Trong ngôi nhà ấm cúng, nơi những cuốn sách được sắp xếp cẩn thận, nhà văn Vũ Ngọc Giao ngồi lặng im trước trang bản thảo. Chị bảo, viết không phải để nổi tiếng, mà để thấu hiểu, sẻ chia và để mình không cảm thấy cô đơn giữa dòng đời hoang hoải.
Gắn bó với vùng đất có nhiều mất mát và khổ đau trong chiến tranh, Vũ Ngọc Giao dường như mang trong mình một loại “ký ức” về những phận người nhỏ bé. Chị bén duyên với văn chương từ thuở nhỏ nhưng chỉ thực sự bước vào con đường sáng tác chuyên nghiệp khi đã trải qua nhiều cung bậc của đời sống. Có lẽ vì vậy, văn của chị không vội vàng. Nó chậm rãi, từ tốn như người phụ nữ cẩn thận nấu bữa cơm chiều chờ chồng con trở về, như cách chị nhìn một chiếc lá rơi mà cảm được mùa thu trong đó.
Khi còn là biên tập viên Tạp chí Non Nước, Vũ Ngọc Giao luôn cẩn trọng với con chữ của người khác. Nhưng rồi đến một ngày, những câu chuyện cứ cựa quậy trong tâm trí, buộc chị phải viết theo cách mình muốn. Chị chia sẻ, có những lúc thấy nếu không viết thì chị sẽ trăn trở, sẽ nghĩ hoài về nói. Vì thế, chị buộc phải viết ra, như một cách trải lòng.
Người đọc thường gọi văn của Vũ Ngọc Giao là giọng văn trữ tình, nhưng không bay bổng mộng mơ, mà là những cảm xúc được tiết chế bởi người đàn bà từng trải. Trong dòng chảy cảm xúc đó, tập tản văn “Búp bê Matryoshka” (NXB Hội Nhà văn, 2019) là lời chào nhẹ nhàng nhưng day dứt của chị với bạn đọc. Trong tập sách này, nhà phê bình văn học Đặng Tiến đã nhận xét: "Tác phẩm Vũ Ngọc Giao dù trong hồi ức hay truyện ngắn, cùng đồng vọng một dòng tâm tư xuôi về quê nội... Có thể nói, văn chương ở đây cuối cùng là một bản nhạc chiều, một serenata, hay xa hơn nữa là một mùi hương thôn dã…”.
Trong rất nhiều tác phẩm, những thân phận phụ nữ, những con vật bị bỏ rơi, những cuộc đời... lần lượt hiện ra, đầy vết thương nhưng không bi lụy, yếu mềm và chưa từng từ bỏ khát vọng được sống đúng với mình.
“Vườn sơn tra dưới trăng” (NXB Dân trí, 2024) là một trong những tập truyện ngắn tiêu biểu với lối viết chậm rãi như một tiếng thở dài. Trong đó có người vợ trẻ chịu cảnh góa bụa khi chồng nằm lại giữa lòng đại dương trong cơn bão biển; là cô gái tật nguyền bị ruồng bỏ; là người phụ nữ không có quyền chọn lựa đời sống hôn nhân bởi những hủ tục vùng cao... Không ai trong số họ đòi hỏi sự thương hại. Họ chỉ cần một ánh nhìn thấu hiểu, một người chịu lắng nghe. Và Vũ Ngọc Giao đã làm điều đó.
Không né tránh gam màu tối trong đời sống, song trong thế giới văn chương của mình, Vũ Ngọc Giao luôn để lại một khe sáng nhỏ, như vệt trăng len lỏi giữa tầng mây dày, soi tỏ cho nhân vật con đường đi tiếp. Vì thế, dẫu bị dồn đến bờ vực của tuyệt vọng, các nhân vật của chị vẫn được trao một lối về, một niềm an ủi cuối cùng. Chẳng hạn như Lảy trong “Vườn sơn tra dưới trăng”, sau năm tháng lầm lũi trong cuộc hôn nhân không lối thoát, cuối cùng cũng tìm được bến đỗ bên Phiên - người đàn ông vẫn luôn âm thầm chờ đợi cô trở về. Hay như Hạ trong “Sóng cũng bạc đầu”, sau bao mỏi mòn, đã nhận được tình yêu thương đong đầy từ gia đình chồng khi sẵn sàng tiễn cô lên xe hoa bằng tất cả sự trìu mến.
Phong cách viết của người luôn muốn lắng nghe
Với tiểu thuyết “Miền trăng tối” (NXB Dân Trí, 2023), “Bến Mù U” (NXB Dân Trí, 2024), chị lại chọn một lối kể khác, vừa hiện thực, vừa pha chút ma mị huyền ảo. Trong đó, “Miền trăng tối” lấy bối cảnh vùng bán sơn địa thuộc tỉnh Thái Nguyên, nơi có ngọn đồi từng chôn nhóm thanh niên xung phong trong chiến tranh. Với cách diễn đạt này, những dòng đầu tiên trong tiểu thuyết của chị đã rờn rợn: “Bầy quạ quàng quạc lượn về đậu trên nhánh cây gầy. Năm mươi năm sau hay mãi mãi, nơi này vẫn là ngọn đồi chết… từ đêm trăng ấy”... Từ đây, một câu chuyện đầy ma mị, bi thương được dẫn dắt bởi nhân vật Hà Lam - nữ phóng viên trẻ trong chuyến thực tế đến Thái Nguyên viết bài ở miền bán sơn địa này. Đây cũng là nơi cha cô, một đứa trẻ mồ côi lớn lên đơn độc bên người mẹ điên loạn (San - cô thanh niên xung phong duy nhất còn sống sót sau trận sạt lở với bào thai vừa tượng hình) và một quá khứ đầy ám ảnh...
Vũ Ngọc Giao không cố ý nói về nỗi buồn chiến tranh, nhưng câu chuyện cứ dẫn dắt người đọc đến những lát cắt sâu hoắm của lịch sử. Giữa không gian bảng lảng sương mù, nhân vật của chị bước đi trong những giấc mơ nửa tỉnh nửa mê, trong ký ức nhập nhòa hiện ra như vệt khói mỏng, khiến người đọc không khỏi rùng mình. Để câu chuyện không quá bi lụy, nữ tác giả đã tinh tế tạo ra một kết thúc mở, với chuyến trở lại ngọn đồi thiêng của Hà Lam và cha, cùng ước nguyện quy tập mộ người cha về nằm bên mộ mẹ.
Trong “Bến Mù U”, nhà văn lại đưa bạn đọc đến miền quê sông nước, nơi có những phận người bị giam hãm trong định kiến và sự nghèo nàn, cô đơn. Câu chuyện kể về ông lão chèo đò với tấm lòng bao dung đã sẵn sàng cưu mang cô gái trẻ cùng bào thai trong hoàn cảnh đầy nghi vấn. Trong mỗi cốt truyện, tác giả viết như thể luôn lắng nghe và có sự tôn trọng tuyệt đối trước nỗi đau của người khác. Dù là truyện ngắn, tản văn hay tiểu thuyết, chị vẫn giữ tiết tấu chậm rãi và chọn cách quan sát, kể lại hơn là phán xét. Ngay cả khi xây dựng tuyến nhân vật phản diện, nhà văn vẫn cho họ một lý do để tồn tại, như có vết xước nào đó trong đời khiến họ trở thành như vậy.
Chất văn ấy bắt nguồn từ một người phụ nữ tinh tế, biết lắng nghe để dệt nên thế giới ngôn ngữ của riêng mình. Những câu chuyện của Vũ Ngọc Giao thường không có đoạn kết bùng nổ hay nút thắt gay cấn, nhưng để lại dư âm rất lâu trong lòng người đọc. Hơn hết, điều khiến độc giả nhớ lâu khi đọc văn của chị là cảm giác được ai đó thực sự thấu hiểu và triết lý sâu xa của luật nhân - quả.
Ngoài lối dẫn chuyện tự nhiên, trong nhiều tác phẩm, nữ nhà văn đã dùng thủ pháp đồng hiện, đan xen quá khứ, hiện tại, cùng một cấu trúc truyện nhiều lớp, giàu liên tưởng. Viết nhiều, nhưng mỗi câu chuyện đều để lại trong chị một vệt ký ức khó phai. Như khi viết về con chó bị xích trên một bãi đất trống trong “Hắn, nàng và con chó nhỏ”, chị bảo rằng mình đã khóc, không chỉ vì thương con vật tội nghiệp, mà còn vì nhìn thấy trong ánh mắt nó cả một kiếp người cam chịu, thèm khát được yêu thương.
Thời gian qua, dù liên tục có sách được đặt hàng xuất bản, nhưng Vũ Ngọc Giao không ồn ào xuất hiện trên truyền thông mà chọn cách lặng lẽ, tiếp tục với con chữ, như cách chị từng nói: "Viết là cách tôi gìn giữ sự thăng bằng và trả lời cho những câu hỏi không ai có thể trả lời hộ".
Có lẽ vì thế, bạn đọc nhận ra trong văn chị một dòng chảy rất riêng: kiên định, thầm lặng, không bị cuốn vào thị hiếu. Từ người biên tập, chị trở thành người kể chuyện bằng thái độ tôn trọng nhân vật, tôn trọng độc giả. Và với chị, viết là cách để tồn tại. Như cành sơn tra vẫn nở hoa dù giữa mùa đông buốt giá. Như ánh trăng vẫn soi rọi xuống những bến sông u tối và buồn.
TIỂU YẾN
Nhà văn Vũ Ngọc Giao (SN 1972), quê tỉnh Quảng Ngãi, hiện sống và làm việc tại thành phố Đà Nẵng. Đã in 9 tập truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết, gồm: tập tản văn, truyện ngắn “Búp bê Matryoshka” (NXB Hội Nhà văn, 2019); Hồi ký - chắp bút “Dòng chảy” (NXB Hội Nhà văn, 2022); tập truyện ngắn “Người đàn bà và chiếc dương cầm (NXB Dân Trí, 2023); tiểu thuyết “Miền trăng tối” (NXB Dân Trí, 2023); tập truyện ngắn “Vườn sơn tra dưới trăng” (NXB Dân Trí, 2024); tiểu thuyết “Bến Mù U” (NXB Dân Trí, 2024); tập truyện ngắn “Một vì sao không bao giờ khóc (NXB Kim Đồng, 2024); tập truyện ngắn “Bản sonata mùa đông của chim gõ kiến” (NXB Dân Trí, 2025); tập truyện ngắn “Ba hạt muồng trong chiếc bị cói” (NXB Dân Trí, 2025). Ngoài ra, chị có hơn 150 truyện ngắn, tản văn đăng các báo Trung ương và địa phương. |