Tôi lần đầu nhìn thấy em là vào một tối mùa Hè 1995, tại một quán cà-phê ấm cúng nằm trên đường Tú Xương. Hôm đó tôi không nhớ buổi họp mặt ấy đi theo lý do gì, tôi chỉ nhớ, lạ một chỗ là các cây bút của Thanh Niên và Tuổi Trẻ lần đầu đã cùng ngồi với nhau cởi mở đến vậy. Đi cùng em phía Tuổi Trẻ là Đỗ Trung Quân, Huỳnh Thanh Diệu, một hai người khác. Còn phía Thanh Niên, ngoài tôi còn Nhã Bình cùng vợ là Kim Lan, rồi Đoàn Mẫn; có cả người của “phía trung gian” là Bùi Đình Lâm đến từ Kiến Thức Ngày Nay. Buổi tối gồm khoảng 10 người ấy trôi đi trong những câu hỏi nhẹ nhàng mà thẳng thắn, từ phía Tuổi Trẻ; còn phía Thanh Niên, là trả lời. Hình như hôm đó còn có cả Danh Đức, từ Tuổi Trẻ sang Thanh Niên trước, được mấy năm. Và có cả Huy Đức.
Viết đến đây thì tôi nhớ ra, ngay lúc đó, Tuổi Trẻ đang gặp một sự cố khôn lường.
… 1995 - 2025, thoắng đấy mà tôi biết em đã 30 năm. Lúc đó em mới 27 tuổi nhưng tên em đã nổi như cồn trong giới Âm nhạc, từ những bài viết ngắn mang một phong cách rất sắc trên trang Văn Nghệ do Nguyễn Đông Thức cầm dùi, cho đến các sáng tác không thể lẫn vào bất cứ ai. Ban Văn Nghệ của Tuổi Trẻ khi ấy rất mạnh với em, Quân, Diệu; ngoài ra còn Thúy Nga, Nguyễn Chương.
Rồi ít lâu sau đó, em trở thành đồng nghiệp của tôi tại tòa báo số 248 Cống Quỳnh. Bạn Văn nghệ bên này đã chật cứng người, bấy giờ lại thêm Diệu và em. Nhưng cũng chỉ được một tháng.
Một ngày tôi không biết trước, em rủ tôi ra ngồi quán cà-phê vỉa hè của cô vợ ông Xuân bảo vệ ngay trước cửa. Chúng tôi xơi mỗi đứa một cặp bánh Dầy chả và một ly nước chanh, lúc ấy em mới nhẹ nhàng nói: “Anh Sĩ ạ, uống xong chầu này với anh, là em sẽ bye bye chốn này luôn!”. Tôi lặng cả người: “… Đi ngay à? Rồi chú đi đâu?”. Em cười: “Em không chết đói đâu mà anh lo!”. Biết tính em, tôi không hỏi nguyên nhân mà em cũng chẳng nói. Em không bao giờ trách người hay trách đời, em không bao giờ nói xấu về một nơi chốn hay về một người nào đó mà em đã gặp trong đời. Em chỉ lẳng lặng đi theo kế hoạch đã định của mình.
Một ngày sau, khi em đã dong rồi, Diệu cũng rủ tôi ra vỉa hè trước cửa, chào tôi và cũng đi luôn sau khi buông một câu: “Anh là người duy nhất ở đây em chào tạm biệt”.
Đến phiên tôi rời tòa báo vào 1997, 28 năm trước vì một lý do mà tôi cho rằng, nó đã na ná như trường hợp của em, của Diệu. Thời gian đó - Như bố tôi đang làm sếp tại Nha Báo chí Phủ Đầu Rồng từ 25 năm trước đó nữa, bị Hoàng Đức Nhã kỷ luật phải về Dinh Gia Long chấp nhận làm nhân viên phát lương công chức - để có tiền nuôi con, tôi trôi về làm một biên tập viên quèn cho một tờ báo của Thái Phong Sương và Lê Hiển nằm trên phố Tây ba-lô. Năm 2001, lương tôi ở đấy chỉ vỏn vẹn 3 triệu.
Rồi tôi chợt nghe tin em đang làm trưởng trang Văn Nghệ cho một tờ báo thể thao khác, mới ra đời được có vài tháng, làm theo phong cách tabloid của tờ Bild lừng danh châu Âu, từ tập đoàn truyền thông Buda của Đức. Hiển nhiên tôi đã háo hức.
Tôi và em gặp lại nhau trong một quán cà-phê cửa kính nằm trên đường Mạc Thị Bưởi. Em nói: “Anh về bên này với em. Để em nói Thế Phong, phó tổng giám đốc ở đây, trả lương anh 6,5 triệu một tháng”. Tôi về tòa nhà đó, số 71-73-75 Hai Bà Trưng, làm ở lầu 6 cùng em. Báo bên này ra 3 số một tuần; Hai, Tư, Sáu. Làm ngày ngày đến 11 giờ đêm.
Khi ấy, em bận nháo nhác với 2 nhóm hát, MTV và Trio 666 nên việc bài vở cho báo, em dần dần nhường lại cho tôi sắp xếp từ lúc nào không nhớ. Tôi phải làm việc với những cây bút rất trẻ mà bây giờ, các bạn ấy đều thành đạt cả như Mai Hương, Trâm Anh, Thanh Dân, Minh Hằng, Phùng Hiếu. Rồi tháng 8/2002, vừa xong World Cup tại Hàn Quốc và Nhật Bản, tôi bị bệnh rất nặng tưởng không qua khỏi, phải vào bệnh viện nằm trong 2 tháng. Em vào thăm, cầm cho tôi một bọc tiền gần 50 triệu cả tiền lương và nhuận bút. Em nói: “Anh ráng nghỉ ngơi, chóng khỏe cho chị bớt lo”. Tôi cười như mếu vì lúc đó tôi đang ngộ ra, không có bất cứ điều gì so bằng sức khỏe.
Sau 9 tuần, tôi đi làm lại và dòng đời xô đẩy em cùng tôi đi theo 2 hướng khác nhau. Có lúc chúng tôi gần nhau trong ít tháng nơi cùng một tòa báo nào đó rồi em lại như cánh nhạn, trôi theo bao nhiêu là dự án về âm nhạc và nghệ thuật trên sóng điện quốc gia. Em viết nhạc cho phim chiếu rạp, em dẫn dắt chương trình Trò Chơi Âm Nhạc, em vẫn viết báo, làm columnist (1) ở đâu đó, em phỏng vấn những nhân vật nổi tiếng. Em xuất hiện trên truyền hình.
Đến khi bà nhà tôi bệnh nặng, em nhờ các cha Công giáo cầu nguyện cho bà ấy chóng hồi phục. Và em giúp tôi lại có bài đăng trên trang báo. Gần 2 tuần trước, em đến tận nhà tôi để trao nhuận bút mà tôi biết, em đã bù cả tiền túi của em vào cho tinh tươm. Chúng tôi lại ngồi uống đá chanh với nhau, vì em không cà-phê, không thuốc lá. Còn tôi thì bỏ thuốc được gần 2 năm rồi.
Tôi hỏi: “Độ này chú còn sáng tác không?”. Em lắc đầu: “Chán lắm bác ạ!”. Thương em, nhưng nghiệp cầm bút này nó quả như thế thật. Không nói về chuyện nó có làm người ta no bụng hay không, nhưng bao giờ nó cũng bắt buộc phải đi từ cảm hứng.
Chúng tôi chơi với nhau đã 30 năm. Tuy có lúc “on/off” không đều, thế mà em nay đã 57 tuổi. Những nốt nhạc em viết tưởng đâu mới hôm qua, hôm kia.
——-
(1) Người viết bài ngắn, nhưng huyết mạch, trụ cột, cho một tờ báo
Trinh Dinh Si,
Gửi ý kiến của bạn