Trên một trăm khán giả đã ngồi chật kín Việt Báo Gallery ở quận Cam để thưởng thức một đêm nhạc thính phòng đặc biệt của nhạc sĩ Hoàng Công Luận trong ngày Lễ Tình Nhân của năm 2014 vừa qua.
Nhạc sĩ Hoàng Công Luận. (Hình: hoangcongluan.com)
Chúng tôi cũng đã có dịp nghe Hoàng Công Luận chơi đàn violin trong một chương trình của Ritz Entertainment cách đây vài năm, nhưng lúc ấy có lẽ vì âm thanh bị ồn ào nên chúng tôi đã không để ý nhiều cho lắm. Nay nhân dịp Valentine, chúng tôi được xem một chương trình đặc biệt của Hoàng Công Luận trong một không gian nhỏ nhắn nhưng được trang trí rất ấm cúng phù hợp cho một đêm nhạc thính phòng, nhất là cho ngày lễ của tình nhân. Đặc biệt, dù đây là một chương trình tưởng là nhỏ nhưng nhìn quanh khán phòng chúng tôi có thể nhận ra nhiều khuôn mặt văn nghệ sĩ nổi tiếng như Kiều Chinh, Du Tử Lê, Nhã Ca-Trần Dạ Từ, Đăng Khánh, Bùi Bảo Trúc, Lê Uyên, v.v... đã đến tham dự.
Sau phần ẩm thực nhẹ với sự phục vụ rất chu đáo của các nam thanh nữ tú là chương trình nhạc được trình diễn bởi chính nhạc sĩ Hoàng Công Luận cùng với ca sĩ Thương Linh, Phạm Hà và các nhạc sĩ Daniel Vũ (piano), Evan Stone (drum) và David Miller (double bass). Chương trình được điều khiển bởi ký giả Đinh Quang Anh Thái.
Chương trình dài hơn 2 tiếng đồng hồ và có khoảng trên 20 tiết mục với nhiều thể loại khác nhau mà ở đó nhạc sĩ Hoàng Công Luận đã chơi đàn violin, piano, guitar, nhưng đồng thời cũng là người điều khiển ban nhạc. Chương trình không dài lê thê là nhờ MC Đinh Quang Anh Thái đã nói rất ngắn gọn nhưng không kém phần dí dỏm.
Cũng có thể nói đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi được nghe ca sĩ Thương Linh hát live và đã có rất nhiều thiện cảm với chất giọng mạnh nhưng rất nồng nàn của cô qua các bài hát Ru Đời Đi Nhé của Trịnh Công Sơn, Santa Barbara của Trần Dạ Từ hoặc Rolling in the Deep của Adele ở phần thứ nhất của chương trình.
Ấn tượng nhất là được thấy các nhạc sĩ Mỹ chơi dân ca quan họ trong liên khúc Se Chỉ Luồn Kim và Trèo Lên Quán Dốc mà nhạc sĩ Hoàng Công Luận đã soạn lại cho ban nhạc. Ngoài ra chúng tôi còn thấy Hoàng Công Luận không chỉ chơi đàn violin rất hay mà anh chơi đàn piano và guitar cũng rất xuất sắc. Điều này có lẽ hiếm thấy ở nhiều nhạc sĩ khác.
Sau những phần biểu diễn rất jazzy bằng đàn violin cùng ban nhạc của nhạc sĩ Hoàng Công Luận qua các tác phẩm Autumn Leaves và Black Orpheus là phần diễn sống động đầy sóng gió và bão tố của anh với theme nhạc phim He Is the Pirate trong phim Pirates of the Carribean.
Theo chúng tôi, có lẽ phần thứ nhì là phần đặc sắc nhất của chương trình vì khán giả được thưởng thức một số tình khúc mới của nhạc sĩ Hoàng Công Luận như Sao Em Vẫn Chờ, Biển Mùa Đông, và Nắng Vẫn Còn Vương.
Ca sĩ Phạm Hà đã trình bày thật trọn vẹn tình khúc Sao Em Vẫn Chờ và Unchained Melody. Giọng hát của anh rất đầm ấm, truyền cảm. Rồi Thương Linh, một lần nữa cũng rất nồng nàn nhưng vô cùng ray rứt qua tình khúc Biển Mùa Đông cùng với phần đệm piano hết sức độc đáo của Hoàng Công Luận. Bài hát ấy vẫn còn lắng đọng trong chúng tôi cho đến lúc này, mà xin mạn phép ghi lại vài lời ca đầy chất thơ trong Biển Mùa Đông của Hoàng Công Luận khi mà chúng tôi đã nghe cô trình bày một lần trên đài truyền hình Viet News TV ở San Diego:
“...Biển sóng hát câu mong chờ Em vẫn yêu anh đến muôn ngàn sau Dẫu có xa nhau, xa nhau cả mùa đông. Ngày tháng vẫn luôn trong nhau Vẫn nhớ nhau từng ngày đông Như biển xanh đợi sóng hát câu mong chờ.”
Thương Linh cũng đã thể hiện rất thành công hai bài hát Cỏ Hồng của Phạm Duy và Ta Muốn Cùng Em Say của Đăng Khánh. Riêng phần hòa âm hai bài hát Saigon Blues của Trần Dạ Từ và Con Đường Tình Ta Đi của Phạm Duy cùng với cách chơi nhẹ nhàng, đơn giản của ban nhạc cũng đã làm chúng tôi nhớ lại khung cảnh của phòng trà Maxim hay Đêm Màu Hồng của một Sài Gòn xưa cũ, và nhất là đã đưa chúng tôi trở về với những kỷ niệm thật thân quen của thuở còn là sinh viên.
Tưởng chỉ là một đêm nhạc Valentine bình thường nhưng chúng tôi lại được thưởng thức quá nhiều: từ những ly rượu vang và miếng bánh Tây ngon miệng, đến một khung cảnh ấm cúng trữ tình và tất nhiên là một đêm nhạc tình tuyệt hảo. Tất cả các khán giả đều đã vỗ tay rất nồng nhiệt cho mọi tiết mục. Rất nhiều lần, khán giả đã phải đứng lên để tán thưởng các nghệ sĩ đã tham gia.
Đêm nhạc tình Hoàng Công Luận vừa qua cũng đã để lại nhiều ấn tượng cho chúng tôi. Ấn tượng đó không những đến từ tài năng, tiếng đàn hay các bài tình ca của nhạc sĩ Hoàng Công Luận, mà còn đến từ tình yêu của những người bạn âm thầm đã đứng ra tổ chức cho một tài năng, và nhất là tình yêu của những khán giả đã dành cho người nghệ sĩ trong đêm ấy.
Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương tên đầy đủ là Công Tằng Tôn Nữ Hỷ Khương, sinh năm 1935 tại Vỹ Dạ - Huế, là ái nữ của nhà thơ nổi tiếng Ưng Bình Thúc Giạ Thị.
Lê Văn, phát thanh viên kỳ cựu của ban Việt ngữ Đài Tiếng nói Hoa Kỳ với giọng nói thân thuộc với hàng triệu thính giả Việt Nam suốt nhiều thập niên, qua đời ngày thứ Bảy, 23 tháng 10, thọ 84 tuổi.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Trong lịch sử tân nhạc Việt, dường như không có một nhạc sĩ nào nổi tiếng ngay với sáng tác đầu tay, ở tuổi niên thiếu, khi chỉ mới 14, 15 tuổi, như trường hợp Cung Tiến
Bài thơ đầu tiên (?) của Tô Thùy Yên được giới thiệu trên Sáng Tạo, gây tiếng vang lớn và, dư âm của nó, kéo dài nhiều năm sau, là “Cánh đồng con ngựa chuyến tàu” viết tháng 4 năm 1956.
Hay ước nguyện cuối cùng trước khi nhắm mắt, không chỉ của giới trẻ mà, của rất nhiều văn nghệ sĩ thời đó là, một lần được đứng dưới những ngọn đèn vàng của ga Lyon!
Du Tử Lê là Thi Sĩ Một Đời. Thi Sĩ Viết Hoa, tôi viết và biết về thi sĩ như thế. Ông không chỉ làm thơ. Ông sống với thơ. Sống bằng thơ. Thơ với ông là một.
Chúng tôi sử dụng cookie để cung cấp cho bạn trải nghiệm tốt nhất trên trang web của chúng tôi. Nếu tiếp tục, chúng tôi cho rằng bạn đã chấp thuận cookie cho mục đích này.