Du Tử Lê: Những“địa đạo” của đêm Sài Gòn xưa

16 Tháng Mười Hai 20199:26 SA(Xem: 9540)
Du Tử Lê: Những“địa đạo” của đêm Sài Gòn xưa

Đêm, Sài Gòn bây giờ, với phố đi bộ, con đường gấm hoa của hàng ngàn tuổi trẻ và, thỉnh thoảng, những sân khấu lớn được dựng giữa đất/ trời, làm bệ phóng cho những tiếng hát như những phi tiễn, phóng vào vũ trụ, làm mờ cả những tinh tú sáng chói nhất: đó là sự xuất hiện và thao diễn cuồng nhiệt của những... “siêu sao” âm nhạc. Những cật lực lao tới, bất kể bến bờ nhân gian nào, của những thần tượng giới trẻ, Sài Gòn hôm nay.


Đó là chân dung khác. Trái tim khác. Phiên bản khác so với đêm. Sài Gòn. Xưa.

 

Tôi muốn nói, nếu đấy là quảng trường của đêm bập bùng những ngọn lửa ngồn ngộn khát khao, hối hả hơi thở của sức sống hôm nay thì, đêm, Sài-Gòn-xưa, là sự thiếp ngủ, bằn bặt chiêm bao của những tiếng vỗ một bàn tay.

 

Góc đêm, Sài Gòn xưa, với tôi, là những con đường vắng lặng, với những ngọn đèn đường lẻ loi, cúi xuống kiếm tìm linh hồn, hay ngắm nhìn chiếc bóng chơ vơ của chính nó.

 

Thị dân đêm, Sài Gòn, xưa, nếu phải ra khỏi nhà trước 12 giờ khuya, sẽ nghe được tiếng giày mình bị hè phố ném trả lại, như một nhắc nhở cay nghiệt của hoang vắng.

 

Nhưng, sự thực không phải thế. Đời sống tinh thần Sài Gòn, xưa, với tôi là những “địa đạo” văn hóa nghệ thuật, dưới tầng sâu. Những mái tóc-thề-âm-nhạc trên đôi vai sương khói của những cánh hạc vàng giữa đêm thơm hương hư ảo.

Cách khác, với tôi, đấy là những góc khuất - hay những miểng ngà, ngọc mosaic hoặc, quý kim, khi ráp lại, thành những bức tranh, tựa được hoàn tất từ cổ tích.

 

Những “địa đạo” văn hóa nghệ thuật của đêm, Sài Gòn xưa, dường được phân bổ đều cho từng góc phố. Tùy nhu cầu tinh thần, thời đó, bạn sẽ thoải mái tìm được cho mình chỗ ngồi thích hợp ở một phòng trà ca nhạc nào đấy.

 

Nếu là người ái mộ tiếng hát “liêu trai” Thanh Thúy và, chuyện tình tuyệt vọng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thời ông mới chập chững bước vào cõi chấp chới những chùm đèn tiền trường sân khấu bất trắc thì, bạn sẽ phải lên lầu hai, phòng trà Đức Quỳnh, ở đường Cao Thắng - để nghe Thương Một Người do chính linh hồn của ca khúc ấy: Thanh Thúy, diễn tả.

 

Nếu bạn là một trong những “fan” âm thầm nhưng quyết liệt của tài-hoa-bất-hạnh Trúc Phương thì, bạn sẽ phải tìm đến phòng trà hồ tắm Cộng Hòa nghe Minh Hiếu nghẹn ngào với Tàu Đêm Năm Cũ, hoặc, “Đường vào tình yêu có trăm lần vui, có vạn lần buồn” mà; dân Sài Gòn đã sớm đổi lời thành “Đường vào trường đua, có trăm lần thua, có một lần... huề”

 

Dĩ nhiên, bạn cũng sẽ có một chỗ ngồi kín đáo ở phòng trà Hòa Bình, khu chợ Bến Thành hoặc phòng trà Tự Do gần đấy; nếu bạn muốn nghe Băng Tâm hát Tiễn Em, hoặc, Ngậm Ngùi với tiếng hát Lệ Thu...

 

Cách gì, tôi cũng không thể quên phòng trà Khánh Ly trên đường Tự Do, những năm cuối thập niên 1960. Và cũng trên con đường này, là Đêm Màu Hồng, “địa đạo” của hợp ca Thăng Long. Cùng nhiều, nhiều nữa, những mạch ngầm văn hóa nghệ thuật khác.

 

“Địa đạo” mang tên Đêm Màu Hồng, từ ngày khai trương tới lúc phải đóng cửa vì giông bão thời thế, được mô tả là... “không giống ai!” Nó vốn là nơi tập trung những người bạn văn nghệ (nhiều hơn khách) của nhạc sĩ Hoài Bắc (Phạm Đình Chương).

 

Đó cũng là cõi riêng của tiếng hát Thái Thanh - cánh “hạc vàng” của nền tân nhạc Việt Nam, khởi tự đầu nguồn...


Ở góc Sài Gòn, xưa này, hầu như không đêm nào, vắng bóng nhà văn Mai Thảo. Đặc biệt, rất hiếm khi ông đi một mình. Nếu đêm trước tác giả Mười Đêm Ngà Ngọc đi với Thanh Tâm Tuyền thì, đêm sau, bạn đừng ngạc nhiên, khi thấy ông đi với Thần Tháp Rùa-Vũ Khắc Khoan hoặc; Thu Vàng-Cung Tiến... Cũng có khi ông đem theo nhiều hơn một người bạn! Thí dụ tiếng hát châng lâng lẫy lừng Anh Ngọc; cùng “những ngón tay bắt được của trời” mang tên Duy Thanh, Thái Tuấn, Ngọc Dũng...


Từ “địa đạo” văn hóa nghệ thuật này, những đứa con tinh thần mới ra đời được “giới thiệu” bởi tiếng hát Thái Thanh hoặc, do chính Hoài Bắc/ Phạm Đình Chương, đắp đổi phần thịt da mới cho những sáng tác cũ, của ông. Những ca khúc mà, thời gian không đủ sức gạch bỏ; phải... ngả mũ chào thua...

Nhưng dù mới hay cũ, người nghe cũng sẽ nhận ra những ca khúc ấy, đa phần, như một thứ bút ký, hoặc nhật-ký-âm-giai của họ Phạm trong đời thường. Đó là những ca khúc như “Người Đi Qua Đời Tôi/ không nhớ gì sao người?” (Người đi qua đời tôi, thơ Trần Dạ Từ); “Nhắm mắt cho tôi tìm một thoáng hương xưa/ cho tôi về đường cũ nên thơ/ cho tôi gặp người xưa ước mơ...” (Nửa Hồn Thương Đau, thơ Thanh Tâm Tuyền); hoặc “Hãy mang đi hồn tôi/ một hồn đầy bóng tối/một hồn đầy gió nổi/ một hồn đầy hương phai...” (Khi Cuộc Tình Đã Chết, thơ Du Tử Lê)...

 

Người nghe, cũng có thể bất ngờ chết lặng với Kỷ Vật Cho Em (thơ Linh Phương, nhạc Phạm Duy), bởi tiếng hát Thái Thanh; hay Xóm Đêm do chính Hoài Bắc, gần sáng, chếnh choáng với ly rượu trên tay, lừng khừng bước tới sát giới hạn sân khấu, cất tiếng, theo yêu cầu của bằng hữu: “Đường về canh thâu/ Đêm khuya ngõ sâu như không màu/ Qua phên vênh có bao mái đầu/ hắt hiu vàng ánh điện câu...”


Những góc đêm, Sài Gòn, xưa, như thế, cho tôi cảm tưởng ngay những người đang say cũng sẽ giật mình, tỉnh lại; khi những chùm dây dẫn điện của những khu bình dân, Sài Gòn, rối nùi khốn khó. Đó cũng là thời gian tác giả Xóm Đêm phải về tá túc nơi căn gác ngôi nhà thân mẫu của ông ở đường Cống Quỳnh, gần Chợ Nhỏ Phạm Ngũ Lão, lúc bi kịch gia đình, thình lình chụp xuống, xô đổ mọi xây dựng những tưởng vĩnh cửu đời riêng, của con người tài năng ngoại khổ này!


Tuy nhiên, với tôi, mặt khác của “vàng vọt” nơi những ngọn đèn được câu từ nhà này, tới nhà khác, lại là ghi nhận rực rỡ nhân bản. Tinh thần chia sẻ lần đầu và duy nhất của tân nhạc Việt Nam, với những khu bình dân, xóm nghèo, của họ Phạm...

 

Cũng vậy, nếu bạn rời khỏi Đêm Màu Hồng vào một đêm hạ tuần, có trăng, tôi tin, tiếng hát Thái Thanh hay Hoài Bắc sẽ vẫn ở trong tâm hồn bạn những vạt trăng lãng mạn tơ nõn: “Chưa gặp em, tôi đã nghĩ rằng/ có nàng thiếu nữ đẹp như trăng...” (Mộng Dưới Hoa, Đinh Hùng/ Phạm Đình Chương). Hoặc cảm thức bi lụy như những miểng chai gắn trên bờ tường ký ức đau đớn: “Đò trăng cắm giữa sông vắng/ Gió đưa câu ca về đâu/ Nhìn xuống đáy nước sông sâu/ Thuyền anh đã chìm đâu...” Đó là Trương Chi của Văn Cao. Là vầng trăng của những “Đàn đêm thâu/ trách ai khinh nghèo quên nhau/ Đôi lứa bên giang đầu/ người ra đi, với cuộc phân ly.”

 

Nếu một khuya khoắt nào, ra khỏi “địa đạo” Đêm Màu Hồng, gặp những hạt mưa không hẹn nhưng đã đợi bạn nơi hè đường từ rất sớm thì, bạn cũng đừng ngạc nhiên, khi cảm được thanh âm lóc cóc của những chuyến xe thổ mộ, Sài Gòn, ngoại ô, dằn xóc, tủi hờn vì khoảng cách địa dư trong Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội của Phạm Đình Chương/ Hoàng Anh Tuấn, như những hồi tưởng, không đoạn kết.

 

Tôi cũng đã từng thấy những đôi vai sát, khi chia tay Đêm Màu Hồng, không nói với nhau một lời nào. Tự thân những khung cửa khép, gió sông Sài Gòn, từ bến đò Thủ Thiêm thay bạn thì thầm về niềm tin yêu, ngày mai, bình minh. An lành thế giới...

 

Và, thưa bạn, đêm nay, giữa quê người, khi hợp ca Thăng Long, chỉ còn lại duy nhất Thái Thanh, “cánh hạc trong trăng” cũng đang trả lại nhân gian buồn/ vui một kiếp, chuẩn bị đi xa theo Phạm Đình Chương, Hoài Trung, Thái Hằng và, người khách thường trực, Mai Thảo cùng các bạn của ông, tôi chợt thấy, dường tất cả chúng ta, không ai thực sự bỏ đi khỏi đất nước của mình.

 

Mọi người vẫn ở đâu đó, trong những góc khuất, đêm. Sài Gòn. Xưa. Có thể mọi người đã chính là những đêm mưa, những vạt trăng, những miếng mosaic; những miểng thủy tinh vỡ, găm trên bờ tường đau thương, quá khứ... Thậm chí, có thể ai đó, cũng đã là những cột đèn lẻ loi, cúi xuống kiếm tìm hồn mình hay, chiếc bóng của chính họ giữa Sài Gòn, một thuở, dù lâu rồi đã không còn hiện hữu!

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
09 Tháng Tám 201212:00 SA(Xem: 12068)
Tôi vẫn nghĩ, người Việt Nam không chỉ có truyền thống thích thơ, yêu thơ và, đa số trong đời, ít nhiều cũng có đôi lần làm thơ, dù phổ biến hay không. Mà, người Việt Nam còn có tinh thần trào phúng mạnh mẽ, không kém cạnh gì tinh thần yêu thi ca. Thiết tưởng, cũng từ truyền thống trào phúng của người Việt, nên phần nào đặc tính này đã góp phần bảo vệ chủ quyền đất nước, chống trả những cuộc tấn công, xâm lăng của ngoại bang.
02 Tháng Tám 201212:00 SA(Xem: 14327)
Trong số những nhạc sĩ sinh trưởng ở miền Nam, thuộc thế hệ (19)40, chẳng những thành danh sớm mà, từ giai điệu tới ca từ cũng mượt mà, giầu có, là cố nhạc sĩ Anh Việt Thu. Ông là tác giả nhiều ca khúc nổi tiếng khi còn rất trẻ. Nhưng dường như định mệnh ngỗ ngược đã chỉ dành cho ông nửa miệng cười! Tôi muốn nói, cùng thời với ông, có những nhạc sĩ được dư luận, báo chí nhắc nhở tới như những tài hoa trẻ của nền tân nhạc Việt,
25 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 13087)
Giải thích cho sự kiện họa sĩ Tạ Tỵ ít được truyền thông của 20 năm VHNT miền Nam nhắc đến, có người cho rằng vì họa sĩ Tạ Tỵ thành danh quá sớm;
18 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 12370)
Nói tới văn chương Nam bộ, là nói tới chiếc chìa khóa căn bản của dòng văn chương này như ngôn ngữ và, văn phong đặc thù. Nhưng sự khác biệt giữa hai dòng văn chương Nam bộ và miền Bắc di cư, không chỉ nằm nơi những vận hành tự nhiên của ngôn ngữ, biểu thị những mô tả, tình cảm, ưu tư của con người trong cuộc sống, cái chết.
11 Tháng Bảy 201212:00 SA(Xem: 11875)
Cho tới nay, không ai biết chính xác có bao nhiều văn nghệ nằm trong con số trên một triệu đồng bào miền Bắc di cư vào Nam. Chỉ biết, ở lãnh vực nào thì đó cũng là những con số không nhỏ. Từ những nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng từ thời tiền chiến, đến những văn, nghệ sĩ mới nổi tiếng trước cũng như điểm mốc lịch sử 1954 một vài năm…Họ xuất hiện ở miền Nam, tưng bừng, đông đảo như những đợt sóng mới mẻ, quyến rũ nhất
27 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 14171)
Tới hôm nay, dù đã trên hai mươi năm, tôi vẫn nhớ người thanh niên có nụ cười hiền hậu mà, dáng vẻ xa cách. Mãi sau này, tôi mới biết, nghề nghiệp chuyên môn của anh, là một bác sĩ y khoa.
17 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 13804)
Không biết có phải, do bản chất lặng lẽ, tính khiêm tốn, luôn giữ một khoảng cách đủ xa, với đám đông, cho nên, Nguyên Bích, bút hiệu của Bác sĩ y khoa Nguyễn Văn Bích, hiện cư ngụ tại thành phố Houston, Texas, đã phải tìm vào âm nhạc, như lối thoát hay, con đường duy nhất, để nối nhịp cầu giao cảm với người, với đời? Tuy nhiên, chúng ta cũng có được một điều khá minh bạch nơi con người trầm mặc này.
05 Tháng Tư 201212:00 SA(Xem: 19612)
tưởng tượng ngày chúng ta gặp lại nhau:/ - kỷ niệm xếp hàng đôi./ tiễn tôi về mộ trắng./ tưởng tượng ngày chúng ta gặp lại nhau:/ - mưa thúc vó./ gió tung bờm
30 Tháng Ba 201212:00 SA(Xem: 20224)
gió mở cửa ký ức, sớm./ gối, chăn lạnh./ mùa đông ngoại hôn./ bất thường ngoài chu kỳ./ mang theo tuyết. quạ. sân ga. bến tầu. bờ biển. / hải âu vô thừa nhận./ . những nụ hôn rớt trên từng bậc thang thấp dưới mặt đường./ không ai ôm mặt khóc cạnh cột đèn./
20 Tháng Ba 201212:00 SA(Xem: 18566)
hãy nói một điều gì với tôi hôm nay,/ trước khi buổi chiều rã, vụn theo những tàn thuốc/ để dành chúng cho người quét vườn trưa mai?/ hoặc tôi sẽ tự làm lấy việc đó./ - điều quan trọng:/ gió sẽ mang chúng đi,/ trước khi những chiếc lá kịp uống phần khói chưa tan./ như tôi chưa kịp thấy mình ở đấy!.?
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 8915)
Loạt bài của Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt
(Xem: 17234)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 12423)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 19158)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 9335)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 742)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 1112)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 1276)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22593)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 14127)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19271)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7979)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8917)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8575)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 11166)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30812)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20880)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25615)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22991)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21826)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19893)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 18134)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19335)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16994)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 16173)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24617)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 32071)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34982)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,