WESTMINSTER, CA (NV) - Năm nay 81 tuổi, họa sĩ Lương Văn Tỷ có một cuộc đời thú vị và đầy ý nghĩa. Nhưng ông thấy mình vẫn còn một điều nữa phải làm, cho nên một hôm ông đến tòa soạn Nhật Báo Người Việt, không báo trước, để yêu cầu được giúp đỡ.
Tôi chưa bao giờ có dịp gặp ông trước đó.
Họa sĩ Lương Văn Tỷ hạnh phúc nhất khi ông ngồi vẽ tại phòng tranh ở nhà,
một buổi chiều cuối tháng Tám, 2013. (Hình: Hà Giang/Người Việt)
Cuộc gặp gỡ bất ngờ
Vào một buổi chiều trung tuần tháng Bẩy, công việc trong ngày càng lúc càng dồn, đang bận bù đầu bỗng nghe loa phóng thanh gọi tên mình, nhân viên ngồi quầy cho tôi biết có khách đang đợi.
Ngạc nhiên, tôi nói với nhân viên ở quầy tiếp tân là mình không có hẹn với ai cả, và hiện đang làm dở dang một việc không thể ngừng được, cho nên yêu cầu vị khách này chịu khó chờ.
Quầy tiếp tân cho biết “chú khách bảo chờ bao lâu cũng được” và “chú có vẻ lớn tuổi rồi chị ạ.”
Vị khách bất ngờ của tôi nhanh nhẹn quắc thước chứ không yếu ớt như tôi hình dung. Mái tóc trắng phau, đôi mắt sáng và nụ cười rạng rỡ, ông có dáng dấp của người từng luyện tập võ thuật thời còn trẻ.
Không cần vòng vo, ông tự giới thiệu mình là họa sĩ Lương Văn Tỷ và cho biết mục đích của ông khi đến thăm tòa soạn.
"Chú có một điều cần phải làm, mà chú nghĩ chỉ có báo Người Việt mới có thể giúp được. Người ta nói cháu là người sẽ giúp bác tốt nhất.” Họa sĩ Lương Văn Tỷ nói một cách thân tình.
Rồi ông nói rõ thêm là muốn tặng hơn một trăm bức tranh sơn dầu nguyên thủy của mình, “những bức tranh chú vẽ từ mười mấy năm nay.”
“Vậy chú muốn nhờ cháu viết một bài viết, hay là chú muốn tổ chức một cuộc triển lãm ở phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, rồi thông báo việc tặng tranh hay sao ạ? Tôi hỏi sau một phút suy nghĩ.
“"Không," họa sĩ Lương Văn Tỷ lắc đầu, giọng nhấn mạnh. "Chú muốn tặng cả bộ tranh mà chú vẽ hơn mười mấy năm nay cho một viện bảo tàng. Cháu có thể giúp chú viết thư cho các viện bảo tàng không? "
"Để cháu xem, mà chú có hình những bức tranh ở đây không?
"Không, chú không có trong lúc này, nhưng chắc chắc sẽ mang hình đến cho cháu xem, nhiều tranh lắm.” Họa sĩ Tỷ khẳng định.
Tôi giải thích là trước hết cần phải xem hình những bức tranh của ông, sau đó đến thăm nơi ông sinh hoạt, vẽ tranh, rồi sau đó mới có thể viết bài, và hy vọng sau khi phổ biến bài viết, một vài viện bảo tàng sẽ liên lạc với ông.
Tôi đưa danh thiếp cho ông rồi bắt tay tiễn khách. Chúng tôi hẹn sẽ gặp lại sau khi chú thu xếp chụp hình và gom góp được một số hình ảnh mang đến tòa soạn.
Ba tuần lễ trôi qua. Tôi đã quên khuấy hẳn câu chuyện của muốn tặng tranh cho bảo tàng viện, thì một lần nữa lại nghe loa phóng thanh gọi tên bất ngờ. Bàn tiếp tân cho biết họa sĩ Lương Văn Tỷ đang đợi.
Họa sĩ và tác phẩm
Painting Seller, Oil on canvas - 30 X 30, 2007 (Lương Văn Tỷ)
Wow! Đẹp quá.
“Sách mới gửi về hôm qua. Mấy đứa con tụi nó in cuốn sách này mừng sinh nhật thứ 81 của bác.” Chú Tỷ khoe, giọng không nén niềm hãnh diện.
Tôi lật vài trang sách. Nét vẽ đậm và mạnh, sinh động mà dịu dàng. Xanh và nâu, đỏ và lòng tôm, nhiều sắc vàng. Mầu của đất, của hy vọng, hạnh phúc và quyết tâm.
Với tựa như “Girls chatting,’ ‘old ways,’ ‘Thu Bon river,’ ‘traditional dancing,’ traditional singing,’ ‘corner of Nguyen Hue Blvd’ and ‘beggars returning to temple, Tranh của họa sĩ Lương Văn Tỷ đầy hoài niệm quê hương, về một Huế cổ kính, một Sài Gòn vui tươi, một Hà Nội ngàn năm văn vật.
Không là một nhà phê bình hội họa, tôi không biết làm sao để tả những bức tranh làm mình xúc động. Chỉ thoắt thấy mình như vừa đi lạc vào một làng quê Việt Nam, bên cánh đồng, con trâu, và những thiếu phụ oằn vai dưới gánh rạ, thoắt đứng trước cửa trường sau giờ tan lớp, nhìn các nữ sinh chụm đầu vừa đi vừa chuyện trò, thoắt thấy mình đứng nép dưới mái ngói xanh rêu ngoài cửa chùa, nhìn những người hành khất rảo bước về nơi nương náu.
“Cháu cứ giữ sách xem đi, rồi hôm nào ghé nhà chú!” Họa sĩ Tỷ nói.
Phải đến lúc thấy được ông bình thản và ung dung tự tại trong phòng vẽ tại nhà, thế giới riêng của ông, tôi mới bắt đầu thấy được người họa sĩ sau một núi tranh vĩ đại của ông.
Vật đầu tiên người ta thấy ở nơi cư ngụ của họa sĩ Lương Văn Tỷ không phải là nhà bếp, bàn ghế, hay đồ dùng, mà là tranh. Tranh khắp nơi, trên sàn nhà, trên bàn, trên tường, và cả trên cầu thang. Cọ và vài chiếc pallettes đầy mầu rải rác bên chiếc giá gỗ.
Tay cầm cọ, họa sĩ Tỷ ngồi xuống chiếc ghế quen thuộc, rồi vừa vẽ, vừa kể chuyện đời.
Sinh ra trong một gia đình lao động, cha người Trung Hoa và mẹ người Việt Nam. Cha ông qua đời khi ông mới 12 tuổi. Mẹ ông không học cao và chỉ có đủ khả năng cho ông theo học hết bậc tiểu học. Sau khi rời trường, ban ngày ông làm một thợ học việc trong nghề mộc, ban đêm tự học toán. Khi 16 tuổi, ông dành dụm được chút tiền và bắt đầu học vẽ, từ các lớp vẽ tư nhân, và làm người phụ việc cho một số họa sĩ khác.
Giống như hầu hết những người cùng thời, ông Tỷ được lệnh nhập ngũ năm 21 tuổi, và phục vụ trong quân đội 11 năm. Tài năng được nhận biết một cách nhanh chóng, ông được phép dùng cọ để phụng sự, và thậm chí quân đội còn giúp ông tổ chức hơn mười mấy cuộc triển lãm. Ông đã đoạt một số giải thưởng và bán được khá nhiều tranh từ khi còn ở Việt Nam.
Chút quà tri ân
Sau biến cố tháng Tư, 1975, họa sĩ Lương Văn Tỷ rời Việt Nam và di tản sang Mỹ. Tại đây, ông tạm gác cọ qua một bên, làm đủ thứ việc để kiếm sống. Để nuôi gia đình gồm một vợ và sáu con, ông chắt bóp, dành dụm, rồi dần dà xây dựng một số doanh nghiệp khá thành công, gồm một cửa hàng tạp hóa, một tiệm bán thuốc Nam, và thậm chí cả đài truyền hình địa phương Việt Nam đầu tiên ở California. Bận rộn, nhưng luôn luôn dành thời gian để học hỏi thêm về các môn mỹ thuật. Ông đến San Bernardino để theo học các lớp sơn dầu, tranh lụa, và đến Los Angeles để học điêu khắc và làm gốm. Hiện ông có một bức tượng tự tạc được trưng bầy tại Laguna College of Art and Design, ở Laguna Beach, California.
Họa sĩ Lương Văn Tỷ cắm cúi bên bức tượng tự tạc tại Laguna College of Art and Design,
ở Laguna Beach, California. (Hình: Nguyễn Bảo Thạch, 2012)
ở Laguna Beach, California. (Hình: Nguyễn Bảo Thạch, 2012)
Năm 65 tuổi, họa sĩ Lương Văn Tỷ về hưu.
“Chú làm lụng vất vả một đời,” ông Tỷ tâm sự. “Khi nhìn quanh mình, vợ thì ốm đau, các con khôn lớn và ra riêng hết, chú chẳng còn gì, ngoài hội họa, và những bức tranh này.”
“Sao chú không bán? Các con chú nghĩ gì về việc chú muốn tặng tranh cho bảo tàng viện?” Tôi hỏi.
“À, chú bảo chúng nó là cháu đang giúp bác, chúng nó vui lắm!” Ông trả lời.
Tôi đã tìm hiểu một chút trước về họa sĩ Lương Văn Tỷ khi đến thăm ông, và biết rằng trong một giới nào đó, tranh của ông khá được hâm mộ. Có bức được đánh giá đến $20,000. Nhưng với bất cứ ai ngỏ lời muốn mua, ông đều khước từ, và khẳng định rằng ông muốn tranh mình là quà tặng cho một viện bảo tàng nào đó.
“Cháu có biết tại sao không?”
Họa sĩ Tỷ hỏi và tự trả lời:
“Vì đây là chút quà, chút đóng góp của một người Việt tị nạn cho đất nước Hoa Kỳ, một xứ sở và con người mà chú rất nhớ ơn.”
“Hội họa là sở thích, là cái nghiệp, là niềm mê say của chú từ hồi nhỏ xíu.” Ông nói, tay cọ chỉ vào những bức tranh quanh mình.
“Đó, tích lũy một đời học hỏi, của lao động vì tình yêu, từ hơn 16 năm qua.”
Lao động vì tình yêu? Có thể! Hay đó là một hành trình của ký ức, mỗi bức tranh là một trang trong cuốn hồi ký. Tôi nhìn những bức tranh, và người đàn ông ngồi trước mặt. Làm thế nào để phác họa được tâm tư của chính mình? Làm thế nào để có thể ghi lại thăng trầm của cả một đời người?
Và quan trọng hơn cả, tôi sẽ làm gì đây để giúp ông mang bộ tranh của mình đi tặng?
Gửi ý kiến của bạn