Nhan đề đầu tiên của ca khúc “Hạnh phúc buồn,” là “Trong tay thánh nữ có đời tôi.” Nhưng nhan đề này, nhạc sĩ Trần Duy Đức đã chọn, nên Hoàng Thanh Tâm đổi thành: Hạnh Phúc Buồn.
Khi tìm tới và phổ nhạc bài thơ của DTL, Cả hai nhạc sĩ vừa kể ở hai lục địa khác nhau. Một người ở Mỹ Châu, một người ở Úc Châu. Khác nhau chăng, là ở chỗ: nhạc sĩ Trần Duy Đức giữ gần như nguyên bản bài thơ. Trong khi nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm có đổi chữ và lấy bốn câu thơ ở một bài thơ khác cũng của DTL, dùng cho điệp khúc bản nhạc của ông.
Bài
thơ 4 câu đó, nhà thơ Du Tử Lê viết trong chuyến đi Úc lần thứ nhất, cuối năm 1991, tại Sydney – Và, Hoàng Thanh Tâm là người đầu tiên đọc, trước khi bài thơ được in ra. Lại nữa, khi đặt tên “Hạnh phúc buồn” cho bài thơ phổ nhạc này, cũng chính là thời gian nhạc sĩ Hoàng Thanh Tâm mới chia tay với người yêu của ông ở thành phố Canberra, thủ đô nước Úc.
tay người
sông chẳng thể không trôi về biển lớn
người bên bờ buông tóc thả cho mây
dẫu hết kiếp ta vẫn là đứa trẻ
buồn vui theo chiếc kẹo ở tay người.
trong tay thánh nữ có đời tôi
hỏi Chúa đi rồi em sẽ hay
tôi buồn như phố cũ như tay
bàn chân từng ngón ngưng không thở
lạc mất đường đi. tạnh dấu bày
hỏi nắng đi rồi em sẽ hay
tôi gầy như lá nhẹ như mây
gió khuya thổi rớt ngàn tâm sự
thiên đàng tôi là người hay ai?
hỏi gió đi rồi em sẽ hay
cảnh tượng tôi un khói. bụi đầy
ai không ném đá tôi nào biết
riêng người vẫn bay trên ngọn cây
hỏi tóc đi! sông những buồn vui
như tôi qua gần hết cuộc đời
trí khô não kiệt. nghe từ đất
tiếng gọi trời xa. thánh nữ ơi
hỏi mắt đi sẽ thấy rừng cao
biển sâu dưới thấp. đêm quê nhà
con đường núi Sọ, không ai đợi
tôi hỏi tôi: này, đang ở đâu?
hỏi môi đi! môi còn muối mặn
xát ướp lòng tôi thì đã sao?
chỉ e chẳng kịp cho đời khác
cửa mở nhưng tôi chẳng thể về
hỏi tim đi! tim nói lời gì?
máu còn quy ẩn có đôi khi
chỉ cho em biết hồn tôi khuất
sau những hàng cây đã luống thì
trong tay thánh nữ có đời tôi.