v/v Tổng kết một tháng online với nhà văn Vũ Thư Hiên trên dutule.com
Nhóm chủ chương trang nhà dutule.com trân trọng thông báo:
- Không kể những câu hỏi không thích hợp với chủ trương của dutule.com, chúng tôi đã chuyển tất cả 33 câu hỏi của bạn đọc, thân hữu cho nhà văn Vũ Thư Hiên. Ông đã lần lượt trả lời tất cả những câu hỏi đó.
- Tính tới giờ phút này, cuộc nói chuyện trên dutule.com của tác giả “Miền thơ ấu” đã có trên 650 lượt truy cập. Chúng tôi tin, con số này sẽ còn gia tăng, ngay cả khi người khách mời kế tiếp của chúng tôi, lên mạng.
Dư luận độc giả, văn hữu khắp nơi đã gặp gỡ nhau tại giao điểm:
- Tính khiêm tốn của nhà văn Vũ Thư Hiên, qua phần trả lời của ông.
- Sự tham dự và truy cập của bạn đọc, cùng tinh thần cộng tác của nhà văn Vũ Thư Hiên là một khích lệ đầy ý nghĩa đối với chúng tôi.
- Vì thế, chúng tôi đã quyết định sẽ mời các tác giả kế tiếp, tham gia chương trình này.
Xin quý bạn đọc, thân hữu nhận ở nơi đây, tấm lòng biết ơn chân thành của chúng tôi.
California, ngày 8 tháng 4 năm 2010,
Hoang Hung …hotmail.com
Thưa ông, ông có thói quen lập sẵn một cái tạm gọi là dàn bài cho một sáng tác dù ngắn hay dài của ông không?
Nếu câu trả lời là có thì khi ông bắt tay vào việc viết, ông có còn theo cái dàn bài ấy hay câu chuyện, cảm hứng lúc viết sẽ dẫn ông tới những ngã rẻ bất ngờ khác?
VŨ THƯ HIÊN:
Tôi thường viết (truyện ngắn chẳng hạn) khi có một ý tưởng xuất hiện trong đầu. Được ý tưởng dắt dẫn, cái sẽ được viết ra hình thành dần, trước tiên dưới dạng phác đồ (synopsis, hoặc libretto là dạng chi tiết hơn). Cái phác đồ ấy thường bị phá vỡ khi câu chuyện bắt đầu có da có thịt. Ở đoạn cuối nhìn lại thì chẳng còn thấy nó đâu nữa. Tôi đã thú nhận: tôi là người không có tài hư cấu, nên trong những gì tôi viết cái thực thường lấn áp cái bịa, bắt cái mình định bịa phải theo nó, trong trường hợp tốt nhất là phải bịa theo con đường mà cái thực cho phép đi. Là chia sẻ với bạn kinh nghiệm tôi đã gặp thôi, chứ nó chẳng giúp ích cho bạn đâu, mỗi người viết có kinh nghiệm của riêng mình.
QuanTa…aol.com
Thưa ông Vũ Thư Hiên, tác giả “Miền thơ ấu”, mặc dù tôi được biết truyện “Miền thơ ấu” ông viết về tuổi thơ của mình. Nhưng tôi vẫn muốn hỏi ông rằng: sự thật trong văn chương và sự thật trong đời thường có phải là một?
VŨ THƯ HIÊN:
Sự thật khi đi qua cái nhìn của người viết, bất kể với tác giả nào, giống ánh sáng đi qua lăng kính, nó lập tức biến dạng. Cùng một sự việc, nhưng hai nhà văn sẽ nhìn nó, thấy nó, theo hai cách khác nhau, và miêu tả nó cũng theo hai cách khác nhau. Khi đọc một tác phẩm, độc giả thường chấp nhận cái sự thật được tác giả cho biết, sự thật mang màu sắc của tác giả, hoàn toàn không phải sự thật khách quan. Sự phản bác không vì thế mà bị loại trừ.
Nhung…hotmail.com
Tôi có một câu hỏi cho nhà văn Vũ Thư Hiên, nếu câu hỏi của tôi có bị trùng hợp với ai khác thì tôi cũng vẫn mong được gửi tới cho người tôi muốn hỏi. Thắc mắc của tôi là:
- Giữa kỹ thuật, hiểu theo nghĩa hình thức và nội dung của một tác phẩm, thì ông sẽ dành ưu tiên cho phần nào?
Lý do tôi có câu hỏi này vì theo có theo dõi những biến chuyển văn chương của thế giới. Từ nhiều chục năm qua, tôi thấy có nhiều phong trào, nhiều khuynh hướng văn chương chú trọng tới hình thức, cách viết mà lãng quên hay đặt nhẹ phần nội dung.
VŨ THƯ HIÊN:
Có không ít tác giả ưa dùng những hình thức mới chưa ai có, chưa ai dùng, hoặc dám dùng, với ý muốn tốt đẹp là tạo ra một cái gì đó rất riêng, giống như một phát minh. Sự tìm tòi những hình thức mới bao giờ cũng đáng được hoan nghênh, nhưng hình thức mới rõ ràng không có khả năng làm ra tác phẩm mới (trong nghĩa cũ/mới). Mỗi nội dung sẽ chọn lấy hình thức thích hợp với nó, trong sự hài hoà với nó. Hiện tượng những nhân vật nổi loạn được Flaubert, Tolstoy ghi nhận nằm trong trường hợp này. Nhà văn nghĩ rằng nhân vật của anh ta sẽ hành xử theo cách anh ta muốn, nhưng nó đã hành xử khác hẳn, bắt nhà văn phải tuân theo (tức là hình thức được đặt sẵn cho nó hoá ra không phải là cái mà nó chịu nghe). Phát minh thì tốt, nhưng phát minh chỉ để phát minh thường thất bại. Người ta có thể phát minh ra cái xe đạp trong thế kỷ 21.
Nguyen …gmail.com
Thưa ông, tôi hiểu phàm làm bất cứ một việc gì, dù lớn hay nhỏ, dù cụ thể hay trừu tượng thì người ta cũng cần tới kỹ thuật. Tôi nghĩ trong văn chương cũng vậy.
Thú thật với ông, tôi mới định cư ở nước ngoài, đã và đang tập viết truyện, tuy chưa phổ biến một sáng tác nào trên báo.
Câu hỏi tôi là, với kinh nghiệm viết văn của ông thì kỹ thuật chiếm bao nhiêu phần trăm vào sự thành bại của một truyện ngắn cũng như truyện dàỉ
VŨ THƯ HIÊN:
Tôi biết có những sách về kỹ thuật viết văn, cả phần mềm dùng cho việc viết văn nữa (Anthemion Writers là một thí dụ ). Ở một số nước còn có trường dạy viết văn chuyên nghiệp như trường Gorky ở Moskva, trường Nguyễn Du ở Hà Nội, trường Scuola Holden ở Ý… Gần đây nhất, nhà văn Ý Alexandro Baricco (nổi tiếng với các tác phẩm Lụa, Đại dương) cũng nói: Việt Nam, rất cần có trường dạy viết văn (ông trả lời phỏng vấn báo Thông tin & Văn hoá ngày 23.3.2010).
Tôi cho rằng việc học ở sách hoặc ở các trường đó chắc chắn cũng có thể thu hoạch được cái gì đó theo kiểu “không bổ ngang cũng bổ dọc”. Nhưng cũng chắc chắn như thế, tôi không tin người có bằng tốt nghiệp những trường đó sẽ trở thành nhà văn. Tôi chưa bao giờ đúc kết kinh nghiệm từ mấy cuốn sách ít ỏi đã viết, cho nên để chia sẻ với bạn kỹ thuật viết văn thì tôi… ngọng. Nếu căn cứ những ý kiến người đọc và các nhà phê bình để rút ra điều gì đó thì tôi thấy: phần nội dung trong một cuốn sách (ý tưởng, đề tài, câu chuyện) là phần quan trọng nhất, phần kỹ thuật chắc chiếm một số phần trăm bé bỏng. Kỹ thuật tự nó nảy ra cho mỗi tác phẩm cụ thể, khi nhà văn ngồi trước trang giấy hoặc bàn phím. Không có kỹ thuật định hình, có thể dùng được nhiều lần, cho nhiều người. Kỹ thuật, nói cách khác phần hình thức, giống như bộ quần áo được may đo cho mỗi người mặc nó, rộng quá hay chật quá, tay áo, ống quần cái dài cái ngắn, đều không ổn.
Nhà văn trước hết là người quan sát, sau mới là người diễn đạt cái mình quan sát được và muốn truyền đạt cho người khác, để họ thấy cái mình thấy, hiểu điều mình nghĩ. Nếu mình chỉ nhìn thấy cái mà ai cũng thấy, diễn đạt cái mà ai cũng diễn đạt được y như thế, thì mình chưa thể là nhà văn. Câu chuyện được kể ở quán trà chén vỉa hè khác với câu chuyện được nhà văn viết ra giấy chính là ở chỗ ấy - ở quán trà chén người nghe quan tâm tới cái-gì trong câu chuyện được kể, còn người đọc quan tâm đến một cái khác thêm vào đấy – câu chuyện ấy được kể như-thế-nào.
bietlinh… @yahoo.com
Kết cấu cuốn Đêm Giữa Ban Ngày là một kết cấu độc đáo. Nó chứa đựng nhiều sự kiện trong sự đan xen về thời gian, tạo nên sự lôi cuốn. Cái gì đã đưa tới cho nhà văn một kết cấu như thế?
VŨ THƯ HIÊN:
Khi mình muốn nói điều gì đó thì mình phải (hoặc nên) tìm cách tốt nhất để người nghe hiểu. Kết cấu cuốn sách tự nó sinh ra trong ý muốn chuyển tải ý nghĩ cần diễn đạt. Tôi cho rằng việc tạo trước một kết cấu, cho dù rất đẹp, rất hay, rất sáng tạo nữa, cho một nội dung nào đó là một việc làm vô ích. Một người thợ may khéo có thể tạo ra một trang phục thích hợp, vừa vặn cho một thân hình thậm chí có dị tật.
quangtoan…@gmail.com
Tôi có đọc ở đâu đó một lời phê bình rằng chương cuối của cuốn Đêm Giữa Ban Ngày tác giả đã viết như mọi sự tồi tệ thế là đã qua hết. Xin ông cho biết ông có đồng ý với lời phê bình này.
VŨ THƯ HIÊN:
Người viết khó làm vừa lòng mọi người đọc. Chương cuối được viết ra với sự khuyến khích của nhà báo Bùi Tín. Ông đọc xong bản thảo, bảo tôi:
- Trong này có nhiều nhân vật mà ông gặp trước khi bị tù, trong tù, mình muốn biết sau khi ông ra tù ông có gặp lại họ không, cuộc sống của họ ra sao?... Người đọc muốn biết cả những chuyện ấy nữa đấỵ. Ông viết thêm một chương đi.
Tôi viết đúng những gì cần viết từ sự mách bảo ấy. Nếu nó tạo ra cảm giác mọi sự tồi tệ đã qua hết, thì đó là tôi đã viết không đủ rõ, viết không tốt. Mea culpa, mea maxima culpa! (Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng!)
Giang… @gmail.com
Người ta nói: trong sự thành công của một người đàn ông bao giờ cũng có một người đàn bà ở đàng sau. Trong trường hợp ông người đó là ai (xin lỗi vì tò mò).
VŨ THƯ HIÊN:
- Chuyện tôi đi tù của tôi không thể gọi… thành công, nhìn từ bất cứ góc độ nàọ Nó rành rành là một thất bại. Nếu mình khôn khéo hơn, chắc mình tránh được cái tồi tệ đó để dùng thời giờ vào những việc có ích. Chín năm tù là thời gian mất đi lãng nhách. Để bù lại, tôi nghiên cứu những người tù và những người coi tù, tiểu sử họ, tâm lý họ, Cái đó cũng rất thú vị. Nó làm tôi sống có ý nghĩa trong thời gian bị giam hãm. Tôi biết trước, và biết chắc, rằng những quan sát ấy rồi sẽ nằm vào những trang giối nếu số phận cho tôi sống sót. Với Đêm Giữa Ban Ngày, như tôi hiểu ý bạn muốn nói, tôi cũng không nghĩ nó là một thành công. Trong khi viết cũng như khi viết xong tôi thường xuyên bực mình với tôi vì thấy mình không nói được hết những điều định nói, trước hết do sự thiếu học của tôi trong nghề văn (trong tôi, cái sự viết văn cho đến tận bây giờ vẫn chưa định hình thành một cái gì giống một nghề). Tuy nhiên, trong thành công hay trong thất bại, bao giờ tôi cũng cảm thấy sự có mặt không phải một mà hai người đàn bà (ở đàng sau hay ở bên cạnh là tuỳ cách nói). Đó là mẹ tôi và vợ tôi. Trong chuyện này tôi coi tôi là người may mắn. Mẹ tôi là người đã dạy dỗ tôi trong cả thời thơ ấu của tôi đủ để tôi biết phải sống thế nào cho ra con người trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tôi bao giờ cũng cảm thấy bàn tay mẹ dắt tôi trên đường đời. Vợ tôi không có cái chất “dũng” của mẹ tôi, một người cách mạng trong phong trào giải phóng dân tộc. Vợ tôi là một người bình thường, với tất cả những yếu đuối của người bình thường, nhưng cũng có đủ tính cách mà một người bình thường lương thiện có. Vào thời gian tôi bị tù, nhà cầm quyền không chỉ trừng trị kẻ họ cho là phạm tội, mà trừng trị cả vợ con, anh em kẻ ấy. Nhà tôi đang làm việc ở Hà Nội thì bị chuyển công tác vào Hà Đông, hàng ngày phải đạp xe mấy chục cây số để làm xong việc thì trở về nhà chăm sóc con cái. Các em tôi không được phép thi vào đại học. Trong chín năm tù của tôi, vợ tôi đã chờ đợi tôi cho đến ngày tôi trở về, đã gánh vác mọi công việc gia đình, nuôi dạy các con tôi khôn lớn, lại còn phải lo tiếp tế (trong Nam gọi là thăm nuôi) cho chồng trong điều kiện sống rất thiếu thốn, có thể gọi là đói dở, ở bên ngoài. Người trong tù khổ, người ở ngoài nhà tù cũng khổ không kém. Khổ về vật chất là một nhẽ, còn khổ hơn nữa về mặt tinh thần, khi mọi mối quan hệ xã hội bỗng dưng bị mất đi vì sự sợ hãi lan tràn, chẳng còn ai dám gặp mình để đỡ đần, an ủi. Nếu bạn ở miền Bắc thì bạn có thể hình dung được một cuộc sống như thế nó nặng nề thế nào. Mẹ tôi và vợ tôi, hai người hai tính cách, nhưng đều đã đứng vững trong cơn sóng gió dai dẳng ấy. Nhân tiện cũng nói để bạn Vo Thanh…@yahoo.com biết, bản thảo cuốn Miền Thơ Ấu lọt được ra ngoài là nhờ vợ tôi và mẹ tôi. Hai người đã khôn khéo lừa được những con mắt đầy cảnh giác của công an, vượt qua những cuộc khám xét nghiêm ngặt của họ để ngày nay cuốn sách đến được tay bạn đọc.
Luongthe… @aol.com
- Khi còn ở trong nước tôi được nghe lớp đàn anh kể khi cuốn Bông Hồng Vàng của Paoustovsky do ông dịch vào thập niên 60 được xuất bản thì trong cách chọn đề tài, cách viết của lớp nhà văn trẻ có một chuyển biến rõ rệt, tức là cuốn sách dịch đã có một tác dụng lớn. Quan niệm của ông về vai trò của văn học dịch với văn học bản địa? Ông có thể chia sẻ chút ít về kinh nghiệm dịch của ông không?
VŨ THƯ HIÊN:
Tôi viết ít, dịch ít. Vào thời gian Bông Hồng Vàng xuất hiện bằng tiếng Việt, quả là nó đã có tác dụng mách bảo lớp nhà văn trẻ một cách viết khác với cách viết minh hoạ đường lối chính sách của đảng cầm quyền, thứ văn mà bây giờ có cái tên hài hước là văn “cúng cụ”. Paoustovsky là nhà văn Xô-Viết đã tránh được khá nhiều, nhưng không phải là tất cả, sự áp đặt của trường phái văn chương chính thống có tên là “hiện thực xã hội chủ nghĩa”.
Ở Liên Xô (cũ) có người đặt tên cho bút pháp của nhà văn này là “lãng mạn xã hội chủ nghĩa” (buồn cười thế đấy, không thể thiếu được cụm từ kính cụ “xã hội chủ nghĩa”).
Với vài bản dịch mà nói tới kinh nghiệm e không phải đạo. Nhưng bạn đã hỏi thì tôi xin thưa: bài học mà tôi rút ra được trong công việc dịch nó đơn giản là thế này:
- Không kể những người coi dịch như một nghề, dịch bất cứ sách gì, miễn có đơn đặt hàng, những bản dịch tốt thường là những cuốn sách mà người dịch yêu thích, thậm chí say mê. Khi dịch những cuốn sách như thế người dịch để cả tâm hồn mình vào đấy, nó trở nên đồng điệu với tâm hồn tác giả, làm cho bản dịch như thể được tác giả viết ra bằng một thứ ngôn ngữ khác, nhuần nhuyễn không khác gì bản chính.
- Khi dịch, đừng sợ những sự bắt bẻ về chữ nghĩa của những nhà thông thái trong lĩnh vực ngoại ngữ. Kiến thức của họ rất đáng trọng, nhưng là kiến thức từ điển. Người dịch phải tránh cho xa thứ kiến thức ấy. Tác giả là người viết muốn truyền đạt, truyền cảm tới người đọc những gì họ có trong lòng. Người dịch phải cố gắng sao cho đạt được sự truyền đạt, truyền cảm của tác giả, chứ không phải dịch chính xác những từ ngữ riêng rẽ. Dịch đúng từ chỉ ở cấp độ “ông đồ” chứ chưa phải cấp độ người dịch (hay dịch giả). Một từ, một câu, một đoạn… phải tùy thuộc ở văn cảnh cụ thể nơi nó được đặt vào, trong sự ràng buộc với toàn ý của tác phẩm. Không làm được thế không thể gọi là dịch.
Gọi là một chút “lời quê góp nhặt dông dài”, xin chia sẻ với bạn.
Trinh Vu ...gmail.com
Khi ông ra nước ngoài, ông có gặp những người nhìn ông bằng con mắt nghi kỵ không?. Trong trường hợp có, ông nghĩ gì? Có buồn không? Và ông xử sự thế nào?
VŨ THƯ HIÊN:
Tôi không chỉ gặp sự nghi kỵ. Tôi còn gặp những tên ma đầu được nuôi dưỡng, được dạy dỗ để dùng vào việc tiêu diệt những ai mà chủ của chúng muốn diệt. Chúng dùng đủ mọi cách bẩn thỉu nhất mà chúng có thể nghĩ ra để thực hiện mục tiêu. Lũ tay sai này không thể làm tôi buồn, bởi một lẽ đơn giản - tôi không có thời giờ dành cho chúng. Thảng hoặc, có lúc chúng còn làm vui cho tôi nữa, chẳng hạn như một tên ma cô ở Hà Nội mà tôi không hề quen, không biết mặt ngang mũi dọc nó ra làm sao, trắng trợn khoe rằng mỗi lần từ Sài Gòn ra Hà Nội tôi thể nào cũng phải tìm gặp hắn để hỏi ý kiến. Những con kền kền này ở bên ngoài, bên dưới, tầm mắt của người bận rộn. Chúng rất hậm hực thấy tôi không có phản ứng nào trước những ngón nghề đáng tởm của chúng. Mà để ý đến chúng làm gì khi mình còn bao nhiêu việc phải làm?
Vo Thanh...yahoo.com
Ông có thể kể sơ về đoạn đường ông ra nước ngoài không? Tôi nói, xin ông đừng cười rằng, lần nào đọc lại cuốn “Miền thơ ấu” của ông, tới những đoạn buồn cười tôi đều không thể nín cười, cứ như thể tôi mới đọc lần đầu vậy. Ông có cảm tưởng gì khi một độc giả như tôi kể ông biết về cảm nghĩ của họ và tác phẩm của ông?
VŨ THƯ HIÊN:
Tôi có kể về chuyện tôi ra nước ngoài thế nào trong Đêm Giữa Ban Ngày. Nó là một ngẫu nhiên, nằm mơ cũng không thấy. Hồi ấy, theo lệnh của Lê Đức Thọ, chúa tể ngành tổ chức và an ninh, những người tù được tha trong vụ án "nhóm xét lại chống Đảng" vẫn tiếp tục bị quản chế. Là theo lệnh miệng của anh ta chứ không có bất cứ văn bản nào. Rồi sau đó có lẽ do tôi biết giữ gìn trong mọi mối quan hệ khi tôi vào Sài Gòn kiếm sống mà người ta nghĩ rằng tôi đã “ngoan” chăng? Tôi không phải lo lắng chạy vạy gì cho chuyến đi ra nước ngoài, tức là sang Liên Xô cũ (năm 1990 Liên Xô chưa sụp đổ). Một công ty xuất nhập khẩu có tên Vieco của khu Vũng Tàu-Côn Đảo muốn mở rộng thị trường, mà Liên Xô là thị trường lớn. Công ty này đã chạy vạy để tôi đi giúp họ. Liên Xô vừa là nước ngoài, vừa không phải là nước ngoài, vì cùng một “phe xã hội chủ nghĩa”. Chứ đi đến các nước thuộc “phe tư bản” trong thời ấy thì chắc chắn người ta đã chẳng cho tôi đi.
Nhưng ở lại nước ngoài là một chuyện khác. Lựa chọn này đau lòng, nhưng là bất khả kháng. Tôi ở lại Moskva với tư cách đại diện cho Vieco. Trong thời gian ở đây tôi bắt đầu khởi thảo cuốn sách tôi nghĩ từ lâu. Việc tôi viết Đêm Giữa Ban Ngày bị lọt ra ngoài, từ những người bạn. Sau khi bị những “người lạ mà quen” đột nhập nhà ở, đâm tôi để cướp bản thảo và mọi vật dụng và tiền nong tôi bỏ Moskva theo lời khuyên của một đại tá FSK (hậu thân của KGB) chạy qua Warszawa. Rồi khi biết mình vẫn tiếp tục bị truy sát, tôi phải chạy tiếp qua Paris (cuối năm 1996) và hoàn thành cuốn sách ở đấy.
Tôi cảm ơn ông đã cười khi đọc Miền Thơ Ấu. Những kỷ niệm của đứa trẻ thơ ngây bao giờ cũng có cái gì đó làm cho ta bật cười, ông ạ. Tôi không tin những hồi ký tố khổ nhân danh một đứa trẻ.
Chien ...yahoo.com
Những ngày lao tù chắc hẳn đóng góp rất nhiều sự hình thành nên một Vũ Thư Hiên. Nếu cho ông "xóa bài làm lại" ông có muốn "vẫn" lao tù, để "vẫn" sẽ là... VŨ THƯ HIÊN.
VŨ THƯ HIÊN:
Như người ta nói, với một chữ “nếu” ta có thể bỏ Paris vào một cái chai. Mọi giả định chỉ là để nói chơi với nhau mà thôi, cho nó vui. Không, bạn ơi, một ngàn lần không, tôi không bao giờ muốn vào tù lần nữa, giả thử có cái sự “xoá bài làm lại”, chỉ cốt để thành cái thằng tôi bây giờ. Nhà tù, với những người bị đàn áp vì lương tâm, cho dù có được gọi là trường học, vẫn cứ là chỗ không nên đặt chân vào. Nó là cái trường học khốn kiếp, vô cùng kinh tởm, đáng nghìn lần vạn lần nguyền rủa. Tôi không sợ nó vì nó là cái giá mà tôi phải trả khi tôi tỏ ra bất kính đối với lũ lãnh tụ lưu manh. Nhà tù Việt Nam, nói cho công bằng, còn dễ chịu hơn nhà tù ở Bắc Hàn, ở Trung Quốc, theo dư luận thế giới. Nhưng sự giam cầm là cái mất mát ghê gớm nhất cho con người ở chỗ nó là sự tiêu phí thời gian khủng khiếp. Tuy nhiên, nếu bảo nó đã đóng góp rất nhiều cho sự hình thành một Vũ Thư Hiên bây giờ thì hơi quá. Nó có đóng góp cho sự nhận chân cái xã hội mà tôi phải sống trong đó, cho sự trưởng thành trong một mặt nào đó của nhận thức, cho sự rèn luyện bản thân trước sóng gió cuộc đời. Tin tôi đi, chẳng cần đến nhà tù tôi mới có thể là tôi, bạn mới có thể là bạn. Không có nhà tù, chắc tôi sẽ là một tôi khác, hơi khác thôi, chứ không khác nhiều lắm đâu. Sẽ không có Đêm Giữa Ban Ngày, hoặc một cái gì đó tương tự, nhưng chắc chắn sẽ có những cái khác, có khi còn có ý nghĩa hơn. Cũng chắc chắn không kém, dù có bỏ tôi vào tù, hay để tôi ở ngoài, với nhà cầm quyền độc tài tôi vẫn mãi mãi là kẻ “không thể cải tạo được”, nói theo cách của lũ ngợm khoái “cải tạo” bất cứ kẻ nào rơi vào tay chúng. Tôi hằng mong bọn độc tài hiểu được chân lý ấy mà thôi đi cái ảo tưởng hết sức ngớ ngẩn rằng chúng là những vị thần (hay lũ quỷ) thiên năng vạn năng khi có trong tay súng ống và xiềng xích.
Thanh Hang ...yahoo.com
Xin hỏi ông, ông có cháu nào nối nghiệp bố? Nếu có, ông có vui không?
VŨ THƯ HIÊN:
Các con tôi có lựa chọn khác tôi - đó là lẽ thường tình. Mỗi con người hình thành do rất nhiều yếu tố, và như thế cuộc đời mới là cuộc đời, mới không đơn điệu. Các con tôi lương thiện, biết tránh cái xấu, biết làm việc tốt, thế là đủ cho tôi yên tâm.
Thanh hoang tam ...yahoo.com
Thưa ông Vũ Thư Hiên, nếu hoàn cảnh thay đổi đủ để ông có quyết định trở về quê hương thì việc gì ông sẽ làm đầu tiên khi đặt chân xuống Hà Nội, thưa ông?
VŨ THƯ HIÊN:
Việc đầu tiên tôi muốn là đi thẳng về ngôi nhà xưa, ăn bữa cơm đoàn tụ với những người thân trong gia đình, một bữa cơm chắc chắn rộn rã tiếng cười và cũng không thiếu nước mắt. Gia đình, theo quan niệm của tôi, là cái quan trọng nhất trong đời người. Không gắn bó với nó, coi như không có nó, hoặc coi thường nó, con người là một sinh vật đáng ngờ. Tôi nghi ngại, tôi không tin, tôi không thích giao tiếp, với một con người như thế - đến gia đình hắn hắn còn không gắn bó thì hắn làm sao có thể tốt với một thằng cha căng chú kiết là mình. Lại càng đáng ngờ hơn một chế độ coi đơn vị cơ bản của xã hội là những tập thể vớ va vớ vẩn, chứ không phải là gia đình và con người cá nhân trong cái đơn vị đích thực gộp lại mà thành.
Ý muốn tiếp theo của tôi là tôi sẽ gặp những người bạn mà tôi chưa từng gặp, nhưng rất thân thiết với tôi trong công việc chung nhờ có lương tâm giống nhau mà trở thành gần gụi.
Phuoc ...hotmail.com
Là một nhà văn trải qua quá nhiều hoạn nạn như ông, ông có tin số mệnh không thưa ông Vũ Thư Hiên?
Ông có bao giờ nghe câu nói “giầy dép còn có số” không?
VŨ THƯ HIÊN:
Dường như là có nó đấy, cái ta gọi là số mệnh. Tuy nhiên chẳng ai biết được mặt ngang mũi dọc nó thế nào, vĩnh viễn nó là điều bí mật cho mỗi người. Chính trong tâm trạng nửa tin nửa ngờ ấy tôi đã viết hẳn một chương về ông thầy bói đã nói trước được về tương lai tù tội của tôi trong cuốn sách nói chuyện chính trị, là thứ không có chỗ cho chuyện tào lao. Tôi đã phá lệ chỉ vì muốn nhân tiện viết về mình thì ghi nhận một chuyện có thực, để bạn đọc cùng chiêm nghiệm. Tuy nhiên tôi không tiếc đã không nghe theo lời khuyên của ông thầy bói, bởi vì tôi cho rằng (đến nay tôi vẫn giữ ý nghĩ ấy) con người cần, và nên, hành động theo lương tâm mách bảo chứ không nên nghe theo lời khuyên của người khác khi lương tâm mình nói khác. “Đức năng thắng số”, cũng là câu các cụ nhà ta đã dạy mà. Khi mình thấy điều mình làm là đúng, là phải làm, thì dù số tôi có là “số ăn mày” tôi cũng cứ làm.
Phan ...yahoo.com
Thưa ông, mấy năm trước đây, thảng hoặc tôi có nghe tin ông viếng thăm gia đình, bạn hữu ở Hoa Kỳ. Nhưng gần đây thì không. Ông có thể cho biết lý do, thí dụ sức khoẻ hay tài chánh?...
VŨ THƯ HIÊN:
Tôi vốn ngại chuyện giấy tờ, ông ạ. Tôi chưa nhập tịch Pháp (do lười thôi, chứ không phải vì cái gì khác), nên chỉ có cái Thông hành Du lịch (Travel Document) cho dân tị nạn. Nước Pháp, gần giống nước Mỹ, có ký kết những hiệp ước miễn thị thực cho công dân với nhiều nước. Mình không có hộ chiếu Pháp thì mỗi lần muốn đi nước nào khác ngoài Schengen Space ở châu Âu là phải xin visa, không chỉ phải trả tiền, mà còn phải điền vào tờ đơn xin visa đủ thứ câu hỏi, lôi thôi lắm. Lôi thôi nhất là xin visa vào Hoa Kỳ, nơi người ta nhìn mỗi người xin đến đấy là một di dân tiềm tàng. Thành thử dù muốn đến Hoa Kỳ thăm bè bạn lắm đấy, tôi cứ lần lữa. Không phải chuyện tài chính, không đâu. Thường thì bạn bè mua vé cho, mình không lo phải bỏ tiền từ cái túi thường xuyên rỗng. Than ôi, một địa cầu không biên giới vẫn cứ còn là giấc mơ xa vời cho tất cả chúng ta.
Toàn Nguyễn ...yahoo.com
Xin ông vui lòng cho biết, một ngày sống của ông ở Pháp diễn ra như thế nào? Và, có khi nào ông xuống tinh thần hoặc cảm thấy bế tắc, tuyệt vọng không?
VŨ THƯ HIÊN:
Một ngày của tôi ở Pháp? Bạn hãy hình dung một người đàn ông già, sống một mình, phải làm gì trong một ngày. Trước hết, phải lo hai bữa ăn (đi chợ, nấu nướng), sau đó là đủ thứ việc linh tinh không tên khác, không thể không làm để tồn tại cho tới hôm sau, chúng choán khá nhiều thời giờ của những việc đối với tôi là quan trọng hơn – học tập, lo việc công ích, viết cái gì đó... Nói tóm lại, mỗi ngày qua đi trong cuộc đời của tôi, hay của bất cứ ai cũng vậy, bảo nó hao hao giống mọi ngày thì cũng đúng, mà bảo chẳng ngày nào giống ngày nào thì cũng không sai. Nếu anh không có mối quan tâm nào khác, do đó không có việc khác để làm ngoài những việc phải làm để tồn tại thì ngày nào cũng là một ngày vô vị, với người già còn tệ hơn, có thể gọi nó là một ngày chờ chết. Còn với những ai bận rộn thì cảm giác chung là ngày quá ngắn, chưa chi đã tối. Nó giống như hình ảnh đời người. Trong tôi, cảm giác ngày quá ngắn là cảm giác thường trực. Có lẽ nhờ thế mà tôi không gặp những ngày chán nản (hoặc “xuống tinh thần”, như bạn nói). Cái mà tôi thường gặp là cảm giác tôi chán tôi, tôi bực bội với tôi, khi thấy cái mình muốn làm thì nhiều mà làm được thì ít. Chán là chán thế đấy (chỉ chán thôi, chứ không nản đâu). Ngẫm ra thì một khi con người ít nhiều hiểu được những quy luật của đời sống thì hiếm khi nó bị rơi vào tâm trạng bế tắc hay tuyệt vọng. Thêm nữa, cảm giác có ai đó cần đến mình, mình vẫn còn có ích cho ai đó là cảm giác tuyệt vời, ngày của mình sẽ trở nên có ý nghĩa hơn. Nhờ đó mà trong trường hợp của tôi, tôi may mắn không bao giờ rơi vào tâm trạng bế tắc hay tuyệt vọng.
Lam ...@hotmail.com
Đây không phải là câu hỏi, tôi chỉ muốn kể cho ông nghe những điều tôi nghĩ về ông.
Tôi nghe nhiều người nói đến Đêm Giữa Ban Ngày, tôi có tìm đọc, nhưng thú thật với ông, ngay từ khi chưa đọc một chữ nào, tôi đã ghét ông, nếu không muốn nói là coi thường ông. Nên bao nhiêu lần tìm đến cuốn sách, tôi vẫn không đọc xong, dù tôi là người rất yêu sách. Tôi cứ nghĩ... (mà sau này tôi cho là thô thiển, ích kỷ và ác độc) tại sao ông ra nước ngoài? Ông là một nhà văn lớn sao ông hành xử như một người tầm thường (Đến đây thì tôi lại thấy, sự tức giận của tôi; không, sự hờn dỗi thì đúng hơn, có phải xuất phát từ lòng quá trân trọng, kính phục ông?)
Cho mãi đến sau này, khi tôi đọc Miền Thơ Ấu thì cái nhìn của tôi về ông khác hẳn, nó không "hằn học" như ngày xưa nữa, tôi “đằm” lại và đọc...Đêm Giữa Ban Ngày.
VŨ THƯ HIÊN:
Chuyện tôi phải ra nước ngoài là một chọn lựa bất đắc dĩ. Tôi có kể lại chuyện này trong Đêm Giữa Ban Ngày. Cảm ơn bạn đã hiểu tôi qua Miền Thơ Ấu, nơi tôi là tôi hơn trong Đêm Giữa Ban Ngày.
Bích Phượng ...@gmail.com
Ông có cái nhìn thế nào về những nhà văn, nhà thơ tiền chiến, nhất là những người ông đã có dịp tiếp xúc hay làm việc với họ trong những năm tháng ông còn ở Việt Nam trước đây? Một câu hỏi thêm chợt nảy sinh trong đầu tôi khi viết thư cho ông. Câu hỏi của tôi có thể làm cho ông thấy khó trả lời. Nếu sự thực như vậy thì xin ông coi nó như không có. Đó là: ai trong số những nhà văn nhà thơ tiền chiến mà ông quen biết được ông kính trọng nhất. Đồng thời, ngược lại: ai là người ông khinh nhất?
Và xin ông cho biết lý do, nếu có thể được.
VŨ THƯ HIÊN:
Những nhà thơ và nhà văn được gọi là tiền chiến (sắp xếp theo thời gian, không theo trường phái hoặc xu hướng chính trị) mà tôi được biết đều là những người do trời đất sinh ra, không phải những người được đào tạo theo kế hoạch hoặc do nhà cầm quyền phân công - đó là cái nhìn của tôi về họ. Do trời đất sinh ra, nhờ thiên bẩm, khi được nhà cầm quyền hnjy5 giáo dục lại, thì người nào không chịu sự giáo dục ấy thì hoặc biến mất khỏi cõi đời như Khái Hưng, Lan Khai, hoặc đi tù như Thuỵ An, hoặc thui chột đi như Huy Cận, Xuân Diệu…
Tôi yêu và kính trọng Văn Cao, Hồ Dzếnh, Hữu Loan, Đoàn Chuẩn… Tôi không khinh ai cả, vì trong cuộc sống gò bó thời ấy, theo tôi biết, và biết khá rõ, người nào cũng là nạn nhân, tự nguyện hoặc không tự nguyện. Tôi nhớ cái đẹp họ đã cho tôi vào một lúc nào đó trong quá khứ.
Đức Trọng ...@hotmail.com
Mới đây, ông có đề cập tới ca dao Việt Nam, trong một câu trả lời bạn đọc. Tôi nghĩ ông đọc nhiều và hẳn là rất yêu ca dao. Cá nhân tôi cũng vậy. Câu hỏi của tôi là ca dao có giúp ích gì cho văn chương của cá nhân ông không, thưa ông?
VŨ THƯ HIÊN:
Rất có ích, thưa ông. Nó là một kho tàng không phải chỉ vì cái Đẹp, mà còn vì cái Trí tuệ được chứa trong đó mà người ta gọi là minh triết.
Nhân ...@yahoo.com
Tôi biết ông sinh ra và trưởng thành ở miền Bắc, nhưng ông cũng có nhiều dịp xuất ngoại trước khi chọn định cư hẳn ở Pháp. Với một đời sống những năm sau này của ông như vậy, tôi có 3 câu hỏi gửi ông:
1- Trước tháng 4-1975, ở vị trí một nhà văn, ông có cơ hội đọc hay theo dõi nền văn học nghệ thuật miền Nam hay không?
2- Ra nước ngoài chắc chắn ông có nhiều cơ hội đọc hơn, ông có bao giờ bỏ thì giờ tìm hiểu dòng văn học nghệ thuật ấy?
3- Câu hỏi cuối cùng của tôi là xin ông cho biết nhận định hay cảm nhận của ông về dòng văn chương đó?
VŨ THƯ HIÊN:
Trước năm 1975, tôi hầu như không biết những tác phẩm của văn học miền Nam. Xã hội miền Bắc hồi ấy là một xã hội khép kín, mọi chân lý chỉ được phát hành theo đại lý. Đến những nhà văn có chân trong triều đình còn không được đọc, huống hồ những nhà báo nhà văn ở cấp dưới cùng. Để có được sự cảm thụ văn học đích thực, chúng tôi tìm đến văn học cổ điển, văn học Nga thế kỷ 19 và một số sách của văn học phương Tây hiện đại lọt vào tay nhờ sự dốt ngoại ngữ của cơ quan kiểm duyệt.
Tôi chỉ được biết đến dòng văn học miền Nam từ khi vào Sài Gòn và ở đó gần 10 năm. Tôi thấy nó là sự tiếp nối tốt đẹp của văn học cách tân từ thời Tự Lực Văn Đoàn, nơi cõi người cá nhân được coi là đối tượng của văn học, chứ không phải là con người tập thể vô hình vô dạng. Ở miền Bắc không phải không có những mưu toan đi con đường đó, nhưng chúng chỉ được “xuất bản bằng mồm”, nói theo cách của Kim Lân. Sự hiểu biết muộn màng đó, tiếc thay, không đem lại cho tôi cảm giác phát hiện một cái gì mới hẳn, mặc dầu tôi đã ngấy đến tận cổ thứ văn học minh hoạ thống trị ở miền Bắc.
Lan Anh ...@yahoo.com
Nếu ông không cho là tôi tò mò hoặc đi quá sâu vào đời riêng của ông thì câu hỏi của tôi là tình yêu trai gái có giữ một vai trò đáng kể nào trong văn chương hay cảm hứng văn chương của ông không?
VŨ THƯ HIÊN:
Đã có những người trách tôi: “Trong những gì anh viết chẳng thấy tình yêu đâu cả”. Họ trách đúng. Lại cũng là do hoàn cảnh thôi, khốn nạn là thế. Tình yêu trai gái hình như chưa đủ khoẻ bằng sự bất bình với những bất công xã hội để thôi thúc tôi viết. Chứ ai mà không muốn viết về tình yêu. Tôi hoàn toàn không giống Marx coi đấu tranh là hạnh phúc, tôi cùng quan điểm với Engels coi truyện tình dân gian “Tristan và Izolda” của thế kỷ 11 là tuyệt tác văn học. Tôi nói đến Marx và Engels vì tôi đọc kỹ hai ông này để tìm hiểu tại sao với ý tốt “đưa con người từ vương quốc tất yếu qua vương quốc tự do” lại sinh ra một quái thai.
Lan Anh ...@yahoo.com
Thưa ông, tôi đọc loáng thoáng ở đâu đó thì hình như ông có những người bạn thân là thi sĩ. Điều đó có thể cho tôi đi đến kết luận ông là người yêu thơ không?
Và, cũng xin hỏi thêm, nếu đúng, thì có bao giờ ông làm thơ không?
VŨ THƯ HIÊN:
Những nhà thơ làm đẹp cho cuộc đời nhiều lắm, sao mà không yêu họ cho được? Với những vần thơ, họ biến dạng cuộc sống, làm cho nó rực rỡ hẳn lên dưới một ánh sáng khác, với những màu sắc khác, mà ta không thấy được bằng mắt thường. Trừ những người trở thành “nhà thơ”vì sẵn tiền chơi thân với những nhà xuất bản cần tiền. Tôi khiếp đảm phải nghe họ đọc những bài thơ sáng tác “kịp thời” và “nhân dịp”.
Tiếng Việt mình giàu nhạc tính, người Việt sinh ra là đã được thừa hưởng cái ngôn ngữ như thơ rồi, thành thử hầu như người Việt nào cũng làm thơ, ít nhất là một vài lần trong đời, không phải trong tuổi trẻ thì trong tuổi già. Tôi cũng không phải ngoại lệ. Nhưng thơ đòi hỏi sự cô đọng hình tượng, nó không dung sự miêu tả dài dòng. Nhưng khi mình muốn nói nhiều điều cần nói và muốn nói cho đủ thì nhà thơ cũng phải chọn văn xuôi
ongia ... @yahoo.com
Thưa nhà văn Vũ Thư Hiên, theo dõi những câu trả lời của ông, tôi thấy không biết có đúng không, rằng dường như ông tìm đến với văn chương như một lối thoát thích hợp nhất của hoàn cảnh riêng của đời sống đầy bão tố của gia đình cũng như của cá nhân ông.
Vậy nếu cho ông đi lại từ đầu và ở môi trường sống khác, ông có chọn nghiệp viết văn nữa không?
Nếu câu trả lời của ông là có, là vẫn theo đuổi nghiệp viết văn thì tại sao, thưa ông?
VŨ THƯ HIÊN:
Tôi không theo đuổi văn nghiệp, nói cách khác, tôi không có ý muốn trở thành nhà văn. Không phải tôi tự chọn cái nghiệp ấy, mà nó chọn tôi, nó giao việc cho tôi làm. Có nhiều nguyên cớ đẩy tôi đến với những trang giấy, trước hết là tình yêu cái Đẹp, sau là trong lòng có điều muốn nói ra, mà không nói thì không chịu được. Vì lẽ ấy tôi không coi văn chương là một nghề, tôi chỉ viết được khi nào có sự thôi thúc trong lòng. Nếu cho tôi “đi lại từ đầu và ở môi trường sống khác” như ông nói thì, khó giả định quá, chưa chắc gì tôi sẽ giống như tôi hôm nay. Ý muốn của con người không làm cho nó trở thành thế này hay thế khác, mà cái chính là do hoàn cảnh đưa đẩy. Tôi rất mê khoa học, với tôi một định lý toán học, một giả thuyết lý học cũng đẹp chẳng khác gì một bài thơ hay một bức tranh.
Tri Nguyen ... @yahoo.com
Tôi nhớ rằng đường lối của trang nhà dutule.com là theo đuổi con đường thuần tuý văn học và nghệ thuật, nên câu hỏi sau đây của tôi muốn hỏi ông Vũ Thư Hiên không có ý muốn đào sâu vào lãnh vực chính trị. Mà tôi chỉ muốn tìm hiểu xem có sự ảnh hưởng gián tiếp chăng của sự kiện:
Thứ nhất, vì ông được sinh ra và lớn lên trong một gia đình, một môi trường chính trị, nên phải chăng nhờ thế mà ông đã có được cái cung cách bình thản, khi phải đối đầu hay trải qua những thảm kịch ghê gớm xẩy đến cho đời ông?
Thứ nhì, qua tác phẩm “Đêm Giữa Ban Ngày” của ông, tôi thấy ông rất “cool” trong những năm tháng tù đầy. Đôi chỗ tôi còn có cảm tưởng ông khá ung dung trước nghịch cảnh. Có được cái tinh thần không cay cú, không thù hận này phải chăng ông luôn nhớ ông là “con nhà nòi” hay vì ông luôn nhớ ông là một nhà văn?
VŨ THƯ HIÊN:
Bạn Du Tử Lê của tôi tính lành, khi ông ấy chủ trương trang nhà của ông phải được khoanh gọn trong chuyện văn học nghệ thuật, có nghĩa ông ấy muốn tránh những cuộc cãi vã chính trị vô bổ, chứ Du Tử Lê là người yêu tự do, tức cũng là một thái độ chính trị rồi. Nếu ở đây chúng ta có bàn lây sang địa hạt chính trị tí chút thì cũng là phải phép thôi. Vào cái thời tôi ở tù, người yêu tự do mà không biết giữ mồm giữ miệng vào tù cả đống, Du Tử Lê thời ấy mà ở đấy thì không ở trại này cũng ở trại khác.
Chuyện tôi giữ được tâm thế bình thản trong thời gian ở tù dài đằng đẵng là nhìn bề ngoài thôi, chứ nhiều khi cũng điên lắm. Mà dằn lòng được là nhờ tôi ý thức được một điều: đã là công dân trong cái xã hội gọi là xã hội chủ nghĩa thì ai cũng có thể là tù dự khuyết, mình mang phận con gà con vịt, ông chủ muốn sao làm vậy - bỏ vào bu hay cho la cà bên trong hàng rào tùy thích. Cộng vào đấy, hồi thuộc Pháp các đồng chí của cha tôi, cả ông nữa, luôn đi tù, hết người này đến người khác, chuyện tù là thế nào tôi được nghe đầy tai. Nhờ đó mà đến khi chính mình rơi vào cảnh tù tôi không đến nỗi quá bỡ ngỡ. Có điều biết thì biết đấy, nhưng khi bất thần bị tống vào xà lim tôi cũng choáng váng như ai. Trong Đêm Giữa Ban Ngày bạn không thấy có chất thù hận là nhờ cái khác: nó không phải sách nói về chuyện tù, về đời tù của tôi, nó là bức chân dung cái xã hội mà tôi phải sống trong đó, nó là mưu toan cảnh báo cho những ai chưa hiểu xã hội ấy. Để làm được điều đó thì phải giữ tâm thế ung dung tự tại để khắc hoạ nó cho rõ, bằng cách “để cho sự vật nói lên” (như Jean Fréville khuyên) chứ không thể làm khác. Người viết nào muốn làm thầy đời trong tác phẩm của mình là người khờ dại. Anh ta sẽ thất bại . Sách văn học, bất kể thuộc thể loại nào, không phải sách giáo khoa, người đọc không phải là người chịu khó mài đũng quần trên ghế nhà trường để học những điều mà ông thầy đời dạy bảo.
Hoi Trinh @yahoo.com
Thưa ông, tôi nhớ người ta ưa nói “văn là người” . Vậy thì tôi có thể hình dung ra ông qua văn chương của ông không?
Và, có nên như vậy không thưa ông?
VŨ THƯ HIÊN:
Vậy ông hình dung ra tôi thế nào, bạn thân mến? Đây lại là câu hỏi của tôi gửi cho ông đấy. Ông cho tôi biết với nhé! Xin cảm ơn ông trước.
Quan Nguyen @aol.com
Xin ông vui lòng cho biết sự khác biệt nào không, giữa Hồi ký của một người không làm chính trị, Đêm Giữa Ban Ngày và truyện Miền Thơ Ấu, khi mà ông mới trả lời rằng trong truyện Miền Thơ Ấu của ông, không có chỗ cho những “hư cấu”.
VŨ THƯ HIÊN:
Hai cuốn mà bạn nhắc khác nhau rất nhiều. Với Đêm Giữa Ban Ngày, tôi viết vì thấy cần phải viết, như một trách nhiệm, Tôi mong muốn qua những trải nghiệm của tôi những ai đọc nó sẽ thấy được cái hiểm hoạ nhỡn tiền và tiềm tàng của một nhà nước độc tài, nhận chân được một điều dễ hiểu và dễ quên: một chế độ quản trị xã hội không nhắm đến hạnh phúc cho từng thành viên của nó là một chế độ tồi tệ, dù có tô son trát phấn đến thế nào cũng chỉ là sự che giấu những mục đích xấu xa của những kẻ cầm quyền.
Miền Thơ Ấu là những ghi chép về cái làng quê bùn lầy nước đọng trong thời thơ ấu của tôi, tôi viết trong lúc chẳng biết làm gì cho hết ngày trong xà lim, là cái nhằm để cho người trong gia đình đọc (nếu may mắn không bị phát giác và tịch thu). Mẹ tôi bảo: “Con viết toàn truyện nhà mình thế này thì in sao được. Viết cái gì khác có phải hơn không?”. Cụ coi Miền Thơ Ấu là thứ lăng nhăng, vô ích. Bạn tôi, anh Hà Mậu Nhai, tình cờ đọc bản thảo lại thích nó, quyết định cứ in. Nnăm ấy, 1986. anh Nhai làm giám đốc Chi nhánh Nhà xuất bản Văn học ở Sài Gòn. Tiếc là phải bỏ đi một số chương vì nhà xuất bản thiếu giấy.
Cả hai cuốn đều là chuyện thật, viết còn chưa hết những cái thật mình muốn viết ra, thành thử chẳng cần đến hư cấu. Nói nhỏ với bạn: trí tưởng tượng của tôi kém lắm, giá có muốn hư cấu cũng chẳng được, tôi viết ít là vì vậy.
Hieu Nguyên @yahoo.com
Để trở thành một nhà văn có một tầm cỡ nào đó, người ta cần đến những điều gì ngoài lòng yêu văn chương và khả năng diễn tả thưa ông Vũ Thư Hiên?
VŨ THƯ HIÊN:
Câu hỏi này tôi xin thoái thác, mong bạn không giận. Trong chuyện này các lý thuyết gia văn học mới là người có thẩm quyền. Tôi vốn không nghĩ mình là nhà văn, lại là nhà văn “có một tầm cỡ nào đó” thì eo ơi, khiếp, không dám đâu. Cái khiến tôi cầm bút là tôi rất yêu tiếng Việt, nó mới nhiều âm sắc, nhiều cung bậc làm sao! Người nước khác bảo: người Việt Nam nói như hát ấy, là có thật, tôi đã nghe nhiều người nói thế. Tôi chẳng bao giờ quên được giọng bà ngoại tôi kể chuyện Thạch Sanh cho lũ cháu, nó mới ngân nga trầm bổng làm sao, mới nuột nà bay bướm làm sao! Học được văn học dân gian truyền khẩu là học được bài vỡ lòng về cách diễn tả, cả về văn tả lẫn nhạc tính của tiếng Việt, tôi nghĩ vậy. Không tiếp nối được văn học dân gian thì Nguyễn Bính không thành Nguyễn Bính. Nhưng cái gì làm cho mình phải cầm bút để viết lên giấy thì ngoài hai điều kiện bạn nêu ra còn có một cái khác nữa: ấy là khi lòng mình bị thôi thúc viết ra cái mình rất muốn truyền đạt cho người khác, có thể là một người cụ thể nào đó. Cái cảm xúc riêng của mình, cái hiểu biết riêng của mình, chúng đòi được viết ra, không viết ra không được, không viết thì bức bối trong lòng. Chia sẻ với bạn mấy ý nghĩ thô thiển, bằng vào kinh nghiệm chẳng phong phú gì của tôi, chứ là anh hàng giày tôi không dám lên quá nơi giày dép.
Hoàng Lam @yahoo.com
Tôi muốn hỏi một câu hơi đi vào đời sống cá nhân, hiện nay ông sống ở đâủ ngoài viết văn ông có làm nghề gì khác không? ông có về VN không? và vợ con ông có qua được cùng với ông không?
VŨ THƯ HIÊN:
Cảm ơn ông hỏi thăm. Hiện nay tôi sống ở Paris. Tôi già rồi, không ai thuê mình làm, nước Pháp có chế độ trợ cấp cho người già không tồi, với tôi là tốt lắm, sống được. Vợ con tôi vẫn ở Việt Nam, các con tôi thỉnh thoảng có công việc ra nước ngoài cũng ghé thăm tôi. Tôi không về Việt Nam, đúng hơn là chưa về. Tôi nhớ nước lắm chứ nhớ nhiều thứ, từ tiếng gà gáy sáng cho đến một làn gió trên sông, tôi muốn về lắm, nhưng tôi muốn trở về khi không còn phải nhìn thấy những thứ không muốn thấy.
Nguyễn Thăng @gmail.com
Tôi thấy nhiều tác phẩm của VN cũng rất hay, tại sao cho đến giờ mình chưa được giải Nobel đoái hoài? Nếu giả sử ông được giải Nobel, hai điều gì ông làm ngay.
VŨ THƯ HIÊN:
Chắc là những tác phẩm rất hay mà ông nói tới chưa đủ hay theo cách nhìn của những người chấm giải? Người ta uyên bác hơn, nhìn rộng hơn mình. Nhưng cũng còn những nguyên nhân khác: sách Việt Nam dịch ra tiếng nước ngoài có đấy, nhưng ít, đến tay những người chấm giải còn ít hơn. Lại nữa, nước mình là nước nhỏ, nước nghèo, nó ít được thiên hạ quan tâm. Chưa kể một số giải Nobel còn mang màu sắc chính trị, như giải Nobel Hoà Bình trao cho ông tổng thống Obama chưa làm được gì cho hoà bình ấy.
Tôi không thể giả định được Nobel, nên không thể giả định mình sẽ làm gì với nó. Tôi chỉ hay mua vé số thôi, ông ạ. Nói như Nguyên Hồng: “Bỏ ra có hai hào mua được cả một cái hi vọng, rẻ ơi là rẻ!” Trúng số khó lắm, nhưng còn có nhiều khả năng hơn trúng Nobel rất rất nhiều. Nếu trúng số tôi sẽ làm được khối việc: trước hết là có tiền giúp những người đang chịu đựng mọi khốn khó trong cuộc đấu tranh cho một nước Việt Nam dân chủ, giúp đồng bào nghèo đang bị đuổi ra khỏi đất đai của cha ông để lại...
Trương Diệu Khánh (hotmail.com)
Thưa chú, cháu đang ở Việt Nam. Cháu được đọc cuốn “Miền Thơ Ấu” nhưng không thể tìm được dù rất muốn đọc cuốn “Đêm Giữa Ban Ngày” cũng của chú. Vậy chú có thể chỉ cho cháu một trang mạng nào có cuốn sách đó chăng?
VŨ THƯ HIÊN:
* Bạn có thể vào link này để đọc “Đêm Giữa Ban Ngày” http://dactrung.net/truyen/noidung.aspx...
Đặc Trưng là một trang mạng chững chạc.
Huy Phạm (yahoo.com)
Thưa ông, khi viết truyện “Miền Thơ Ấu” (tôi đọc trong dutule.com) ông bao nhiêu tuổi? Viết ở đâu? Và kéo dài bao lâu thì hoàn tất?
Cũng chuyện đó, nó chứa đựng bao nhiêu phần trăm sự thật?
VŨ THƯ HIÊN:
Cuốn này tôi bắt đầu viết năm 1970 (năm ấy tôi 37 tuổi), trong xà lim trại giam quân pháp Bất Bạt. Viết giấu giếm, bằng hai cái ruột bút bi lẻn mang được vào xà lim nhân một lần gặp gia đình, trên những mẩu giấy gói kẹo (tôi có kể lại chuyện này trong lời nói đầu của ấn bản in ở hải ngoại), vào những lúc lính gác không chú ý (cứ 15 phút một lần họ đi ngang và ngó vào xà lim để kiểm tra xem tù có đào tường để trốn không, hay có treo cổ lên không?). Viết như thế cực lắm, nhưng vì tôi là người bị giam không có án, người ta cứ giam miết, không nói cho mình biết bao giờ họ thả, biết rồi có còn sống đến ngày được trở về với gia đình hay không, nên tôi muốn kể những chuyện chưa kịp kể cho các con tôi biết về cái quê nội mà chúng không hề biết. Cứ viết lắt nhắt như thế, từng mẩu một, rồi lén lút chuyển ra ngoài, cũng từng khúc, các em tôi chép sạch lại, thành một cuốn sách. Tính thời gian viết thì dài, phải gần 3 năm mới xong. Không thể gọi cái sự viết một cuốn sách như thế là sáng tác được, vì người ta sáng tác là để xuất bản, chứ kẻ không biết ngày về đâu có mơ đến xuất bản. Trong cuốn đó toàn chuyện gia đình, làng xóm thôi, ông ạ, không có sự bịa chuyện được gọi cho sang là “hư cấu”. Có điều tôi muốn viết cho nó vui một tí, theo cách nhìn của mình, văn học hoá câu chuyện cho đỡ tẻ, nên nó may mắn có cái gì đó giống như một sáng tác, thế thôi.
kinhhuynh (yahoo.com)
Kính thưa ông Vũ Thư Hiên, tôi biết văn học và nghệ thuật là món ăn tinh thần cần thiết cho mỗi con người thuộc một dân tộc nào đó . Nhưng tôi cũng nhớ, đại ý thôi, khi từ chối nhận giải Nobel Văn Chương năm 1964(?), cố nhà văn Jean Paul Sartre có nói rằng, trước một đứa trẻ con bị đói thì cuốn “La Nausée” của ông ấy không đáng một xu?
Tôi rất muốn được biết quan điểm của cá nhân ông, về lời phát biểu này.
Và ông sẽ nói gì nếu như ông được trao giải Nobel Văn Chương?
VŨ THƯ HIÊN:
Khi người ta đói thì đừng nói gì tới “La Nausée” (Buồn nôn) của Jean Paul Sartre, đến cả gia tài văn học mà loài người có được từ khi biết viết chữ, kể từ Homère trở đi, cũng chẳng đáng một miếng cháy. Đứa trẻ con (có thể còn chưa biết chữ nữa) lúc đói thì trong đầu nó thậm chí còn không bật ra sự so sánh với một xu nữa kia. Ở trong nhà tù tôi đã thấy người ta giết nhau vì một bát cơm.
Tôi chẳng bao giờ nghĩ đến một giải gì mình sẽ nhận được khi viết (tức là cái sự viết ra cái mình muốn nói, không nói ra không được), cho nên lại càng không hề nghĩ tới cái Nobel văn chương xa vời. Về chuyện giải Nobel văn chương tôi thấy không phải lúc nào cũng được trao công bằng (Erich Maria Remark mà tôi coi là bậc thầy văn chương có được Nobel đâu), nhưng các tác giả được giải cũng đều xứng đáng cả. Văn học nước mình nói chung chưa tới được chỗ người ta đã tới. Tôi hằng mong nước mình có được một cái Nobel nào đó, cái nào cũng được, cho đỡ tủi. Chứ nhìn cái cảnh “mẹ hát con khen hay” trong mọi lĩnh vực sáng tạo ở nước ta bây giờ rầu ruột lắm. Ờ thì trong lĩnh vực này lĩnh vực khác cũng có thành tựu to thành tựu nhỏ đấy, không phải hoàn toàn không có, nhưng thử hỏi đã có cái nào để thế giới phải ngả mũ cúi đầu chưa, mà cứ làm rầm rĩ thiên hạ vì ba cái vặt vãnh như thế, quả là khó coi quá.
Trong Huynh @yahoo.com
Tôi được biết ông hiện sống cuộc đời của một nhà văn lưu vong. Điều này có những ảnh hưởng tiêu cực và tích cực nào tới sự nghiệp văn chương của ông?
Nhân tiện tôi muốn hỏi thêm một câu nữa nếu được, rằng với bản thân của ông từng trải qua nhiều gian nan… Vậy thì văn chương có gíúp ích gì cho sự đời sống vật chất cũng như tinh thần của ông hay không?
VŨ THƯ HIÊN:
Với nhà văn, cuộc sống lưu vong có ảnh hưởng chứ, ảnh hưởng rất nặng nữa là khác, tốt thì ít mà xấu thì nhiềụ Đọc sách của các nhà văn lớn của nước ngoài buộc phải sống kiếp lưu vong tôi thấy trong những năm đầu họ còn có những tác phẩm xuất sắc, càng về sau bút lực càng ngày càng sút dần, sáng tác cũng ít đi, có người bỏ hẳn văn nghiệp. Với họ, cuộc sống như thế là một bi kịch. Nhà văn cần được sống ở quê hương, giữa người đọc cùng nòi giống. Như cái cây bị bứng khỏi đất, cho dù có được trồng trong chậu. May cho tôi, tôi vốn không coi mình là nhà văn, nên bi kịch ấy nhỏ thôi. Nhà văn ở nước mình nhiều, mình có không là nhà văn cũng chẳng phiền hà cho ai, nhưng nếu mình không là người dân xót xa cho đất nước, muốn làm cái gì đó cho nước mình khá hơn thì chính mình sẽ bị phiền hà bởi lương tâm mình. Tôi chọn cho mình chỗđứng của người dân.
Mọi trải nghiệm của bản thân người viết đều có ích cho văn chương của anh ta, và ngược lại, văn chương cũng đem lại cho anh ta niềm vui, đôi khi cả tiền nữa, nếu có sách bán chạy.
(Nội dung cuộc trò chuyện với nhà văn Vũ Thư Hiên thuộc bản quyền của dutule.com)
(Nội dung cuộc trò chuyện với nhà văn Vũ Thư Hiên thuộc bản quyền của dutule.com)
Gửi ý kiến của bạn