Nhà thơ Đỗ Quí Toàn (Hình: Uyên Nguyên/Người Việt)
Khi ghi nhận thơ Đỗ Quý Toàn là tiếng thơ “trí tuệ”, tôi không biết nhà văn Mai Thảo muốn nói, trí tuệ trong thơ họ Đỗ thuộc khuynh hướng nào?(7) Khuynh hướng kinh-viện? Hay khuynh hướng dùng sở học đem thơ vượt trên bản năng mù lòa? Cảm xúc bất cập? Để đưa thơ về lại đầu nguồn. (Nơi hôn phối giữa con người và thiên nhiên thiện-hảo nhất).
Mặt khác, tôi cũng không tìm được sự đồng cảm với nhà phê bình văn học Cao Thế Dung (8), khi ông viết về thơ Đỗ Quý Toàn, trong cuốn “Thi Ca và Thi Nhân” (9) có đoạn như sau:
“… Thơ ông là những ngôn ngữ như lá cành trên sa mạc hoặc sỏi đá trên vùng tuyết lạnh và tiếng thơ như tiếng huýt sáo theo giọng ca được sáng tác trong tình cờ và hợp tấu theo bước chân đi của một lãng tử tình nguyện xa nhà, xa cả thân thể…” (10)
Tôi nghĩ nên xác nhận rằng: Tôi không tìm thấy tính “sa mạc, sỏi đá” nào trong tất cả những bài thơ của Đỗ Quý Toàn, tôi được đọc từ quê nhà, tới hải ngoại. Tôi cũng không tìm thấy dấu vết những “bước chân đi của một lãng tử tình nguyện xa nhà, xa cả thân thể,” trong cõi-giới thơ họ Đỗ!
Trái lại, với tôi, thơ Đỗ Quý Toàn luôn nồng nàn tình yêu thiên nhiên. Tình yêu con người:
“… Chàng trên môi em là mặt trời xoay/ Những con chim biển bay trong những chiếc lồng nắng ngời bọt trắng/ Trong hơi thở chàng em ngập ngụa như cồn cát non dưới cơn triều vĩ đại/. Trên bàn tay chàng dòng sông trào cuốn tới sóng mênh mông/ mang thân em làm phù sa đưa em đi về thăm thẳm xa tới biên cương của sông và biển/ tới biên cương của nước và trời biên cương của ngân hà và vũ trụ…”
(…)
“Hãy im lặng như sao đêm./ Thì thầm lời tình tự./ Hãy bao la như sóng cả./ Mùa nước lũ mênh mang hãy phì nhiêu như trái đất nở nang ban sự sống biết bao nhiêu mùa hoa cỏ.”(Trích ĐQT: “Mặt trời nàng”)
Hoặc:
“… Khi núi thức mùa xuân./ Hãy yêu chàng như cỏ./ Cỏ ngây ngất mọc đầy/ Tràn bao quanh trái đất./ Trên trái đất quay./ Hãy yêu chàng như biển./ Đất quay biển quay theo./ Nhịp nhàng như luân vũ khúc…” (Trích ĐQT: “Tự Tình”)
Tôi vẫn nghĩ, một người không thể có tình yêu thiên nhiên, nhân loại, nếu không yêu chính mình. Cá nhân hay thân thể thi sĩ, trong trường hợp này, là chiếc cầu nối, ngôi đền chứng giám cuộc gặp gỡ kỳ diệu gữa thiên nhiên và nhân thế:
“… Hãy yêu chàng như màu xanh
Yêu chàng như màu đỏ
Như màu tím màu vàng
Trên da trời chói chang
Mặt trời mọc rồi lặn
Trời da vàng da đen
Yêu chàng như thế đó
Hãy yêu chàng như thế
Như thế như thế…” (11)
Là người có đôi chút kinh nghiệm và, quan tâm tới kỹ thuật thi ca, qua nhiều trích đoạn thơ kể trên của họ Đỗ, tôi muốn nói một trong những nét đặc thù của cõi-giới thơ Đỗ Quý Toàn, là khả năng sử dụng kỹ thuật “Liên tưởng mắt xích” hay “Liên tưởng xâu chuỗi” (Associated links) - - Là kỹ thuật cho phép thi sĩ chuyển tải một loạt hình ảnh, ý tưởng… Nó như dòng nước chảy xiết, không khoảng lặng. Tuy nhiên, vẫn theo tôi, không phải nhà thơ nào, trường hợp nào, cũng có thể sử dụng kỹ thuật đó. Một người làm thơ non tay, khi lạm dụng kỹ thuật này, nó sẽ tố cáo sự vụng về, gượng gạo của lạm dụng vô cảm, lạc lõng, ngô nghê!
Như bất cứ một thi sĩ nào khác, họ Đỗ cũng có một số thơ lục bát (không nhiều). Lục bát Đỗ Quý Toàn, tới nay, vẫn nghiêng về điều tôi muốn gọi là “đẹp xưa” - - cũng với tất cả tâm hồn đắm đuối thở cùng nhịp thở thiên nhiên. Thí dụ:
“Rừng vừa trải một lần mưa/ Nắng riêu lũng khói vàng xoa dạn hồn/ Người đi chìm xuống chiều thuôn/ Chim kêu bóng thấp sương dồn lung lung/ Trời đưa mây tới hư không/ Nằm nghe ngày xuống hoài mong buồn về."
(ĐQT: “Buồn về”)
Hay:
“Không gian đang đóng cửa ngoài/ Nắng sa xuống núi mưa ngoài bến sông/ Lòng sầu dớm chút sương trong/ Trời yên lặng thế - gì mong giãi bày/ Này thôi, đừng nhớ hôm nay/ Ngồi, nghe bụi nhỏ rơi đầy ước mơ."
(ĐQT: “Bên ngoài”)
Dù vậy, điểm mạnh trong sinh phần thơ Đỗ Quý Toàn, theo tôi, vẫn là cách nói của riêng ông, ở những thể thơ khác. Điển hình như bài thơ được nhiều người biết đến: Bài “Chuyện tình” (12)
“Chuyện tình” hay “Mùa xuân yêu em” có 24 câu. Bốn câu đầu mở vào bài thơ là:
“Ôi anh yêu em vì em biết nói
Em đã biết thưa em còn biết gọi
buổi sáng trời mưa khiến anh nhớ em
bây giờ trời nắng anh nhớ em hơn…”
Tôi biết, nhiều người rất thích thú khi thấy họ Đỗ cho biết, người yêu của ông, không chỉ “biết nói” mà còn…
“biết thưa”!
Nhưng cũng không ít người ngạc nhiên, tự hỏi, “Ủa! Như vậy thì những phụ nữ còn lại, không…“biết nói, biết thưa” sao?
Với những ai làm thơ, và nhất là có nghiên cứu, hiểu biết về kỹ thuật thi ca, sẽ nhận ra rằng: Tác giả đã sử dụng kỹ thuật hoán dụ (metonymy) để hóa thân người yêu của ông thành chim. Nhờ thế, họ Đỗ đem được vào bài thơ của ông, tính dí dỏm, hóm hỉnh (vốn ít thấy trong thơ Việt). Mặt khác, nó cũng cho thấy tình yêu tác giả dành cho nhân vật nữ trong thơ của ông, mới nồng nàn, thắm thiết dường nào!(13)
Và, đây cũng là một “cách nói khác” nói về tình yêu, với những liên tưởng mới, đẹp, như:
“khi ngó nhau thôi còn biết nói gì
hai đứa ngồi đó như hai hòn bi…”
Hoặc:
“…có cánh hoa đẹp anh hái cho em
em không thèm nhận anh chết cho xem…”
Dĩ nhiên, người yêu của ông (ngay khi có thực sự là một con chim nhỏ), cũng dư biết đó chỉ là “dọa dẫm”, làm duyên vậy thôi. Bởi vì, ngay sau đó, tác giả đã nhãng quên điều mới nói, để lại âu yếm hỏi:
“… này em yêu quý em có biết nghe
trên cánh đồng cỏ có con bò kia
nó kêu ‘bò’ ‘bò’ và nó ăn cỏ…”
Cứ thế, ông dẫn dụ con chim nhỏ của ông hướng thương yêu đến những sinh vật nhỏ nhoi nhất, như con... kiến. Hoặc với thiên nhiên cao, rộng, thênh thang… Như gió. Như núi, đồi. Như một… “cây to tướng”:
“… trời hôm nay cao, yêu em, hỡi gió
và trên đỉnh đồi có cây to tướng
ở một cành ngang có một tổ kiến
có con đi ra có con đi vào
trời hôm nay nắng, yêu em xiết bao…”
Tôi nghĩ, tôi không quá lời khi nói, thay vì kể chuyện cổ tích (mà trẻ con rất thích) họ Đỗ đã dùng hình ảnh, thiên nhiên để gợi óc tò mò trẻ thơ nơi đáy sâu tâm hồn người yêu ông. Trước khi dẫn dụ nàng tới hình ảnh một con chim (khác):
“… hồi nãy trên trời có con chim bay
có con chim nó bay qua trên trời…”
Tôi rất thích hai chữ “hồi nãy,” ngụ ý, “xui ghê,” con chim ấy đã bay mất! Nhưng, hiện tại, ngay bây giờ, ở đây là “em” – Cũng là chim. Nhưng hiện thực. Sống động. Giữa:
“trời xanh đến thế đôi mình lứa đôi.”
Đọc thơ Đỗ Quý Toàn, thơ của một người yêu tổ quốc mình, nồng nàn qua tình yêu ngôn ngữ Việt, tôi muốn ví tiếng thơ đó, như những lượng suối trong veo, đầu nguồn. Nó trong trẻo tới độ, ta có thể vốc lên tay từng vốc nước ở bất cứ đoạn suối nào, ta vẫn có thể soi thấy mặt mình hân hoan, rạng ngời trong từng giọt nước.
Từ đấy, tôi không ngạc nhiên, khi biết có nhiều người yêu thơ họ Đỗ.
Nhưng, xin “hãy yêu chàng…” cách của mình. Mà, không nhất thiết phải làm công việc giống… như tôi, trên đây!
Du Tử Lê
(Garden Grove, Aug. 2013)
_________________
Chú thích:
(1) Đó là nơi ở sau cùng của tác giả “Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền,” kể từ khi ông rời căn nhà của người em ruột ở thành phố Garden Gorve. Người tìm và đứng tên thuê căn studio này, là cố nhà báo Đỗ Ngọc Yến (1941-2000) - - Chủ nhiệm sáng lập nhật báo Người Việt. Vì lý do sức khỏe, vài năm trước khi từ trần, nhà văn Mai Thảo đã dọn xuống đất, cũng là studio.
(2) Tới ngày mất, nhà văn Mai Thảo (1927-1998) vẫn cương quyết không sử dụng computer. Thậm chí, ông còn từ chối đề nghị của một bạn trẻ, đánh máy danh sách mấy trăm độc giả dài hạn của báo Văn, để ông chỉ việc gỡ những miếng label in sẵn, dán lên bì thư mà thôi. Trong tình thân với một số người, ông giải thích, không phải ông “gàn, chướng” mà, ông cho rằng, đích thân ông viết tên độc giả nơi bì thư, tuy có mất thì giờ thật, nhưng đó là sợi giây liên lạc thân thiết giữa Văn và bạn đọc.
(3) Trừ ca khúc “Mùa xuân yêu em” thơ Đỗ Quí Toàn, nhạc Phạm Duy (1921-2013), là trích đoạn từ bài thơ nhan đề “Chuyện tình,” họ Đỗ viết năm 1959. Phổ biến lần đầu trên báo Ngàn Khơi 1960. Năm 1964, ông chọn đọc trong hôn lễ với người bạn đời của ông là bà Hà Dương Thị Quyên. Trong số tân khách tham dự, có nhạc sĩ Phạm Duy… Tuy nhiên, không vì thế mà quần chúng biết được những gì nằm ngoài ca khúc.
(4) Cao Thế Dung, “Thi ca và Thi nhân” Quần Chúng, Saigon, xuất bản năm 1969. Trích theo Luân Hoán, Wikipedia – Tiếng Việt.
(5) “Cỏ và Tuyết” thơ Đỗ Quí Toàn, Thanh Văn XB, Hoa Kỳ, 1988.
(6), (7), (8), (9), (10), (11) Nđd.
(12) Họ Cao hiện cư ngụ tại tiểu bang Virginia.
(13) Đây cũng là một ân thưởng thi ca dành cho các thi sĩ. Họ có thể ví von, so sánh người yêu của họ, với bất cứ một hình tượng nào; mà, không sợ bị ai phiền trách. Có khi họ còn được yêu thích hơn, như trường hợp họ Đỗ trong bài thơ này vậy.