Đôi điều về các tác giả trong cuốn sách "Hòn đá lăn không rêu"
“Hòn đá lăn không rêu” đã thực hiện, hoàn tất việc in ấn lần 2 ở Việt Nam. Sách do Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép, phát hành năm 2021. Giá sách trong nước là 250.000 đồng/cuốn (giá chỉ gồm tiền in và vài phụ phí, để mọi người có thể ủng hộ mua được sách).
Sách khá dày 528 trang, khổ 6 x 9 inches (như khổ in ở Mỹ), giấy màu kem đẹp, loại tốt.
Về điểm mua sách ủng hộ, có thể mua từ xa, liên hệ lạc qua:
1. Nguyễn Thành Tâm
Địa chỉ: Trường tiểu học Song Ngữ Vũng Tàu - 44 Lương Thế Vinh, p9, TP Vũng Tàu.
Số điện thoại liên hệ: 070 6666 373
Zalo: 0706666373
Facebook: Nguyễn Thành Tâm
Chuyển khoản:
Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank)
Số TK: 6090205243471
Chủ TK: Nguyễn Thành Tâm
(Ở địa chỉ này, bạn gọi điện thoại liên hệ, sách sẽ được gởi đến địa chỉ bạn, miễn cước phí bưu điện)
2. Sách có thể sẽ bán ở hệ thống phát hành FAHASA toàn quốc. Việc bán nơi này, thực hiện sau khi sách đã chuyển đủ đến địa chỉ các tác giả cộng tác. Có thể còn lại rất ít. Sẽ thông báo với các bạn sau.
Mong được những người yêu thích văn chương ủng hộ.
...
Sách in lần 1 ở Mỹ có thể mua sách ở hai nơi:
1. Mua ở hệ thống bán hàng của Ebay. Có thể search ở ô tìm kiếm, đánh cụm từ “Hòn đá lăn không rêu”, hoặc “poetry and story Vietnamese language book do Nguyễn Đông A chủ xướng”, hoặc “Hon da lan khong reu, Vietnamese novel book”... để thấy sách, mua và thanh toán qua Paypal.
2. Mua thông qua liên hệ với người đại diện của tôi. Gởi tin nhắn đến Na Le qua số điện thoại 503 927 0457. Có thể thanh toán qua ngân phiếu hoặc Money Order. (Nếu muốn tôi ký tên hoặc ghi thêm gì đó ở trang đầu của sách để làm kỷ niệm thì cũng xin nhắn qua liên lạc)
Giá sách: 35 dollars, free shipping in the US.
Tôi xin post lại bài:
“Đôi điều về những cây bút trong cuốn sách – Hòn đá lăn không rêu”, để mọi người biết thêm về 32 tác giả trong sách.
...
ĐÔI ĐIỀU VỀ NHỮNG CÂY BÚT TRONG CUỐN SÁCH “HÒN ĐÁ LĂN KHÔNG RÊU”
Ở phần “Như thay lời tựa” tôi ghi: “Đây không phải là tuyển tập hay nhất, gồm chỉ người thành danh tên tuổi. Nhưng hãy đọc họ. Văn chương Việt cần tự do, cũ vẫn mới. Và kế thừa”. Họ là ai... Tôi xin điểm lướt qua một chút.
Trong sách, trước nhất là Du Tử Lê, thơ của ông thì khỏi phải nói, luôn hay, ông là cây đại thụ thi ca Miền Nam, chỉ có vài người như Nguyên Sa, Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền... mới có thể sánh ngang bằng. Ông được ưu tiên để đầu tiên, không xếp theo thứ tự tên A,B,C, như là một sự trân quý, với tư cách là một đàn anh trong làng văn chương. Và cũng bởi lúc sinh thời, ông rất quan tâm, nâng đỡ những người mới qua các cuộc thi viết trên web, hoặc viết bài giới thiệu văn thi nhân. Nên khi mất rồi, ông vẫn là một người anh dẫn dắt... Thơ được bà Hạnh Tuyền, phu nhân của nhà thơ chọn gởi.
Kế đến phải kể đến những nhà thơ lừng danh như Trần Mạnh Hảo, Lê Khánh Mai, Đinh Thị Thu Vân, Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, Lê Thanh My, Lê Tuân, ...
Trần Mạnh Hảo sinh 1947 tại Nam Định, một văn thi tài cứng cỏi. Thơ anh đăng báo khi mới 16 tuổi, đã xuất bản trên 20 tác phẩm văn, thơ, lý luận phê bình. Từng được trao tặng nhiều giải thưởng văn học. Từ khi xuất bản tiểu thuyết “Ly thân” (1989) phản ánh “Cải cách ruộng đất” ở miền Bắc, anh ra khỏi Đảng, hoạt động tự do, không tham gia bất cứ tổ chức chính trị nào.
Thơ anh tham gia vào sách ngoài một ít bài thơ hay, sâu thẳm, thấm đẫm tình cảm, thân phận làm người mà nhiều người đã biết như “Làm dâu”, “Cây lúa”, “Hạt bụi”, “Tôi là kẻ khác”, “Thương con chó vàng” thì còn có một mảng thơ gồm rất nhiều bài thơ tứ tuyệt bốn chữ đặc sắc chưa được nhiều người khám phá.
Đây là một mảng thơ lớn còn bỏ ngỏ chưa được lý luận phê bình dày công nghiên cứu, gồm những bài được được công bố rải rác trên Facebook được tập hợp lại. Mảng thơ có thể coi là đề tài viết về tình yêu vì có dính dáng tới “em”. Thơ có yếu tố tục hoặc không tùy vào sự liên tưởng người đọc, qua liên tưởng logic, liên tưởng tương đồng giữa sự vật hiện tượng và chuyện ấy, sex. Chỉ biết rằng, anh lấy trăng, sao, mây, gió... những hình ảnh anh nghe thấy trong tự nhiên hoặc qua mộng mị mà miêu tả, phúng dụ, làm nên những tứ thơ uyển chuyển, nhuần nhuyễn, hết sức độc đáo...
Lê Khánh Mai từng là Chủ tịch Hội Văn nghệ Khánh Hòa, xuất bản khoảng 10 tác phẩm chính.
Cô từng tâm sự về nghề văn: “ ... dấn thân như bị giời đày... Đôi khi tôi cảm nhận một sức mạnh quyền năng vô hình nào đó mách bảo và điều khiển ngòi bút của mình như là định mệnh” (LKM).
Thơ của Mai cũng như những nhà thơ nổi tiếng có nghề khác là phong phú về hình ảnh, ngôn từ đặc sắc ... Nhưng theo tôi điểm đặc biệt nhất ở thơ cô là giàu chất “suy tư”. Thơ cô là khát vọng về cuộc sống, là sự chiêm nghiệm về đời người, là chuỗi triết luận sâu sắc. Chùm thơ in trong sách thể hiện điều đó. Như “Con đường trong trải nghiệm”, “Sự thật”, “Nghĩ trong chiều cạn”, “Người đàn bà đi tìm tiếng chuông”, “Tấm ảnh, bức tường và cái đinh”... Ngay cả tản văn như “Lạ”... cũng thế.
Có lẽ cũng chính từ điều này mà thơ của cô được nghiên cứu sinh chọn làm đề tài bảo vệ luận án Thạc sĩ, Tiến sĩ.
Đinh Thị Thu Vân thành danh từ thập niên 80, từng nhiều năm là Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Long An. Thơ được nhiều nhà phê bình đánh giá cao.
Cô có rất nhiều thơ được chọn in trên báo, tạp chí, tuyển tập thơ và thơ in chung nhiều tác giả. Nhưng tập thơ riêng hầu như chỉ có ba, cách nhau đến hai mươi, mười năm.
Hình tượng thơ là cái tôi trữ tình, tình yêu từ một phía, sự khát khao nhiệt thành đến tận hết. Thơ Thu Vân mang tính tự sự, thơ tâm trạng, các biện pháp nghệ thuật như điệp từ, điệp ngữ tiếp sức cho tâm trạng, ngôn từ giản dị sử dụng tinh tế hiển hiện cho tâm trạng. Tâm trạng cô và tâm trạng độc giả. Thơ cô khiến nhiều người khóc, như anh Trần Mạnh Hảo nói, “ ... biết cách trốn vào hồn người đọc...”. Trong một bài viết in trong tập thơ 51 bài của cô, “đừng trôi nữa tình yêu trôi phận cỏ” (2015), tôi ghi: “... Thơ viết về tình yêu, và tình yêu đau khổ, đau khổ đến tột cùng, với năm mươi mốt lần trăn trở, năm mươi một giọt ngọc lệ, tiếng nghẹn đớn đau, mà mỗi người đọc có thể cảm nhận được theo cách của mình. Thơ của cô làm đau xé lòng phụ nữ, giẫm nát tan trái tim cứng rắn của đàn ông…”. Chuỗi thơ tham gia sách cũng thế.
Nguyễn Thị Ánh Huỳnh, sống ở Sài Gòn, gốc Cần Đước – Long An. Trong số những tập thơ cô in, có một tập thơ, bài thơ “Đừng múc cạn nỗi buồn” rất nhiều người biết tới bởi hình tượng nghệ thuật rất độc đáo, bài có trong sách và nhiều bài thơ nữa được đưa vào như: “Bắt thang lên Đà Lạt”, “Lạc”, “Khai thật đi anh”, “Yêu theo cát bụi”, “Hồi âm”, “Sao Hôm sao Mai”, “Cái đẹp”, “Chiều nhạt”, “Buổi chiều không có hôm qua”. Thơ của Huỳnh phải nói là bài nào cũng xuất sắc, hay ở tứ thơ, ngôn ngữ, cảm xúc, sự dịch chuyển ý, liên tưởng bất ngờ bật ra. Thơ cô như có chút triết lý, nhưng không phải triết lý của cao nhân mà là triết lý từ cảm xúc người làm thơ. Thơ hồn hậu mà mau lẹ như giông gió tới, khiến người đọc phải trăn trở, suy nghĩ. Cô như cô gái nhỏ chạy ngoằn ngoèo trên con đường cảm xúc.
Lê Thanh My, khi tham gia vào sách cô không ghi nhiều về mình chỉ nói sống ở Sài Gòn. Nhưng theo tôi biết, cô từng tốt nghiệp Ngữ Văn Đại học KHXH & NV, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Châu Đốc, Tổng biên tập Tạp Chí Thất Sơn. Có 9 – 10 tập thơ xuất bản, có cả Trường ca và được trao tặng những giải thưởng về thơ.
Thơ cô tham gia gồm những bài như “Một ngày đông”, “Xa vắng”, “Nhớ”, “Hỏi thăm”, “Đêm say”, “Tàn phai”, “Khóa trái”, “Khóe mắt”, “Trinh nữ”.
Thơ của My không có nhiều vần điệu, ngôn từ ít trau chuốt, là những tự sự, độc thoại, thơ mộc mạc nhưng tinh tế, tứ thơ phát triển khá đặc sắc.
Ví dụ như ở bài “Nhớ”, mấy dòng thơ cuối cô viết:
“...
ngày xa
tháng xa
năm xa
chẳn và lẻ xếp hàng trong chăn gối
em sờ quanh
chín mươi triệu thiên hà miền nào cũng lạ
con kiến bò
loanh quanh không đường về
Ừ, có lẽ điên vì nhớ!” (Thơ LTM)
Lê Tuân, nhà thơ sinh ở Nha Trang, hiện sống ở Sài Gòn, đã xuất bản bốn tập thơ. Tập “Nghi lễ của ánh tháng” (2007) được trao giải thơ dấy lên những tán thưởng và phản đối. Riêng tôi, tôi cho rằng thơ của Lê Tuân có trường suy tưởng đa chiều, đa tầng, chỗ khuất của tâm hồn uẩn khúc đúng sai, trắc ẩn thiện lương. Trong thơ quyện quá khứ với hiện tại, giữa mộng mị với thực tại, giữa vô hạn và hữu hạn, giữa truyền thống với hiện đại, giữa điều cũ với điểm mới đột phá, giữa cõi riêng và tha nhân. Thơ chịu một chút tác động của tam giáo đồng nguyên và cũng mang một chút triết lý của riêng anh.
Lê Tuân tham gia sách với những bài mới nhất: “Nào có mang được về đâu”, “Nhỏ hơn bình thật chút thôi”, “Thi hài nào không lạnh”, “Người thông thái nhất đứng ngoài thông thái”, “Những có cũng từng chưa có”, “Hay mình còn bị thương”, “Đi đâu và để làm gì”, “Tôi còn nhiều cuộc đời”.
Thơ của anh cần đọc chậm để khám phá, chiêm nghiệm, tôi có viết một bài: “Chỗ khuất của Lê Tuân”, để ở phần “Cảm luận” trong sách.
Dung Thị Vân sống ở Sài Gòn, đã xuất bản chừng 10 tập thơ. Thơ của cô được đông đảo độc giả ái mộ.
Thơ cô tham gia vào sách chính là viết về tình yêu, những hệ lụy, khổ đau... Tôi tạm gọi chúng là những “đoản thơ”, thường là bốn dòng, có khi khá ít chữ, những đoản thơ hợp lại thành bài thơ. Như bài “Không nghĩ ra”, “Xác bay từ phía trời muôn cũ”, “Kiếp thời gian”, “Mùa đi”, “Ô hay sở trọc”, “Gọi liêu trai” và nhiều “Đoạn rời”... Những đoản thơ rời là thể nghiệm, thách đố cảm xúc, suy tưởng trong thơ, có lúc độc thoại, khi thì trách cứ “anh Bội, chàng Bạc”... lối viết này khá mới. Tôi cũng thấy một số từ lạ, chưa có trong từ điển xuất hiện. Có thể nói, cô là một người làm thơ có nghề.
Nguyễn Thị Liên Tâm, từng là Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Thuận, có 10 tác phẩm chính đã in.
Cô tham gia sách về thơ gồm: “Bậu cửa và bóng đêm”, “Đợi”, “Những buổi chiều rất muộn ở biển”, “Rừng gọi thơm tho”, “Diệp lạc”, “Tay thơm chạm cúc chiều trở gió”, “Đợi thuyền”, “Thì trăng cũng đã chìm đáy giếng”, “Giấc mơ Bạch nguyệt hồ”, “Những giấc mơ trong rừng”, “Trèo lên đồi Golgotha và hát”,...
Tuy là một người quản lý giáo dục, mô phạm, nhưng Tâm nặng nợ văn chương, đậm duyên với thơ.
Thơ tình Liên Tâm nhiều cảm xúc, đa điều suy ngẫm. Thơ cũng buồn, nhưng là buồn tỉnh của trí tuệ và bản lĩnh. Chùm thơ tham gia sách gần với thiên nhiên, trăng, rừng biển, đồi hồ, diệp lạc, thủy tiên, cúc, cô hòa quyện. Chúng như khí linh, có linh hồn, có tình cảm biết tâm sự, hoa lá cỏ cây tâm sự cùng một Tâm liên, Tâm sen thanh khiết, nhạy cảm.
Ngọc Yến, tên đầy đủ là Huỳnh Thị Ngọc Yến là phát thanh viên, biên tập viên, nhà báo nhà thơ ở Bạc Liêu có 3 tập thơ được in, rất nhiều thơ in chung với tác giả khác, khoảng 150 bài thơ được phổ thành ca khúc.
Thơ cô tham gia vào sách với những bài như “Trăng”, “Trái tim cạn kiệt vui buồn”, “Bắt đền ai bây giờ”, “Hai đứa mình”, “Mặt nạ cười”, “Nhánh bần tuổi thơ”, “Giá như anh biết...”, “Và cứ thế, chúng ta thành kỷ niệm”, “Lửa”.
Thơ của Ngọc Yến da diết nỗi buồn, nhưng không đến mức quá sầu não, tâm an nhiên, như chấp nhận thực tại, như tự gánh niềm đau, những xót xa. Tất cả chỉ là kỷ niệm. Ngọc Yến, cô gái hồn hậu vùng đồng bằng, tình yêu “lênh đênh” thả nổi trên sông nước, tâm hồn lãng tử, phiêu bạt như khách thương hồ, lại đố anh một câu thách khó, vào rừng tìm được “hương trầm” cho em.
Trần Thị Ngọc Hồng, dạy học, viết báo, làm thơ ở Châu Thành, Tiền Giang. Có rất nhiều sáng tác in trên báo nhiều năm. Tác phẩm đã in: “Thơ tình ai đọc tháng giêng” (2006).
Tham gia sách với những bài như “Thu”, “Lục bát”, “Điều em có thể lý giải được”, “Ngẫu hứng đêm”, “Người đàn bà cũ”, “Thiên di”, “Tranh”, “Hai lối”, “Tín vật”, “Đợi”, “Một phút tâm tình người đi lau chữ”, “Điệu khúc chuồn chuồn”... Trong số đó có khá nhiều bài thơ ngắn.
Thơ của Ngọc Hồng thổn thức, trắc ẩn mà dìu dịu, đằm thắm. Cái tôi nghệ thuật gắn liền với tiếng thời gian, những thay đổi đời người. Gần đây tứ thơ của cô có chút chuyển đổi, uyển chuyển hơn, mới hơn, từ ngữ sử dụng đắt hơn, hay hơn. Hình như cô đang cố gắng thay đổi thơ, làm mới. Mới trong thi ca và đời người.
Võ Miên Trường, quê quán ở Xuân Lộc, Đồng Nai, đã xuất bản 3 tập thơ.
Cô tham gia vào sách gồm những bài thơ: “Dại thừa là em”, “Tự nhiên buồn”, “Đi qua mùa thiếu nữ”, “Chạm ký ức đêm”, “Chúa nghiêng đời quen lạ”, “Phiên chợ đời”, “Dạ khúc Serenade... khúc Serenade... gọi...”, “Hoàng hôn em”, “Dạ khúc mùa”.
Thơ cô trầm buồn đời người, sâu thẳm nhưng nhẹ nhàng.
Một số bài thơ sáu tám phá cách xẻ dòng, thơ tám chữ cũng xẻ dòng, thể hiện viết có nghề theo phong cách riêng. Ví dụ như ở bài “Tự nhiên buồn”:
“Tự nhiên
buồn
trổ nhánh xanh
Buồn
giăng sợi nhớ
nghiêng thành quách em
...
Tự nhiên
một chút buồn qua
Tự nhiên
buồn
trổ nhánh hoa thơm đời... ”(Thơ VMT).
Trên là những nhà thơ có tiếng tăm, thơ của họ bay xa cả nước, hoặc chí ít được nhiều người ở địa phương nào đó, hoặc trên không gian mạng đọc, mến mộ, biết đến. Tôi lại tiếp tục giới thiệu những cây bút thơ tham gia sách.
Đó là Trần Bạch Diệp, Trần Hạ Vi, Hoàn Nguyễn, Nguyễn Thị Kim Lan, tôi gọi họ là những kỳ nữ trong làng thơ tương lai, hoặc chí ít là kỳ nữ trong tập sách này, thơ của họ có khả năng bay xa. Bởi cảm xúc họ tuôn trào dạt dào, là hơi thở, khát khao, là thực tại, là nhịp đập trái tim, nhịp sống thời đại. Mỗi người đều diễn đạt thơ theo cách rất riêng.
Trần Bạch Diệp, sống ở Huế, đã in đôi, ba tập thơ, cô vừa in một tập thơ mới, “Mùa Bạch Diệp” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2020). Và Nguyễn Khắc Thạch đã nói: “...Thơ của Diệp là mô típ đàn hồi, biểu hiện. Là tồn tại mà không cần hiện diện... Thơ của Diệp là tâm, dòng chảy vô ngôn”. Theo tôi, thơ của Diệp cảm xúc đong đầy, tươi mới, trong trẻo dù là bộc bạch buồn. Cô tâm sự: “ Viết... Để được khóc thành tiếng, để được nói lời yêu thương giữa tuyệt vọng, được tự do dưới mặt trời không cần che kín mặt, để yêu thương hơn những niềm vui và nỗi đau, để có thể đẩy hòn đá ngược dốc từng ngày...” (TBD).
Cô tham gia sách với những bài như: “Đừng nói gì nữa cả”, “Trên bệ cửa mùa đông”, “Mùa hè Georgelthal”, “Tiếng gọi”, “Bốn mươi độ chú giải”...
Trần Hạ Vi, sinh ở An Giang, là Tiến sĩ Kinh tế, giảng viên Đại học ở Canada. Cô cũng đã có hai tập thơ. Tập vừa mới in là: “Vi” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2020).
Thơ cô tham gia sách gồm những bài như: “Căn phòng bí mật”, “9”, “Chiếc giày đi lạc”, “Bản tin buổi sáng”, “Chúng mình ngừng lại được rồi anh”...
Bạn thử đọc một bài thơ của cô:
“Người mê kiến vàng
Anh chê thơ em không nhịp điệu
rời rạc
bản thảo dở dang
thô sơ hoang đàng
dọc ngang không thanh tú
Anh chỉ thích con kiến vàng
em vô tình
mượn được
Anh thích say tình say vận nước
mê muội khái niệm 'thơ'
mắt ráo hoảnh lơ mơ
vừa gặp em là chạy
Em yếu nhất môn anh dạy
Anh yếu nhất môn em dạy
Chúng ta gặp nhau ngày giả chết
Cuối cùng
lết bánh còn vương?”. (Thơ Trần Hạ Vi)
Hoàn Nguyễn, sống ở Ninh Bình, tác phẩm đã in: “Cưới thơ” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn). Có khá nhiều bài thơ được phổ nhạc.
Thơ tình của Hoàn Nguyễn là nỗi niềm cô đơn, đau đáu đợi chờ, khát khao và khát khao. Nhiều lúc thật dữ dội như muốn phá vỡ hết phép tắc. Thử đọc một trong những bài tham gia:
“Đêm dậy thì bật cửa
Đêm nay
thắp lửa bằng bài thơ cũ
đau tràn nước mắt
em thầm nhắc
về bên em đi anh?
khóa trận bút
sạch mùi hương
nếm ngụm ngọt mưa mùa
Về đi anh
quay bánh xe chở em về miền nhớ
chùng chình thở cho em dụi vào ngực anh
ấm
nghe nhịp yêu hối giục
Về đi anh
bùa em
mơn mơn cánh môi hừng hực
mùa ngây ngây sốt bồng bênh
mặc
chát chát tom tom hồng hồng tuyết tuyết
nguyệt cầm...
Về đi anh
nắng đã nảy mầm quả mùa chín nức
thơ lồng tồng bật cúc
dung dăng chờ ấp liền đôi
hiền ngoan mắt hát môi cười
đêm dậy thì bật cửa
lạt buộc chặt câu thơ
ầu ơ ...
chậm lỡ giấc mơ em tan vỡ
Về đi anh
em đợi
đêm hoang rũ tự tình nức nở...” (Thơ Hoàn Nguyễn)
Nguyễn Thị Kim Lan, tốt nghiệp Ngữ Văn ĐHSH, hiện sống ở Hải Phòng.
Thơ của Kim Lan khá độc, lạ ở câu từ, cô sáng chế chữ nghĩa làm phương tiện chuyên chở cảm xúc, không phải từ sai, không nghĩa, từ vẫn được xây dựng theo qui luật phát triển tiếng Việt, nhưng mới quá, chưa có trong tự điển, người đọc nhiều khi nhíu mày, nhăn mặt bươn theo. Dẫu bươn không kịp vẫn có cái cảm giác thích thú âm thanh của con chữ.
Thử đọc một trong số bài cô tham gia sách:
“Mùa sa đón
giấu buông theo thở một dài
huyền đong ánh nét đưa ngài đồng hoa
thoảng làn thoang gót hương qua
bích tuôn vóc ngọc mùa sa đón huỳnh
xui ai xô cớ dạt tình
lả la khói ngọn lam đình nắng lơi
ruổi ruôi nòn nõn phủ phơi
ríu ran níu nựng lá ngơi gió điềm
bóng non ngây lậm bóng thềm
hằng cao rớt rượi ánh mềm mại mê.” (Thơ Nguyễn Thị Kim Lan)
Trong số những cây bút thơ, còn có TT- Thanh Trước, nickname Facebook là Titi Dang, sống ở Đức, cô có 4 tập thơ in ở Việt Nam và Mỹ.
Tuy không gian sống không có điều kiện dùng nhiều tiếng mẹ đẻ. Nhưng cô rất cố gắng, có những bài thơ da diết nhớ xưa, hoài Việt. Nghệ thuật tu từ cô thường sử dụng là phép lặp, dùng điệp từ và ngữ để biểu đạt, nhấn và nâng cao cảm xúc. Trong thơ cô dùng từ ngữ thường thường, không hoa mỹ, nhưng được chọn lọc và đặt đúng chỗ trong thơ trở nên tinh tế, hiệu quả. Cô tham gia sách với những bài như: “Chạm”, “Hồ như...”, “Tiễn hạ”, “Hư không”, “Vết xưa”, “ Về”, “Vết thời gian”, “Về nghe” ...
Ngoài ra còn có hai cây bút, phảng phất âm hưởng xưa xưa, truyền thống: Châu Ly và Hồ Trung Chính.
Châu Ly sống ở An Khê, Gia Lai, dù làm thơ khi còn rất trẻ, nhưng cô chỉ in thơ chung với nhiều tác giả.
Thơ Châu Ly trăn trở và thường viết về người, về đời. Thơ xuất phát từ cái tâm nên dễ làm người đọc đồng cảm, xúc động. Cô tham gia sách với những bài thơ như: “Hắt hiu bốn mùa”, “Phôi pha”, “Nằm giữa hai đèo nhớ phố”, “Mùa đông của em”, “Chuyện đôi bàn chân”, “Một chuyến xe đêm”, “Nhớ Trưng Vương”... Bạn thử đọc một trong những bài thơ của cô:
“Ngày của phố mù sương
Tôi ngồi xuống một mình nơi góc phố
Ngày mù sương phố núi cũng mờ sương
Anh ngồi đó lặng thầm bên nạng gỗ
Thoáng xa xăm ánh mắt cũng chợt buồn.
Tôi rất sợ chạm tay vào quá khứ
Chạm vết buồn rỉ máu mấy mươi năm
Ngàn nhức buốt cuộc tồn vong, sinh tử
Làm chứng nhân cho thế hệ sai lầm.
Ai chiến thắng và ai người chiến bại?
Ai bên này, ai ở phía bên kia?
- Khi ngã xuống là muôn vàn tê tái
Là đau thương bao phủ phút chia lìa!
Đôi nạng gỗ theo anh thành máu thịt
Chảy về tim bao uất nghẹn can trường
Ai thắp nến vọng hồn linh tổ quốc?
Anh thân tàn gõ nhịp khóc quê hương...!
Tôi đứng dậy, hồn chùng con sóng vỗ
Phố thênh thang, nên phố cũng chợt buồn
Ngọn nến tắt giữa ngày đầy bão tố
Ơi! Phố thật buồn, phố núi mù sương...! (Thơ Châu Ly)
Hồ Trung Chính, quê quán ở Sóc Trăng, làm thơ, viết báo, kịch bản sân khấu từ những năm 70. Tác phẩm đã in: “Thơ trong ngăn kéo” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2020) và nhiều thơ in chung.
Anh tham gia sách với Chùm thơ ngũ ngôn, Tản mạn lục bát tôi, Những ý niệm rời rạc và một số bài thơ như “Tương tự chiều”, “Thôi thế ngày trôi như sóng”, “Về”, “Chảy theo dòng đời”.
Thử đọc một trong những bài của anh:
“Tương tự chiều
May là
đời có em đây
Cho tôi yêu
hết ngày đầy
tháng vơi
Lỡ mùa
rớt trái mồng tơi
Gieo neo đến cạn một thời hoàng kim
Tiếc con cá lội
lìm kìm
Qua bao con nước
nổi
chìm
mà thương
Cũng đành
cỏ vẫn chờ sương
Vẫn tôi với bóng
buồn
tương tự chiều.
(Thơ Hồ Trung Chính)
/tình ơi, một thuở nào/
(II.1979)
Ngoài ra còn có hai nhà thơ thành danh từ nhiều thập niên trước sống ở nước ngoài tham gia: Hoàng Xuân Sơn và Nguyễn Hàn Chung
Hoàng Xuân Sơn, quê quán Hà Tĩnh, hiện sống ở Canada. Khởi viết 1963. Thơ xuất hiện rất nhiều trên báo và Tạp chí ở Sài Gòn trước 75. Có khoảng 5 – 6 tác phẩm xuất bản trong và ngoài nước.
Anh tham gia với những bài thơ như: “Có nhớ đường xưa về”, “Sông về tới bến”, “Mai sau chẳng có gì nhiều”, “bluetooth. và giấc mơ chàng", "Tin xanh”, “Đất. Biển người. Trăng & Bóng sách", "Khoảng cách lan”...
Thử đọc một trong những bài của anh:
“Tin xanh
những chấm đỏ điểm hồng tâm thân cây
báo tử một đời ruỗng mục
mới ngày nào nuôi liếp xanh
nâng hoa
vỗ um mầm trái
bây giờ vân gỗ hong phơi
người ta sẽ đốn cưa những đời cằn
như người
như ta
rồi cũng tới lúc
rã reng niềm vọng
đi bộ nghe mình
thở theo cây
cảm một chút bình yên còn được thở
như cảm buồng phổi cây tới giờ hấp hối
vẫn còn đó tiếng kèn thúc giục trưa hè
kéo áo sang thu
người nhạc công của thiên nhiên thu nhặt mây chiều
ôi chẳng có phần đời nào vĩnh cửu
như cỏ lấp. mòn lối
hóa vàng những nốt chân tình nhân truy lùng hạnh phúc
nốt đau một lằn vết
những chấm đỏ ngước nhìn tin xanh
như môi son ngóng chờ
nụ hôn lập trình mùa đông tử biệt
hoàng xuân sơn
{12 gìờ trưa ngày 7 tháng 8
năm 2020
tiếp tục bộ hành}”.
Nguyễn Hàn Chung, quê quán Điện Bàn, Quảng Nam, hiện sống ở Mỹ. Viết văn làm thơ từ năm 1967. Tác phẩm đã in trong và ngoài nước: 6
Thơ tham gia sách gồm: “ Đêm vỡ”, “Sự hấp dẫn của đàn bà và thơ”, “Tiếng gọi”, “Nín im”, “Chiều Florida”, “Tôi nói điều này”, “Cai đi”, “Trò chuyện với bàn tay”, “Đơn giản nhất”, “Tôi gọi đó là thơ”, “Chỉ mong”.
Thử đọc một trong số những bài của anh:
"Sự hấp dẫn của đàn bà và thơ
Sự hấp dẫn của đàn bà trước tiên là nhan sắc
chứ không phải đức hạnh
Sự hấp dẫn tiếp theo của đàn bà là tài hoa
chứ không phải riêng nhan sắc
Sự hấp dẫn làm nên chất của đàn bà là đức hạnh
chứ không phải chỉ nhan sắc và tài hoa
Nhưng cái hấp dẫn nhất của đàn bà
không phải cả ba điều trên mà là sự rung động
bí ẩn của đối tượng trước người đàn bà đó
Điều ấy có đúng với thơ không?".
(Thơ Nguyễn Hàn Chung)
Tham gia trong tập sách có 4 người học vị Tiến sĩ, 2 trong nước và 2 ngoài nước. Hai Tiến sĩ Ngữ Văn trong nước là Hoàng Kim Oanh và Nguyễn Thị Liên Tâm.
Hoàng Kim Oanh, giảng viên đại học Sài Gòn, làm thơ, viết văn, nghiên cứu văn học.
Kim Oanh tham gia sách với 4 bài thơ: “Không đề (1), (2)”, “Sài Gòn đêm nay không có mưa sao băng”, “Mật ngữ đêm” và tản văn “Chiều Kiên Giang nghe Hành phương Nam”.
Thơ và văn Kim Oanh cảm xúc lắng, kiến thức sâu, thắm thiết tình cảm người và đất, đất Sài Gòn và đất miền Tây. Tản văn mô tả khí chất nhân vật thẳng thắn, chân chất, chân chính, nét chung của nhiều người miền Nam, ngôn ngữ đầy ắp văn hóa vùng miền.
Nếu như khá nhiều cây bút có phần phóng khoáng, buông xả cảm xúc qua trang viết thì phần lớn cây bút có gốc dạy học thường tỉnh hơn, trôi theo cảm xúc là chiều sâu trí tuệ. Điều này thể hiện khá rõ ở Kim Oanh. Âu cũng là điều hay, cho sự cân bằng của một cuốn sách.
Phần bài của người viết văn xuôi dài gấp đôi người làm thơ. Người tham gia phần này dự kiến lúc đầu rất nhiều, nhưng để tránh sách quá dày, tôi đành chỉ đưa một ít người vào, mỗi người chừng 2 – 5 bài, đủ để thể hiện phong cách viết riêng của cá nhân.
Những người viết chuyên nghiệp ở phần này, được nhiều người biết đến đầu tiên phải kể đến đó là Kim Quyên, Huỳnh Thị Thu Trang, Bình Địa Mộc, Lê Nguyệt,...
Kim Quyên quê quán ở Tiền Giang, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 2000, hiện sống ở Sài Gòn. Đã được trao nhiều giải thưởng văn chương, có trên 40 tác phẩm in chung, tác phẩm chính được in là 10. Hai truyện ngắn Kim Quyên tham gia trong sách là: “Gió đưa...gió đẩy” và “Mùa xuân còn đó”.
Thế mạnh của Kim Quyên là viết truyện, truyện dài và truyện ngắn, ngôn ngữ bình dị, gần gũi, nhiều truyện giọng văn đậm đặc, rặt Nam. Nhân vật truyện đặc biệt, đối thoại khá duyên dáng. Hai truyện tham gia sách, theo tôi đều hay. Để mọi người tự đọc, thưởng thức.
Huỳnh Thị Thu Trang, trước dạy tiếng Anh, là dịch giả, nhà báo, nhà văn ở thành phố Mỹ Tho. Là Hội viên Hội Nhà báo và Hội Nhà văn Việt Nam. Từng là Phó Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật và là Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Tiền Giang.
Thu Trang tham gia sách với tản văn “Chái bếp của bà” và hai truyện ngắn: “Một góc quê nhà” và “Hồn đá”.
Thu Trang là một cây bút có nghề. Những truyện ngắn của cô người đọc thường thấy từ hay đến rất hay. Để mọi người tự đọc, cảm nhận.
Bình Địa Mộc tên thật là Đỗ Thanh Toàn, quê quán ở Quảng Nam, Hội viên Hội Nhà văn ở Sài Gòn. Anh làm thơ và có thể viết nhiều thể loại sáng tác. Nhưng sở trường của anh được nhiều người biết đến là viết truyện cực ngắn.
Bình Địa Mộc tham gia sách với 9 truyện cực ngắn: “Trăn trối”, “Phụ hồ”, “Chống gian lận dịch vụ”, “Đẻ ngược”, “Hối hận”, “Không khói mà cay”, “Điểm G”, “Nhà mới”, “Bò lạc” và 1 truyện ngắn: “Thằng bé đánh giày”.
Truyện cực ngắn mang tính hiện thực, phản ánh thực trạng xã hội, truyện sáng, thể hiện những trăn trở, không đến mức bôi đen. Truyện ngắn “Thằng bé đánh giày” sâu sắc, tác giả đầu tư nhiều khi xây dựng truyện.
Lê Nguyệt, sống ở Mõ Cày, Bến Tre, giáo viên hưu. Đã có 5 tác phẩm xuất bản, 1 tập truyện ngắn và 4 tiểu thuyết. Có những truyện chuyển thành nhiều tập phim truyền hình Sitcom như “Hai lúa”, “Con ông Hai lúa”...mà nhiều người biết.
Lê Nguyệt tham gia sách với 2 truyện vừa: “Trên cả tình yêu” và “Máu đào”.
Nhìn chung cấu trúc cả hai truyện hợp lý, người đọc dễ theo dõi diễn biến, tiếp nhận. Ngôn ngữ sử dụng đời thường, gần gũi, thu hút. Truyện hướng tới nghĩa tình, đạo lý nên chinh phục được đông đảo người đọc.
Một số tác giả khác tham gia như
Hải Vân, Tiến sĩ Luật Trường Đại học Toulouse Capitol I Pháp, hiện sống ở Mỹ.
Trước kia khi còn ở Việt Nam cô từng dạy ở Trường Đại học Luật ở Sài Gòn, có nhiều bài viết trên tạp chí ngành và báo chí ngoài ngành, cũng có những tạp văn in sách chung với nhiều tác giả như sách “Tạp văn bà ba tím” (Nhà xuất bản Trẻ)...
Hải Vân tham gia sách với 4 tùy bút: “Gót son gót bùn”, “Mưa, mỗi ngày, chiều nay trời khóc”, “Bao giờ trở lại ngôi nhà nhỏ” và “Bình minh nhớ tiếng chim gù”.
Những tùy bút gắn liền với gia đình, tình cảm cha con, một nhoi nhói về tình cảm và cả vấn đề về xã hội. Tiếng gù gù là hình ảnh đẹp, ký ức khó quên.
Phạm Thị Kim Quy, sinh ở Hải Phòng, quê quán ở Đất Đỏ, Bà Rịa – Vũng Tàu, sống ở Sài Gòn. Từng Tốt nghiệp Ngữ Văn ĐHSP, dạy Tiếng Việt, Văn ở Trường PTTH, Đại học và viết văn ở Sài Gòn.
Kim Quy tham gia sách với các tùy bút “Sài Gòn những tiếng rao”, “Hoa cho người sống” và “Nó”.
Tùy bút của cô gắn liền với nơi mình sống, gần với truyện ngắn, nhưng có thể chưa là truyện ngắn. “Hoa cho người sống” là một tùy bút hay về cái nhìn, một cách nhìn. Tùy bút “Nó” ngồn ngộn những diễn biến, chữ nghĩa, dấu hiệu của một cây bút có nội lực. Cái còn lại là điều tiết, xây dựng cấu trúc hợp lý khi viết, để có thể hay, thành công hơn nữa.
Ái Việt, tên đầy đủ là Trần Thị Ái Việt sinh ra và lớn lên ở Cao Lãnh, thích và thường viết từ nhỏ. Cô tự bạch, là “một người luôn tồn tại mảnh ghép đối lập – nồng nàn và lạnh lẽo, mộc mạc và hàn lâm, hiện đại và cổ điển, giản dị và phức tạp”.
Ái Việt tham gia sách với 5 tùy bút: “Tuổi thơ trong ngôi nhà lá”, “Học nhảy cóc & bà cụ non”, “Những “con ma” trong ký ức”, “Xe đạp ơi”, “Cầu khỉ”.
Một chuỗi hồi ký từ thời thơ ấu đến mới lớn gắn liền với gia đình, làng quê, một chút vết tích chiến tranh.
Đinh Lan, tên đầy đủ là Đinh Thị Xuân Lan, sống ở Châu Thành, Bến Tre.
Đinh Lan tham gia sách với tản văn “Ngoại của con” và truyện ngắn “Hồ ly tinh”.
Con đường đến với văn chương của cô là sự nổ lực học hỏi không ngừng. Những đoản thơ như lời tự sự về mình, một tản văn tuôn trào thương yêu tình bà cháu, và một truyện ngắn phóng khoáng với cái nhìn cảm thông đời phụ nữ, suy nghĩ như muốn đào thoát khỏi khuôn phép, mà nào được, vẫn có vẻ trù trừ, khuôn trì phép kéo. Ngôn ngữ đời thường, lôi cuốn, gần với khẩu ngữ.
Dương Diên Hồng, Thạc sĩ văn, giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Tây Ninh. Ngoài dạy học cô thường xuyên làm thơ, viết văn, bình luận văn chương.
Cô tham gia sách với 3 bình luận văn chương: “Ngăn ngắn mà đủ đầy một tấm lòng luôn nguyện cầu liên kỉ” (bình thơ Chu Thụy Nguyên), “Nghĩ về bài thơ “Thưa,cô nương”” (bình thơ Bùi Giáng), “Truyện ma của Nguyễn Đông A”.
Nhờ có kiến thức nền vững chắc, cùng sự phát hiện tinh tế chi tiết, chữ nghĩa trong tác phẩm, bài bình của cô thường thuyết phục được người đọc.
Nguyễn Đông A, người Mỹ gốc Việt. Từng sống ở Long Điền, Bà Rịa, Vũng Tàu, Sài Gòn (Việt Nam) và Oregon, Maryland (Hoa Kỳ). Đã in sách văn, sách ảnh. Kha khá bài viết in báo, tạp chí, trong sách bạn.
Văn chương của Nguyễn Đông A nằm ở phần cuối sách bao gồm 6 tiểu mục, mỗi tiểu mục từ 3 – 5 bài viết tùy theo dài ngắn, riêng tiểu mục đầu 20 đoản văn ngăn ngắn.
- Truyện ngắn
- Hỗn văn: Trôi theo ngày tháng
- Hồi ký: Ký ức thời gian
- Phong luận: Cộng đồng ngôn sự
- Du ký: Nước Mỹ đó đây
- Cảm luận: Văn chương thi ca
(Trích trong tác phẩm “Hòn đá lăn không rêu”, ở phần đầu “Thay lời tựa”)
Gửi ý kiến của bạn