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9170)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8331)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 608)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 980)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1171)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22464)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14000)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19178)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7896)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8814)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8499)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11061)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30714)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20817)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25512)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22910)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21730)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19788)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18056)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19253)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16921)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16114)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24504)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31955)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34935)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,