Chẻ đôi con gió: Cây Ly, biệt.

26 Tháng Tư 201412:00 SA(Xem: 7181)
Chẻ đôi con gió: Cây Ly, biệt.

 

“chẻ đôi con gió: cây ly, biệt
tim chấn thương cùng môi tháng, năm”.

(thơ dtl)

* Và N.H.

gieoxuong_600-content

Từ xa, ngôi nhà thấy như bị nhận chìm dưới mặt đất bởi vòng đai cây xum xuê. Nhất là hàng cây khói-thuốc cao ngất ngưởng, ken sát và, những cụm hoa giấy trên cao, thả xuống - - Nhác trông như những chiếc chuông nhỏ màu tím trong, ngửa mặt ngóng đợi tiếng vang nào dội lại.

Đến gần, lại thấy ngôi nhà như được nâng lên bởi những bụi cây, khóm hoa chíu chít vây quanh - - Chứ không phải được đặt vững chắc trên nền xi măng trắng, xám.

Đó là ngôi nhà người đàn ông thường ghé thăm người con gái, khi ông có thì giờ. Họ luôn ngồi với nhau nơi hành lang làm thêm bên hông nhà. Từ chỗ ngồi này, họ có thể nhoài người, vói tay bứt những bông ti gôn, hồng, loa kèn, mai chiếu thủy, poppy, tiểu cúc và mai trắng Cali, hay mẫu đơn... Tất nhiên họ không điên gì đưa tay ngắt những bông xương rồng, kế cận.

Hoa như đám trẻ thơ chen chúc, tranh nhau kháo chuyện. Hoặc hóng hớt chuyện người lớn…

Tuy nhiên, trước khi ngồi xuống hai chiếc ghế gỗ, giống như được kê sẵn để dành riêng cho hai người, bao giờ họ cũng đón, mừng nhau bằng những vòng tay ghì, xiết. Có thể họ không nghe được nhịp tim bất thường của nhau, hoặc của chính họ. Nhưng tôi tin, nếu không vì nhu cầu thấy, nghe được tiếng nói, khuôn mặt nhau, nhiều phần, họ sẽ cứ ôm nhau như thế, cho đến lúc chia tay. Hoặc một trong hai người phải tìm chỗ ngồi, trước khi xỉu, ngã.

Tôi nghĩ, tôi sẽ sai với họ biết là chừng nào, nếu không nói thêm rằng, họ không chỉ có những vòng tay ghì, xiết mà, người đàn ông luôn tìm mái tóc, vầng trán, ngấn cổ, (cuối cùng), đôi môi của người con gái. Dù cho người con gái có xấu hổ, giấu mặt nơi lồng ngực người đàn ông. (Không dám quả quyết, nhưng tôi tin, thế nào ông cũng sẽ tìm được đôi môi người con gái, biểu tượng cụ thể nhất cho tình yêu đôi lứa).

Tôi cũng không biết mỗi tuần họ gặp nhau được bao nhiêu lần? Nhưng bày tỏ của họ, lần nào cũng cho thấy, tựa đó là lần cuối có được nhau trong tay.

Như đã nói, cách gì thì sau đấy, họ cũng sẽ bước tới hai chiếc ghế gỗ, chứng nhân của cuộc tình hay mối tình mà, trong cảm nhận của riêng tôi, là cõi giới mong manh, dễ vỡ hơn những chùm hoa vàng nhỏ xíu buông lơi bên dàn cây chanh giây, tựa sát tường.

Tôi thực sự không biết những chùm hoa vàng nhỏ xíu đó tên gì? Chỉ biết đó là một loại cây thân thảo. Bạn-tôi gọi đó là “Hoa Nguyên Sa”. Áng chừng bạn tôi cảm ứng từ câu thơ “áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc” của nhà thơ trữ tình này?

(Nhân đây, tôi cũng xin bạn đọc cho phép tôi được tâm sự rằng: Chẳng hiểu có phải vì tôi mù tịt về cây cỏ, nên bạn tôi đã không chọn tên tôi, để đặt cho bất cứ một loài hoa không tên nào khác?!!)

Trở lại với những gặp gỡ bất thường kể trên của hai người yêu nhau, trong hoàn cảnh, điều kiện sống ở xã hội đề cao tính thực dụng này thì, mối tình mong manh, dễ vỡ của họ, theo tôi không vì hoàn cảnh mà, vì tự sâu thẳm nơi chính họ.

Tôi vẫn nghĩ, tình yêu không có chỗ cho những ngập ngừng, cân nhắc, so đo. Tình yêu, tự thân là tặng phẩm thiêng liêng của trời đất - - Sánh ngang sự sống hay nỗi chết. Nó cũng là một trong những thứ ta có thể mang theo vào phần mộ lẻ loi, cuối mỗi đời người.

Người đàn ông đưa người con gái ngồi xuống chiếc ghế quen thuộc của cô; trước khi bước tới ghế của mình. Nơi chiếc bàn nhỏ nhắn, khép nép, thấp thoáng nỗi buồn cũng nhỏ nhắn, khép nép của người con gái, qua gương mặt, ánh mắt…

Họ thường lúng túng giống như không biết phải khởi sự ra sao, cho mỗi bắt đầu gặp gỡ!?! Cũng rất thường, để lấy lại tự nhiên, người con gái hỏi người đàn ông muốn dùng trà hay cà phê? Đôi khi, trên chiếc bàn nhỏ nhắn, khép nép nọ, đã có sẵn cả hai thứ thức uống, cho người đàn ông chọn lựa. Tôi phỏng đoán, đó là những lần người con gái được báo trước. Cô có đủ thời gian chuẩn bị…

Theo ghi nhận của tôi thì, bao giờ người đàn ông cũng rút thuốc hút, sau lời xin lỗi - - Như một hành vi cần thiết, để trấn tĩnh chính mình(?) Trước khi ông sẽ uống trà hoặc cà phê…

Phần người con gái dường cố tránh tiếp xúc trực tiếp với đôi mắt của người đàn ông. Nhưng không vì thế mà cô không biết rõ từng cử chỉ của ông. Tựa cô đã đặt máy thu hình tự động khắp mọi nơi. Có thể cô đặt chúng ngay trong mái tóc, trên đôi má hay, nơi những ngón tay thuôn, gầy, duỗi thẳng.

Tôi không nhớ chính xác, lần sau cùng, cách đây cũng hơi lâu, khi người đàn ông đến thăm người con gái là xế trưa hay, mặt trời đã nghiêng về chiều. Nhưng tôi nhớ, đó là lúc bóng râm mang theo gió lạnh phủ hết con lộ. Nắng chiều như lụa mỏng, trải trên mái nhà xa, khảm những mảng đen do bóng cổ thụ hắt xuống. Và, tiếng trực thăng xành xạch ngang qua nền trời, làm sóng sánh bầu khí tĩnh lặng của cả khu phố. Tiếng trực thăng không gợi trong tôi chút liên tưởng bất an nào, như thời chiến tranh ở quê nhà. Nó chỉ cho thấy rõ hơn cái không khí thanh bình, an lạc của cảnh vật.

Tôi nghĩ, người con gái cũng có cùng cảm nhận như tôi, khi cô hớn hở đứng trong hiên nhà đón người đàn ông, với chiếc áo lạnh khoác hờ, màu xanh tối, tôn xưng nước da trắng và, mái tóc đen mướt của cô.

“Họ ôm nhau?”

“Vâng! Dĩ nhiên rồi!”

(Như tôi đã kể, đó là cách họ đón, mừng nhau kia mà).

Tôi cảm tưởng lần đó, họ xiết, ghì nhau có phần lâu hơn bình thường. Tôi cũng thấy người đàn ông gạt, gạt mái tóc dài người con gái qua một bên, để hôn ngấn cổ của cô. Tôi không biết người con gái có thoa nước hoa hay, do mùi thơm tự nhiên của thân thể, khiến người đàn ông nhắm mắt, tuồng ngây ngất…

Sau đấy, ông đắm đuối nâng mặt cô, đưa ra xa…

Người con gái nói, bằng tất cả hân hoan:

“Anh biết không, mấy hôm nay em không đánh son…”

Người đàn ông hỏi lại:

“Thiệt hả?”

“Thiệt mà. Mấy hôm nay em không ra phố, cũng không đi chợ, chỉ chờ anh thôi!”

“Còn hôm nay?”

“Em mới đánh đấy! Được không anh?”

Người đàn ông chăm chú nhìn đôi môi người con gái, giống như làm một kiểm nghiệm nghiêm chỉnh, trước khi có ý kiến. Ông hơi nghiêng đầu bên này, rồi bên kia. Thình lình, ông hôn môi cô!

Người con gái thốt kêu:

“Đừng! Anh!”

Thú thật, tôi không hiểu rõ lắm tiếng thốt kêu của cô gái. Tôi không biết thực sự cô không muốn hay, chỉ vì cô sợ lợt môi son? (Cũng có thể vì nhiều lý do khác nữa? Có chăng, chỉ mình cô biết!)

Dù ở trường hợp nào, theo ghi nhận của tôi, người con gái vẫn cho thấy, cô vui lắm! Cô nắm tay người đàn ông về chỗ ngồi quen thuộc của họ. Từ đấy, gần như họ không rời tay nhau. Lúc thì người đàn ông đưa tay mình cho người con gái nắm. Lúc người đàn ông tự động hôn tay cô. Cũng có lúc ông vuốt ve chỉ một ngón tay và, chốc chốc lại vuốt tóc cô (mặc dù chẳng có một sợi tóc nào không nằm yên, đúng chỗ của nó. Thỉnh thoảng họ cũng trao đổi chuyện gì đó, với nhau. Nhưng họ nói quá nhỏ, nên dù cố gắng tôi vẫn không nghe được.

Khi giải lụa chiều mỏng, khảm những mảng đen do bóng cổ thụ hắt xuống, rớt hẳn phía bên kia những mái nhà xa, và con lộ trở nên đông đúc xe, họ chia tay nhau. Trước khi quay lưng, tôi thấy, người đàn ông chỉ hôn lên trán người con gái mà không ôm cô, dù cả hai bịn rịn nhau, thấy rõ.

Không ai biết buổi tối hôm đó, người con gái có rửa sạch lớp son trên đôi môi mình? Hay, sẽ để nó qua đêm? Thêm nhiều ngày nữa? Riêng tôi, tôi tin, chắc chắn, đêm đó, ác mộng sẽ không cách gì quấy rầy được người con gái. Nếu không muốn nói, cô sẽ có được một giấc ngủ nhiều hoa, lá và, hương thơm, không chỉ từ khu vườn riêng của cô mà, còn từ tình yêu, thân thể của hai người! (Tôi cũng không loại trừ trong mơ, người con người gái có thể gặp lại mùi thuốc lá…khét lẹt?)

Thưa bạn, lần này tôi có thể xác nhận với bạn rằng, tôi nhớ chính xác họ gặp nhau vào buổi trưa. Lúc khu rừng cây bao quanh ngôi nhà người con gái đã đứng bóng. Tuy nhiên, khác hơn những lần trước, lần này làm như họ không có điều gì cần phải nói với nhau. Hay vì có quá nhiều điều muốn nói, nên họ không biết nên bắt đầu từ đâu?!?

Cùng với im lặng như tấm gương lớn, in đậm hạnh-phúc-chông-chênh, là những con gió phân thân khi phải chia tay những tàng cây chúng đã ăn ở nhiều đời. Và những chiếc lá nứt môi, kiếm tìm thất lạc mưa, năm, tháng, trên cao. Dưới thấp, mấy con chim cu đất, thả những tiếng “gù…gù…” gọi bạn vào khoảng không gian óng nắng trưa, trên những mái nhà xa - - Tựa những nốt nhạc rơi đều trên những khuôn nhạc được kẻ rất thẳng, bởi thương yêu trầm. Lắng. Rất riêng của hai người.

Sau khi hút hết điếu thuộc thứ hai, người đàn ông đứng lên, nhìn đồng hồ. Hiển nhiên người con gái không chờ đợi một chia tay đột ngột, quá sớm như thế.

Cô hỏi, bằng giọng bình thản, nhưng vẫn cho thấy nhiều nỗ lực điều chỉnh, che giấu sự bất ngờ:

“Hôm nay anh bận?”

Người đàn ông gật, xong lại lắc đầu:

“Không!...”

Người con gái rời khỏi chiếc ghế của mình.

Người đàn ông nói tiếp. (Lần này, tới phiên ông cố giữ giọng bình thản):

“Anh ghé thăm em một chút thôi. Mục đích là để đòi em một món nợ…”

“…?”

“…Lớp son trên môi em…”

“…Son trên môi em?”

Người con gái ngạc nhiên, hỏi lại.

“Đúng vậy em. Có phải lần trước khi chúng ta gặp nhau, em nói, nhiều ngày em không thoa son. Cho tới khi biết được anh sẽ đến. Lớp son trên môi em hôm đó, là…của anh. Cũng như lớp son trên môi em hôm nay vậy…”

Người con gái bật cười:

“Ứ! ừ! Em không chơi vậy đâu!”

Cô phác một cử chỉ tựa muốn đánh người đàn ông. Nhưng cô chưa kịp hành động thì, người đàn ông đã ôm cô. Như ôm một đứa bé. Người con gái xấu hổ giấu mặt…

*
Tới đây, tôi xin nhường kết luận cho bạn, với câu hỏi: Liệu người đàn ông trong truyện, có đòi được món nợ thương yêu mà, người con gái đã dành cho ông? Có / không vì sao?

Câu trả lời, nếu được, xin gửi cho…

Du Tử Lê.

(Garden Grove, Apr. 2014)

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 17058)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12266)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18996)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9179)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8351)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 621)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 993)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1182)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22474)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14007)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19187)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7903)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8820)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8502)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11071)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30722)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20819)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25516)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22914)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21737)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19794)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18059)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19260)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16925)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16117)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24513)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31961)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34937)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,