Boston. Đêm. Trong ký ức. (*)

16 Tháng Mười 201312:00 SA(Xem: 6890)
Boston. Đêm. Trong ký ức. (*)

Tùy bút/ Du Tử Lê

Tôi mới đọc lại bài “Trăng Randolph và Trung Thu Xứ Người” của Trần Thu Miên, một giáo sư ở Boston. Bài viết phối hợp hai dạng tùy bút và tường thuật. Mạch văn chan chứa tình cảm. Khúc sông gập ghềnh ấu thơ của họ Trần, với tôi, trước sau, vẫn là một tùy bút đẹp. Một tản văn khiến tôi nhớ lại tôi và T., những ngày Boston.

boston_600-content

Sưu tập của Dr. Thành Trần


Những dòng chữ viết về thơ ấu và, viết cho trẻ thơ Việt Nam ở Boston, cho tôi sống lại, lần nữa, buổi tối, trung tuần tháng 6 vừa qua. Đó là lần “trở về mái nhà xưa” gần nhất của tôi. (Từ ngày dời xa quê hương, tôi thấy tôi có nhiều hơn một “Mái nhà xưa” để trở về. Những “Mái nhà xưa” mang tên Houston, Hoa Thịnh Đốn, Dallas, Austin, Atlanta, Orlando, New Orleans…Nơi chúng tôi có nhiều bằng hữu. Những tình thân giúp đời sống tinh thần chúng tôi trở nên giàu có. Tôi nghĩ, ở lãnh vực này, nếu tôi có tự nhận mình là một “đại gia”, chắc cũng không phải là lời nói quá. Đó cũng là những kỷ niệm chung của chúng tôi.

“Trở về mái nhà xưa” Boston tháng 6, không có T. Tôi không nhớ những lần trước, ai là người đón tôi? Nhưng tôi nhớ rất rõ, người đón tôi và T. ở phi trường, trong “ra mắt” Boston, lần thứ nhất là Trần Thu Miên. Và cách đây 4 tháng, cũng là Trần Thu Miên. Một người mà cả tôi lẫn T., rất thương mến, dù chưa một lần nói ra hay viết xuống.

Tôi nhớ, khi chuyến bay “red-eyes” (theo cách nói của cha Nguyễn Tuấn Linh, Linh mục chánh xứ St. Bernadette), của hãng Jet Blue thả tôi xuống phi trường Boston, lúc 4 giờ rưỡi sáng. Tôi không nghĩ Trần Thu Miên sẽ là bằng hữu thứ nhất tôi sẽ nhìn thấy, khi bóng tối còn là “thị phần” chính với cái lạnh gần zero độ căn cứ theo tin tức thời tiết, chuyến bay cung cấp cho hành khách, ít phút trước khi đáp. Đó là thời gian Boston vừa trải qua những ngày bão lốc, khiến hàng ngàn người phải bỏ nhà, đi tỵ nạn.

Đó là thời gian cuộc thảm sát chấn động, do hai anh em nhà Tsarnaev chủ mưu…, bạn tôi đã ngỡ ngàng, chua xót viết xuống:

“… Khi rời tiệm sách cũng là lúc bom nổ ở Boston, nhưng không theo dõi tin nên chúng tôi hoàn vô tư. Khách vãng lai quanh khu Harvard Square cũng không tỏ ra dấu hiệu gì đáng chú ý. Thường thì để sang phố Tàu từ Cambridge chúng tôi đi đường Memorial Drive, lên cầu băng ngang dòng sông Charles vào khu Kenmore Square và Boston University, rồi tạt sang phố Tàu từ đường Commonwealth, nhưng nghĩ cuộc đua vẫn còn nên đã vào phố Tàu từ Thông Lộ 90 hay Mass Turn Pike. Khi vào Mass Turn Pike chúng tôi thấy cả đoàn xe cảnh sát chạy ngược chiều và trực thăng bay ngay trên bầu trời trung tâm Boston, nhưng tôi nghĩ bụng có lẽ cảnh sát bảo vệ nhân vật quan trọng nào đó còn trực thăng thì thu hình tại điểm cuối của đường đua. Chúng tôi vẫn nghe tin qua đài NPR (Nationa Public Radio) mỗi khi lên xe, nhưng hôm ấy không theo dõi tin như thói quen. Vào phố Tàu theo ngõ vào trạm xe lửa South Station nên không thấy dấu hiệu gì khác lạ. Du khách vẫn qua lại, ra vào các tiệm ăn như chưa có gì xảy ra tại Boston. Tuy nhiên có một số người, từ trung tâm Boston, kéo vali đi một cách vội vã xuống cổng vào trạm xe điện ngầm phố Tàu. Bây giờ nghĩ lại mới hiểu tại sao. Thức ăn vừa được dọn ra bàn, tôi chưa kịp uống cạn ly bia đầu tiên lúc điện thoại cầm tay của tôi báo tin. Thấy số gọi không quen, định tắt ngay, nhưng không hiểu sao tôi vẫn mở nghe. Giọng con gái vừa khóc vừa nói ‘Bố, con đây! Điện thoại con không gọi được...’ Nghe không rõ nên tôi ra ngoài tiệm ăn để hỏi con thêm.

“ ‘Điện thoại hư, sao con lại khóc?” Tôi hỏi rất vô tình.

“ ‘Không! Có hai quả bom nổ ở phố!” Con tôi vẫn còn khóc!!!!

“ ‘Con đang ở đâu?’

“ ‘Con về lại trường rồi! Và đang ở nhà bạn. Hệ thống Cell Phone bị cắt đứt nên con không dùng điện thoại của con được. Bố mẹ ở đâu? Con gọi về nhà không gặp.”

“ ‘Bố mẹ và em đang ở phố Tàu!”

“ ‘Con chỉ muốn bố mẹ biết là con OK thôi!”

Trở lại tiệm ăn trong trạng thái xúc động, tôi nói vội với Uyên-Sa, ‘Có bom nổ ở ngoài phố!’

“ ‘Con mình ở đâu?’

“ ‘Nhà bạn!”

“ ‘Anh gọi lại số con vừa gọi, lấy địa chỉ để mình đến thăm con ngay.’

Chúng tôi vội vã mua thức ăn mang đến cho con và bạn cháu. Đây là lần đầ tiên con tôi và bạn nó chứng kiến cảnh bom nổ và sự xáo trộn của thành phố. Dấu ấn “khủng bố” đã được đóng vĩnh viễn vào tâm hồn của con tôi và bạn cháu từ ngày hôm nay. Tôi đã tưởng chỉ đời mình mới bị dấu tích chiến tranh hằn sâu trong ký ức. Ai ngờ hôm nay, chính con mình lại phải chứng kiến hậu quả của ‘khủng bố’ ở giữa một thành phố đã sống thanh bình hơn 200 năm qua.

Tôi gọi bạn tôi, người có cửa tiệm tạp hóa ở Phố Cổ Ý. Bạn cho biết có thêm vụ nổ nữa ở thư viện JFK.

“ ‘Boston đại nạn rồi ông ơi” Bạn tôi nói với giọng lo lắng.

Sau này mới biết vụ cháy ở thư viện cố tổng thống Kennedy bên cạnh Đại Học Massachusetts-Boston không liên quan đến vụ bom khủng bố ngoài phố.

Đúng 2:49 chiều ngày tưởng niệm những phát súng khởi nghĩa đầu tiên tại Hoa Kỳ 238 năm trước, trong khoảnh khắc, hai quả bom khủng bố nổ tung trên đường Boylston gần Quảng Trường Copley Square ngay trước điểm đích cùng của cuộc đua Boston Marathon. Cả Boston xôn xao nhưng không rối loạn. Cả nước Mỹ xôn xao nhưng không sợ hãi. Tin về số tử vong và thương vong được lập đi lập lại trên các hệ thống truyền thông. Hình ảnh lúc bom khủng bố nổ ở đoạn cuối đường đua cũng được chiếu lại nhiều lần trên các đài truyền hình. Các vị lãnh đạo chính quyền địa phương trấn an dân chúng bằng những lời lẽ rất chân tình và can đảm. Boston, nơi người dân phất cờ khởi nghĩa chống thực dân Anh đòi đập lập cũng vào ngày này, 238 năm trước (1775-2013), không chịu khuất phục bất cứ quyền lực hay bạo tàn khủng bố nào, sẽ phục sinh sau biến nạn khủng bố này. Đấy là ý chung của người dân và chính quyền. Tin sau cùng xác định, một em bé trai 8 tuổi, 2 thiếu nữ chưa hết tuổi 20, một cô người Mỹ cư dân vùng Boston, và một cô sinh viên từ Trung Hoa đã tử thương. Rất nhiều người bị thương tích nặng đến nỗi phải cưa chân. Những người khủng bố nghĩ gì? Họ nhân danh ai để làm điều dã man vậy? Biết đâu họ đã cầu nguyện với “Thần Linh” của họ trước khi giết người. Thượng Đế nào? Thiên Chúa nào? Thần Linh nào mà ác độc thế????...” (1)

Nhắc lại chuyện này, tôi không hề có ý lo sợ một tai họa bất ngờ nào khác, có thể xẩy ra cho Boston, như một cú “đúp”. Tôi chỉ muốn nói, trong tình cảnh đó, chuyến bay lại tới sớm hơn lịch trình cả tiếng, khó hy vọng thấy được bạn. Vậy mà vừa ra khỏi phi cơ, đi chưa được bao nhiêu bước, tôi đã thấy Trần Thu Miên tỉnh táo, mạnh giỏi, trong áo ấm nở nụ cười bên cạnh vài người Mỹ, cũng thức sớm, đón thân nhân giữa hành lang.

Gặp lại Trần Thu Miên, với tôi, như gặp lại Boston! Như gặp lại Uyên Sa, Trần Đông Bắc, Nguyễn Trọng Khôi, Nhất Chi Vũ, Đỗ Vy Hạ tức Nguyên Long, Nguyễn Bá Chung, Nguyễn Ngọc Chấn… vậy.

Bà thư ký người Mỹ của Trần Thu Miên “book” phòng lớn, loại “suite” có salon bốn ghế, bếp đủ tiện nghi cùng chén bát, muỗng nĩa…cho tôi ở Boston Marriott Quincy. Lầu 11. Căn phòng có chiều ngang toàn kính trong suốt, nhìn vào một sườn núi đá xanh. Khi Trần Thu Miên đưa tôi lên phòng, dặn tôi ở yên, rồi trở xuống, từ khung kính phẳng này, tôi thấy những con sáo mỏ đỏ làm tổ trong hốc đá. Vài cây dại oằn mình theo chiều gió và, mưa lất phất như những hạt confetti nhỏ xíu, bay khắp khoảng trời vừa nứt, rạn chút ánh sáng bên kia núi thấp. Tâm hồn tôi yên tĩnh, ấm áp như vừa ôm một người thân, nguyên vẹn mùi thơm xưa. Lát sau, trở lại, Trần Thu Miên kệ nệ xách một lẵng mây lớn. Không phải hoa mà là cheese, cracker, bánh ngọt, trái cây các loại, sáu chai nước suối, ba chai rượu vang, một cái mở rượu, một thiệp chào mừng, nhấn mạnh: “Rượu vang, để anh đãi bạn…"

Cảm động trước sự chu đáo quá mức của Uyên Sa, tôi nói:

“Anh đồ chừng Uyên Sa nghĩ anh là bợm nhậu thứ thiệt, Miên à?”

Trần Thu Miên đáp ngay:

“Chắc vậy, anh!”

Năm phút sau, người giáo sư có nhiều chục năm dạy cho một đại học Công Giáo nổi tiếng Boston, chở tôi ngang qua nhiều khu ngoại ô Boston, đến phố Việt. Dù giá rét đã bắt đầu tan, nhưng mưa bụi vẫn còn lẽo đẽo theo chúng tôi qua những căn nhà thấp. Những cửa sổ ngó vào lòng đường, vẫn thở những hơi thở đẫm sương. Trên đường đi, tôi hỏi thăm T.C. một người bạn chung của chúng tôi. Miên nói, sau khi ly đị, T.C bỏ Boston, đi về một tiểu bang khác đã nhiều năm. Đó là lý do tại sao, ngày 16 tháng 4 năm 2005, khi hai tổ chức “The Institute For Vienamese Culture & Education” và “Harvard Vietnamese Association” mời tôi qua nói chuyện tại Building Winthrop JRC, Winthrop House, Harvard University, không có T.C.!

Tôi hỏi Trần Thu Miên có nhớ lần, T.C. mời tôi trở lại Boston? Dường như đó là tháng 11 năm 2000, một hai ngày sau bầu cử tổng thống. Buổi tối đó, dù mời rất nhiều người đến nhà để gặp tôi, nhưng T.C. lại tỏ ra bồn chồn, nôn nóng hướng về Tallahasee, thủ phủ của tiểu bang Florida. Nơi số phiếu đại diện tri đoàn tiểu bang Florida dành cho ứng cử viên Tổng thống George W. Bush, chỉ hơn ông Al Gore vài phiếu… Trong khi tôi lại chú ý tới cô em của C., lúc cô dẫn một cháu bé đến trước mặt tôi, bảo cháu:

‘Con khoanh tay chào thầy của mẹ đi. Ông là người dạy mẹ ngày xưa ở Saigon đó con.”

Cháu bé tròn mắt, ngơ ngác nhìn. Tôi không nghĩ cháu hiểu rõ câu nói của mẹ, nhưng cháu vẫn ngoan ngoãn, khoanh tay, cúi đầu chào.

Tôi nói với cô em T.C., thỉnh thoảng tôi cũng gặp lại một vài học trò cũ. Nhưng chưa ai làm tôi vui như tối đó. Tôi không hỏi cô học tôi ở trường nào, chỉ nhấn mạnh:

“Em làm thầy nhớ những ngày còn trẻ ở Việt Nam. Khi đó em là nữ sinh mới lớn. Bây giờ em đã có chồng con… Và tôi đã bước vào tuổi già…”

C. đã bỏ Boston mà đi. Tôi không biết cô em của C. ở lại, hay cũng di chuyển theo anh đi nơi khác? Tôi hiểu, đời sống là dòng sông cuộn xiết đổi thay. Nhưng tôi cũng không thoát khỏi bùi ngùi.

Trở lại Boston, tháng 6 vừa qua, tôi cũng không khỏi ngậm ngùi khi Trần Đông Bắc, ngập ngừng cho tôi biết, Bắc đã chia tay L. Bắc giao lại căn nhà cho L. Căn nhà, nơi tôi và T. từng ở ít ngày, khi trở lại Boston, để dự đêm “Thơ Nhạc DTL” trong khuôn viên Harvard. Tôi cũng có ý muốn thăm hỏi người con gái tôi gặp trong chuyến về Boston lần thứ nhất, sau hai buổi nói chuyện tại Wellesley College và Boston College. Về Cali, nhiều tháng sau, cô còn liên lạc với tôi qua trung gian một người bạn. Thời đó chưa có Internet, cũng chưa có Cell phone, thư từ qua lại giữa chúng tôi khá nhiêu khê, diệu vợi… Nhưng tôi xóa được rất nhanh ý muốn này. Nghĩ, nhiều phần Miên không biết và, cũng chẳng để làm gì!

Thời gian trôi qua đã lâu, mọi thứ đã thành quá khứ. Như đã quá khứ, những lần Nguyễn Bá Chung và Trần Đông Bắc, dẫn tôi lên lầu hai, một quán café có tuổi đời xấp xỉ tôi, ở Boston. Những buổi trưa trên lầu, ngoài sân gỗ, tôi thấy như tôi đang ngồi trên những mái nhà xám. Và, hai bên đường hẹp, những cây phượng vàng lá nhỏ, rớt xuống đường đi, như những hạt lá me lăn tăn, chạy theo những chiếc xe rì rầm lăn bánh dưới thấp. Đó là những giờ khắc, Trần Đông Bắc kể cho Nguyễn Bá Chung nghe, Bắc gặp tôi trong trường hợp nào, những năm đầu thập niên 1980. Những ngày quán Tay Trái của chúng tôi mới khai trương. Trần Duy Đức, Hương Thơ, Vũ Kiểm chọn sân khấu Tay Trái để cất tiếng hát. Riêng Bắc chọn Tay Trái để đọc những bài thơ năm chữ của mình. Với tiếng đàn guitar như lụa của Việt Dzũng, lót lưng giọng đọc, những bài thơ tình của Bắc, sáng lên, tựa những đốm lửa lập lòe năm, tháng chông chênh đời tỵ nạn. Rồi Bắc lặng lẽ biến mất, như thình lình xuất hiện. Rồi tôi được tin Bắc trở thành luật sư, đại diện chính quyền tiểu bang Masschusetts, cùng với tin Bắc bị bệnh trầm cảm nặng. Phải uống thuốc mỗi ngày…

Những ngày tháng ấy, bây giờ cũng xa. Nếu không không nhắc lại, chúng sẽ như những hạt cát lãng quên dưới đáy sông quá khứ.

Tháng Sáu trở lại, ngồi ở một tiệm phở mở cửa sớm trong khu phố Việt, Trần Đông Bắc tìm đến trước Nhất Chi Vũ. Bắc cho biết bệnh tình của mình, chẳng những không bớt mà có phần nặng hơn. Vài ngày sau, tôi hiểu nguyên nhân. Và tôi cũng hiểu lý do Bắc gần như không làm thơ mà chỉ viết truyện. Những truyện ngắn của Bắc như những lưỡi cưa xẻ dọc nỗi phiền muộn đời riêng và, thảm kịch gia đình người tỵ nạn ở Boston… Mà, mạt cưa là những gì Bắc giữ riêng mình, để trộn lẫn cùng ưu uất nứt xương. Bắc kể, có lần quá hăng, cãi thí cho một người đàn bà Việt cô thế, Bắc suýt bị đưa vào tù, khi tranh cãi trước tòa với một biện lý, bất chấp lệnh ngưng nói của chánh án.

Xu hướng khoanh vùng hay be bờ cho người Việt của Bắc, mặt nào đó, rất gần với tôi. Nhớ lại lần đầu tiên đến với Boston, T. và tôi được gặp một người trẻ tuổi tên Nhất Chi Vũ, tốt nghiệp trường Berklee College of Music ở Boston. Một trường cao đẳng âm nhạc tư, nổi tiếng thế giới vì điều kiện nhập học một trăm lần khó khăn hơn những trường cao đẳng âm nhạc khác của nước Mỹ, chúng tôi thích lắm. Chúng tôi biết, Vũ không phải là người Việt đầu tiên, tốt nghiệp Berklee. Nhưng nghe Trần Thu Miên kể, Vũ được học bổng toàn phần vì năng khiếu âm nhạc đặc biệt của Vũ, tôi và T. thấy quý Vũ hơn. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ thực sự hãnh diện về Vũ, khi vẫn Trần Thu Miên cho biết, trong quá khứ, một ca khúc của Vũ đã được hát lên, vang dội Tòa thánh Vatican, vào dịp Tòa Thánh phong Thánh cho các vị Tử Đạo Việt Nam. (2) Tôi không biết, đó có phải là lần đầu tiên, sáng tác của một nhạc sĩ Việt tỵ nạn, được trình diễn tại Tòa Thánh Vatican? Nhưng tôi vẫn hạnh phúc! Tôi cho đó điều rất đáng hãnh diện (dù tôi không là một Ky-tô-hữu).

Hình như mặc cảm nhược tiểu, thua kém của người Việt Nam có trong tôi khá sớm và quá lớn! Nên phản ứng tự nhiên của tôi là luôn cảm thấy hãnh diện (âm thầm hãnh diện) khi biết được bất cứ một thành tựu đáng kể nào của người Việt Nam ở mọi lãnh vực. Đôi khi, tôi cảm tưởng tôi hãnh diện và, hạnh phúc hơn chính người đạt được những thành tích nọ!

Tôi nghĩ, nếu có ai bảo rằng, tôi là người bệnh hoạn trong lãnh vực “khoanh vùng”, “be bờ” kia, tôi tin, tôi sẽ nhận. Không đôi co.

Cũng vậy, ở một khung cảnh nhỏ bé hơn, giới hạn trong sinh hoạt của một buổi lễ do Đại diện Ban Việt Ngữ tổ chức ngày 9 tháng 6 vừa qua, tại hội trường Nhà xứ St. Bernadette, trước khoảng hơn 300 quan khách và phụ huynh học sinh, chủ đề “Cho em cội nguồn”, tôi đã không che dấu xúc động lúc chương trình bước qua phần ca nhạc “Tiếng hát tuổi thơ xứ người” do các em học sinh Việt ngữ St. Bernadette trình diễn. Kế tiếp là phần nhạc chủ đề “Quê hương, Nỗi nhớ, Cội nguồn” do chính các thầy cô thuộc ban Việt Ngữ St. Bernadette thể hiện. Tiếng hát từ trái tim của họ gửi vào ca từ, ở với nốt nhạc, làm tôi, đôi lúc rưng rưng, muốn khóc.

Trong tôi, niềm tự tin tiếng Việt như thủy triều dâng cao. Qua các em, qua thầy cô, tôi hãnh diện là người Việt Nam. Họ cho tôi niềm tha thiết, khao khát sống, dù thân phận tôi, một tỵ nạn đã bao nhiêu năm, luân lạc, xứ người. Các em, thầy cô cho tôi cảm tưởng như tôi đã chạm được đã sờ thấy, đã ôm chặt vào lòng mình hai chữ “quê hương” trừu tượng! Hoặc nóng bỏng các chữ “dân tộc/ tổ quốc”- - Vốn là những ý niệm mơ hồ, không cụ thể…

Tôi biết, một lần thêm, tôi mang món nợ tinh thần với ban tổ chức, các thầy cô - - Những người phải chắt mót từng giờ phút rảnh rỗi hiếm hoi sau công việc mưu sinh, bổn phận gia đình hàng ngày…, để làm thành buổi tối “Cho em cội nguồn.” Làm thành một Việt Nam rực rỡ ý nghĩa, tin yêu một góc khuất trong một thành phố bao la, lạnh lẽo này.

Tôi biết tôi không đủ chữ để nói rõ, nói hết được lòng biết ơn của tôi, trước hy sinh vô cùng to lớn của họ. Với tôi, đó là những đốm lửa không bao giờ tắt trong sinh mệnh Việt Nam. Đốm lửa ấy, một khi đã được thắp lên, nó sẽ được truyền tay qua nhiều thế hệ. Để nuôi dưỡng hy vọng, tăng trưởng niềm hãnh diện Việt, dưới mái nhà Boston…

Lúc chương trình chấm dứt, ra khỏi phòng hội, Cố Sơn (thân phụ của Linh Mục Nguyễn Tuấn Linh) hỏi tôi cảm tưởng. Tôi nói, chưa bao giờ tôi có được những giờ phút xúc động như thế.

Cũng vậy, tôi thấy tôi không thể không nói ra lòng biết ơn của mình, khi đọc tùy bút “Trăng Randolph và Trung Thu Xứ Người” của Trần Thu Miên.

Làm sao tôi cầm giữ được rung động mình, khi ngay đoạn mở đầu tùy bút đã là:

Tôi cũng như nhiều đứa trẻ lớn lên ở vùng quê hẻo lánh nghèo nàn thời chiến tranh chưa từng được cầm lồng đèn tung tăng rước qua đường phố những đêm trăng rằm Trung Thu. Thời ly lọan, bóng đêm, dù trăng rằm vằng vặc sáng đến mấy, vẫn luôn luôn là thế giới của sợ hãi; vì đạn pháo có thể rơi bất ngờ, súng có thể nổ ven làng, hay Việt Cộng có thể gõ cửa vào nhà dân ám sát, bắt cóc, tịch thu thực phẩm, gạo lúa, hay tuyên truyền, dọa nạt. Chiến tranh là thế đấy! Chỉ có những trẻ em ở xa vùng chiến tranh hay thành phố mới được vui hưởng Tết Trung Thu. Còn tôi và nhiều trẻ em cùng thời chỉ được nghe, đọc truyện huyền thoại Cây Đa Chú Cuội, hay chị Hằng Nga, rồi được thầy cô dạy các hát bài như “Chú Cuội” (Bóng Trăng trắng ngà...có cây Đa to có thằng Cuội già...) và “Rước Đèn Tháng Tám” (Tết Trung Thu rước đèn đi chơi... em rước đèn đi khắp phố phường...) Dù được nghe, đọc về phong tục ăn Tết Trung Thu nhưng chưa bao giờ được ăn Bánh Dẻo hay cầm lồng đèn, xem Múa Lân, rước qua khắp phố phường.

Năm tôi lên 12 tuổi, bố mẹ gửi tôi vào tu viện Châu Sơn để học làm tu sĩ thì các sinh hoạt lễ hội tuổi thơ của tôi chỉ chuyên về Tôn Giáo. Suốt những năm dài học tu ở Châu Sơn, ký ức tôi không sót lại dấu vết đẹp nào về Tết Trung Thu…” (3)

Đoạn văn mở đầu tùy bút “Trăng Randolph và Trung Thu Xứ Người” của Trần Thu Miên, làm tôi nhớ, tôi cũng không có một trung thu trọn vẹn, cho tuổi thơ của mình. Trung thu duy nhất, tôi có, là một trung thu, nửa đêm, tôi bị đánh thức… Không phải để “phá cỗ” mà để chạy giặc! Nửa đêm, khi được tin quân Pháp sẽ mở trận “càn” ở Kim Bảng, mẹ tôi đặt tôi ngồi lọt thỏm trong một chiếc thúng lớn và thúng còn lại, là mấy chiếc lư hương mẹ tôi lấy vội từ bàn thờ chính. Bà thuê người gánh tôi cùng lư hương, theo đoàn người chạy từ Kim Bảng tới Lạc Sơn, rồi từ Lạc Sơn chạy tiếp tới Đồi Mơ, Do Lễ. Tôi nhớ trong cơn buồn ngủ, thỉnh thoảng tôi choàng tỉnh, thấy vầng trăng thật lớn, vằng vặc, bì bõm theo tôi, băng qua những khu ruộng lầy lội, giữa tiếng súng mọc chê đâu đó - - Như những tiếng quát tháo nhát gừng của thần chết bám theo chúng tôi. Ở Do Lễ, tôi còn tự hỏi, không biết những chiếc bánh nướng, bánh dẻo, những con vật bằng bột, nhiều mầu mà tôi gọi là những “con giấu” trong “bàn cỗ” sẽ đi về đâu? Tôi nghĩ, Tây biết gì về cỗ trung thu? Họa chăng có “Vàng”, con “Vện” của gia đình tôi, mới biết thưởng thức!

Tôi không biết bao lâu sau, chúng tôi được hồi cư? Ngơ ngác nhìn khu nhà đổ nát, với những chiếc sân xi măng (vốn được mẹ tôi dùng để phơi lúa, ô mai) tung tóe sách, báo. Những khoảng sân cháy nám, loang lổ như những miếng da trâu, tôi gặp trên đường trở về! Chỉ biết, sau đấy, chị Oanh, người chị dâu sớm góa bụa của tôi, xin mẹ tôi cho tôi và chị B.T. tôi ra Hà Nội ở với chị.

Diễn biến này là một ngạc nhiên, bất ngờ lớn với tôi. Nhưng mẹ tôi thì không. Đó là kế hoạch đã được bàn thảo, tính toán giữa chị Oanh và bà. Mẹ tôi kể, sau khi anh Uyển tôi bị máy bay Pháp bắn chết trưa mồng ba Tết, năm 1951, ở Nho Quan, chị Oanh chôn anh tôi xong, trở về Kim Bảng, sống với gia đình chồng. Chiến tranh khi ấy là đám mây đen khổng lồ, không lúc nào rời khỏi phố huyện chúng tôi. Nhìn thấy nguy cơ, có ngày cả gia đình chúng tôi sẽ không còn lấy một người, chị Oanh xin phép mẹ tôi cho chị ra Hà Nội, trở lại nghề y tá, làm đầu cầu, đón tôi và chị B.T. tôi. “Ông trời”, lối nói của mẹ tôi, đã lấy đi khỏi bà, nhiều đứa con, đồng thời cũng bịt mắt, dắt đi mù mịt những đứa khác. Mẹ tôi không muốn xa thêm hai đứa con nhỏ nhất, còn lại của bà. Nhưng, chiến tranh không có cửa cho bà chọn lựa. Bà phải chấp nhận sống xa hai đứa con sau cùng của bà, để hy vọng gặp lại! Hơn là chính bà hoặc ai đó, có ngày phải đưa chúng ra khu nghĩa trang riêng của gia đình, đã không còn chỗ trống!!!

Những ngày ở nhờ trong căn nhà số 53 phố Phúc Kiến của người chị ruột của chị Oanh, cũng không có một trung thu nào cho tôi. Không trung thu, nhưng tôi lại… “thấy” trung thu trong sân trường Tàu bên kia đường ngôi nhà tôi ở tạm. Đó là buổi tối trung thu Hà Nội. Những đứa nhỏ trạc tuổi tôi, mặc đồng phục, đi quanh sân với những chiếc đèn mầu và, những ngọn nến nhẩy nhót dưới tay chúng… Từ bên này đường thèm thuồng, ghen tị nhìn qua, tôi nghĩ, rồi đây, khi có được một trung thu như chúng, tôi nghĩ, tôi sẽ không chỉ có một chiếc đèn mà, hai tay tôi là hai chiếc đèn khác nhau. Tôi sẽ không thèm chơi những chiếc đèn giấy xếp nhỏ xíu, bèo nhèo mà, tôi sẽ xin chị Oanh hoặc mẹ tôi, mua cho tôi một chiếc đèn ngôi sao thật lớn, cho tay phải và, tay trái tôi sẽ là đèn cá chép, cũng bự không kém. Trong sân nhà, tôi sẽ rước cả hai đèn một lúc. Nếu chị B.T tôi không chịu chơi với tôi, dù một mình, tôi cũng sẽ hát rõ to cho nhiều người nghe… “Tết Trung Thu rước đèn đi chơi/ Em rước đèn đi khắp phố phường/ Lòng vui sướng với đèn trong tay/ Em múa ca trong ánh trăng rằm/ Đèn thiên nga với đèn bướm bướm/ Em rước đèn này đến cung trăng/ Đèn xanh lơ với đèn tím tím/ Đèn xanh lam với đèn trắng trắng/ Trong ánh đèn rực rỡ muôn màu…” (4)

Tôi cũng định bụng, lúc đó, nếu lỡ quên lời, tôi sẽ cứ ê a… “… Đèn ông sao với đèn cá chép…” không thôi, cũng đủ “trả thù” những ngày tôi đứng bên lề đường nhìn sang sân trường Tầu ở phố Phúc Kiến rồi!

Nhưng giấc mơ của tôi, như con chuồn chuồn ngô tự dứt đứt đuôi khỏi chỉ cột, bay tới một phương trời khác. Cuối cùng, khi đã trưởng thành, tôi vẫn không một lần có trong tay chiếc đèn trung thu nào… Nên, có muốn hát thầm… “Tết Trung Thu rước đèn đi chơi…” tôi cũng chẳng thể! Vì Thực tế, chưa bao giờ tôi có được cho mình một chiếc đèn trung thu (dù chỉ là chiếc đèn giấy xếp bèo nhèo, chán chết!)

*

Có dễ đã hơn hai tuần kể từ ngày đọc tùy bút “Trăng Randolph và Trung Thu Xứ Người” của Trần Thu Miên, viết về của cha Linh, các thầy cô, Ban Việt Ngữ, Phụ huynh, học sinh giáo xứ St. Bernadette… vẫn lấp lánh trong tôi, ngọn nến tuổi thơ:

“… Khi trời vừa nhá nhem tối, lồng đèn Trung Thu đã được các cô giáo cho treo lên hai sợi dây cao trước sân khấu sáng lên làm mọi người nao nức chờ trăng. Cô Thu-Hằng cho các em ngồi xuống sân nghe cô kể truyện huyền thoại về chú Cuội, chị Hằng và cây đa. Các em chăm chú nghe cô kể chuyện bằng hai ngôn ngữ Anh-Việt và giơ tay trả lời câu hỏi rất thích thú hồn nhiên. Nghe kể chuyện xong, mỗi em được phát một lồng đèn đi rước quanh sân. Hơn 200 lồng đèn đã được phát ra mà vẫn còn thiếu. Có cô giáo ‘nguýt’ tôi dài dăm bảy cây số ‘Đã bảo mua thêm lồng đèn mà không nghe!’ Thôi thì ăn ít ngon hơn ăn nhiều.

Số trẻ em lớn bé tham dự đông ngoài dự ước. Chúng tôi định cho các em ăn bánh Trung Thu ngoài trời ngắm trăng Randolph nhưng vì số người tham dự quá đông nên cha Xứ bảo tập họp trong hội trường. Ban tổ chức chỉ xếp sẵn khoảng mười bàn nhưng số trẻ em và cha mẹ tràn vào hội trường có thể là từ 300 đến 400 người nên các thầy cô phải vận động bà con xếp thêm bàn ghế. Các bạn trong chương trình Việt Ngữ VNSB của tôi ai cũng hăng hái bưng những đĩa bánh Trung Thu và bánh do cô Linda và cô Huyền nướng tại nhà mang đến từng bàn mời các em và phụ huynh cùng chung vui tết Trung Thu. Tiếng cười nói ồn ào khiến mọi người ai cũng rạng rỡ hân hoan. Bánh Trung Thu được bà con và nhà hàng Phở Countryside chiêu đãi dư đầy. Không ngờ vui đến thế. Dọn dẹp xong, cô Thu-Hằng, cô Giang và anh Bình mang các thứ nước uống thuộc loại ‘cấm’ trẻ em dưới 21 tuổi để mọi người ‘giải khát’. Chúng tôi cụng ly nói cười vui như tết. Tết Trung Thu mà!

(…)

“… Khi tôi và Uyên-Sa rời sân giáo đường St. Bernadette, trăng tháng Chín vằng vặng giữa bầu trời khuya không vẩn mây. Mùa Thu ở đây bắt đầu cựa mình thức giấc. Phải sống hơn nửa đời người tôi mới hưởng một Trung Thu đầy ý nghĩa; dù ở xứ người không có trăng Đà Lạt hay trăng Sài Gòn. Nhưng trăng Randolph đêm nay bất chợt làm mình nhớ quê nhà quá và yêu thêm tuổi thơ Việt Nam ở xứ người.” (5)

Bạn tôi viết “… Phải sống hơn nửa đời người tôi mới hưởng một Trung Thu đầy ý nghĩa…”

Với tôi là: Phải sống gần hết đời người, tôi mới được hưởng một trung thu ý nghĩa, từ xa: Trên giấy và hình ảnh.

Ngay lúc này, dù chăm chú gõ hai ngón tay trên bàn phím, tôi vẫn nghe vẳng đâu đó, tiếng tôi hát thầm: “… Tết trung thu rước đèn đi chơi/ …/ Đèn ngôi sao với đèn cá chép…” Có thể trung thu hiểu theo một nghĩa nào, đã không hề bỏ tôi (như những con chuồn ngô tự dứt đứt đuôi, bay đi phương trời khác).

Mà, trung thu đã trở về. Đã ở lại với tuổi thơ Việt Nam, quê người.

Và, những chiếc đèn, những ngọn nến từ những bàn tay nhỏ xíu kia, một ngày nào, sẽ chuyển giao cho những bàn tay nhỏ xíu khác… Như đất nước, dân tộc tôi, ngàn đời đã tồn lưu, như thế.

Du Tử Lê

(Garden Grove, Oct. 15th. 2013)

_____________

(*) Tựa tùy bút này được đặt theo nhan đề bức tranh “Boston. Đêm. Trong ký ức”, nằm trong bộ sưu tập của Dr. Thành Trần.

(1)Xem thêm Trần Thu Miên “Tháng Tư: Bom nổ Boston, đạn bay ký ức”, Website dutule.com. Đăng ngày 25 tháng 4-2013.

(2) Đó là ca khúc “Giấc mơ chưa tròn” của Nhất Chi Vũ. Trong ca khúc này có những câu như: “Dâng lên Cha Toàn Năng giấc mơ chưa tròn nơi xứ lạ quê người…/ Cho bao người Việt Nam đón nhau về khắp trời nở hoa… / Giờ gặp lại nhau trên vùng đất lạ/ Ôi bao là nhớ quê nhà xa xăm…” Trần Thu Miên cũng cho biết thêm, ca khúc được hát rất nhiều ở các nhà thờ Công Giáo vào thập niên 1980, bởi những ca đoàn hải ngoại. Và các ca sĩ như Hoàng Oanh, Khánh Ly cũng đã thu âm…

(3) Xem thêm Trần Thu Miên “Trăng Randolph và Trung Thu Xứ Người”, Website dutule.com. Đăng ngày 30 tháng 9-2013.

(4) Nhạc và lời nhạc sĩ Đức Quỳnh (Theo Wikipedia – Tiếng Việt)

(5) Trần Thu Miên, Bđd.

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17040)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12256)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18988)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9170)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8340)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 609)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 980)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1171)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22464)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14001)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19178)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7896)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8815)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8499)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11063)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30715)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20817)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25512)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22910)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21731)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19788)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18056)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19253)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16922)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16115)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24505)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31956)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34935)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,