Sáng 2.6.2023, theo tin từ các nhạc sĩ thân thiết thì lão nhạc sĩ Xuân Tiên vừa từ trần tại Australia. Có thể nói, Xuân Tiên là đại diện duy nhất của dòng nhạc tiền chiến còn sót lại cho đến nay (thượng thọ 102 tuổi)…
Những năm trước 1975, tại các trường trung học, mỗi khi có dịp liên hoan văn nghệ (mừng xuân, bế giảng năm học…) thì hầu như trên sân khấu sẽ diễn ra nhạc cảnh "Khúc hát ân tình" do các cô nữ sinh lớp lớn (từ lớp 10 trở lên) xúng xính trong áo tứ thân, khăn mỏ quạ để yểu điệu giao duyên: “Người từ là từ phương Bắc, đã qua dòng sông sông dài tìm đến nơi này một nhà thân ái… Gặp nàng, nàng là thôn nữ mắt duyên cười say, môi hồng, tình ngát đôi lòng, mộng vàng chung bóng…”. Bài hát kêu gọi mọi người dù là từ miền nào thì cũng hãy sống thân ái với nhau, đồng thời cũng ngợi ca tình yêu không phân biệt Bắc-Nam…
Dạo ấy, người viết cũng đã từng nhiều đêm len lén qua ngồi thềm nhà hàng xóm, để rình nghe Hoàng Oanh hát "Mong chờ" qua băng cassette, nghe xong cứ muốn được nghe lại… Sau này, hẳn nhiều người được nghe Hoàng Oanh hát "Mong chờ" trên kênh YouTube, đặc biệt có một lão nhạc sĩ trên 80 tuổi lên sân khấu thổi sáo đệm cho tiếng hát của Hoàng Oanh. Tiếng nhạc đệm vừa dứt, ông cúi người đưa tay về phía ca sĩ, khiêm nhường dành hết những tràng pháo tay tán thưởng cho cô… Đó chính là tác giả ca khúc "Mong chờ" - nhạc sĩ Xuân Tiên.
Tôi cũng đã nhiều lần tự hỏi: “Tại sao những ca khúc viết về Huế, âm hưởng Huế hay đến như vậy mà lại được viết từ các nhạc sĩ xuất thân từ miền Bắc (không phải người Huế), như trường hợp Đêm tàn Bến Ngự (Dương Thiệu Tước), Mong chờ (Xuân Tiên)…? Theo tiết lộ của nhạc sĩ Xuân Tiên thì ông đã sáng tác ca khúc bất hủ này sau một đêm “tri âm, tri kỷ” với những kiều nữ xứ Huế trên dòng sông Hương cùng với nhạc sĩ Vĩnh Phan (thân phụ của các nhạc sĩ Bảo Chấn, Bảo Phúc).
Còn nhớ cách đây 17 năm, ông Phạm Xuân Long (con trai của nhạc sĩ Xuân Tiên) có tìm gặp người viết, để phàn nàn về một số hãng băng đĩa trong nước đã sử dụng ca khúc "Duyên tình" mà không ghi tác giả là Xuân Tiên (lại ghi là của Y Vân). Vậy là xảy ra tranh chấp bản nhạc có những lời ca “Biết nhau giữa độ trăng tròn. Nhớ nhau dưới biển mà lên non ơ vẫn tìm. Ơ... thương nhau thì mâm bánh buồng cau cũng nên duyên ừ ư duyên...”, với nhiều chứng cứ đôi bên đưa ra. Tôi đã viết bài “Duyên tình: đã đến lúc ly hôn?”, đăng trên báo Thanh Niên ngày 20.2.2006 với câu kết: “Xem ra, nếu bên đại diện nhạc sĩ Xuân Tiên không chịu "sống chung... như cũ" thì chuyện "ly hôn" còn lắm rối rắm, chỉ khi tìm được bản gốc (in) thì mới... êm! (Có bạn đọc nào có bản gốc "Duyên tình" không ?!)". Báo vừa đăng thì có một bạn đọc gửi một bản in gốc tới tòa soạn , bìa bản nhạc ghi rõ: của Xuân Tiên và Y Vân.
Bộ đôi Xuân Tiên – Y Vân còn có một sáng tác chung nổi tiếng khác là ca khúc "Về dưới mái nhà". Những buổi chiều trời đổ cơn mưa, trong hơi gió lành lạnh, ngồi hong mình bên bếp lửa hồng mới thấy thấm thía từng lời ca của "Về dưới mái nhà"… Và còn nữa, một "Hận Đồ Bàn" đầy thống thiết, trầm hùng nói lên nét độc đáo, rất riêng trong nhạc Xuân Tiên.
Nhạc sĩ Xuân Tiên tên thật là Phạm Xuân Tiên, sinh ngày 28.1.1921 tại Hà Nội. 6 tuổi, đã được cha cho học cổ nhạc (cải lương,Trung Quốc…) và nhạc Tây phương. Năm 1942 ông cùng người anh ruột là nhạc sĩ Xuân Lôi theo đoàn hát vào miền Nam biểu diễn. Nhờ đi lưu diễn quanh Đông Dương mà ông am hiểu cả âm nhạc cổ truyền của Campuchia và Lào. Năm 1952 cả gia đình chuyển vào sinh sống tại Sài Gòn.
Nhạc sĩ có khả năng sử dụng thành thạo 25 nhạc cụ. Ông còn nổi tiếng trong lĩnh vực cải tiến nhạc cụ: Ông đã cùng nhạc sĩ Xuân Lôi cải tiến loại sáo 6 lỗ thành hai loại là 10 lỗ và 13 lỗ có khả năиg chơi được nhiều âm giai khác nhau. Hiện hai loại sáo này đang được trưng bày tại Musée de l’Homme, Paris, Pháp. Ông còn chế tác cây đàn 60 dây (tương tự đàn tranh) chơi được tất cả các âm giai. Năm 1980, ông cải tiến cây đàn bầu cổ truyền với thân đàn làm từ trái bầu dài làm hộp khuếch âm. Đàn này đã nhiều lần được đem đi triển lãm ở Úc, thường được gọi là Đàn bầu Xuân Tiên.
Không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc, vợ chồng nhạc sĩ Xuân Tiên còn là tấm gương cho các thế hệ hậu bối. Năm 19 tuổi (1940), ông lập gia đình với bà Hoàng Thị Hương (cùng tuổi với ông). Vợ chồng nhạc sĩ sống hạnh phúc bên nhau suốt hơn 80 năm. Có thể nói vợ chồng nhạc sĩ Xuân Tiên là đôi vợ chồng cùng sống hơn trăm tuổi hiếm hoi trên thế giới. Cụ bà Hoàng Thị Hương đã qua đời ở tuổi 100 vào ngày 18/6/2021.
Có thể nói nhạc sĩ Xuân Tiên là đại diện duy nhất của thế hệ nhạc sĩ tiền chiến đúng nghĩa (có những sáng tác trước năm 1945) còn sót lại cho đến bây giờ, bởi ông đã từng có các ca khúc "Chờ một kiếp mai" viết chung với Ngọc Bích và "Trên kiếp hoa", 2 ca khúc này được viết trong giai đoạn 1939-1942.
Và hôm nay, chúng ta cùng tiễn biệt một chứng nhân lịch sử của Tân nhạc Việt Nam từ giai đoạn mới phôi thai hình thành cho đến phát triển rực rỡ trong thời hiện đại.
H.Đ.N
(*) một câu trong ca khúc" Mong Chờ"
Gửi ý kiến của bạn