Nhà thơ Du Tử Lê Trả lời Khương:
về câu thơ “Tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng.”
Khương mến,
Khương có biết là chú rất ngần ngại khi đứng trước một câu hỏi của bạn đọc về thơ của mình. Nhưng cô H.T. người phụ trách trang nhà dutule.com nhắc chú nên trả lời Khương. Vì Khương là một người trẻ (chú nghĩ là còn rất trẻ) mà có lòng quan tâm tới thi ca Việt thì, đó là điều rất đáng quý. Do đấy, dưới đây là câu trả lời của chú về câu hỏi “Tôi trăng viễn xứ hồn thanh niên vàng” của Khương.
- Câu thơ này, nằm trong bài thơ “Đêm, nhớ trăng Saigon,” chú viết năm 1978, cách nay 34 năm. Nhưng mãi tới đầu thập niên (19)80 chú mới cho in trên báo, nhân một người bạn lớn tuổi của chú, là cố nhiếp ảnh gia Trần Cao Lĩnh, từ Luân Đôn qua Mỹ, chọn ở lại nhà chú. Chú cho phổ biến với lời đề tặng ông ấy, như một kỷ niệm.
- Một thời gian ngắn sau, cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương vượt biển, thành công, tới Mỹ. Tình cờ ông đọc được và, soạn nó thành ca khúc và, giữ nguyên nhan đề bài thơ.
- Khương đọc lại đi, câu thơ, Khương sẽ thấy tự nó là một mệnh đề độc lập. Nhưng nếu ngắt đôi câu thơ, ta sẽ có hai phân đoạn nhỏ. Đó là: (1) “Tôi trăng viễn xứ” - - Và (2) “hồn thanh niên vàng.”
- Khi viết xuống phân đoạn thứ nhất (1) của câu thơ, chú cố tình đem đến cho người đọc hai Liên -Tưởng (Thought Connection) cùng một lúc, là:
a- “Trăng” (mầu vàng) ở một nơi chốn rất xa với quê hương nguyên gốc của mình.
b- “Tôi” trong câu thơ, giống như vầng trăng vàng vọt nơi xứ người - Nói cách khác, “tôi” đó bị lưu vong. Bị lưu đầy!
- Qua phân đoạn thứ nhì (2), chú vẫn sử dụng kỹ thuật liên-tưởng với 2 gợi ý diễn ra cùng một lúc là:
a- Tâm hồn của người thanh niên vàng vọt (buồn bã) như mầu trăng. (Đồng thời)
b- Tính tự (adj.) “vàng” cũng là màu da hay, nguồn gốc da vàng của người thanh niên kia.
Tóm lại, câu thơ “tôi trăng viễn xứ, hồn thanh niên vàng” của chú là một sâu chuỗi gồm 4 liên-tưởng tương tục.
Tuy nhiên Khương, chú hằng quan niệm, người đọc thơ (như xem một bức tranh,) KHÔNG nhất thiết phải hiểu bức tranh hay bài thơ nói gì… Mà, chỉ cần “nghe” xem mình có cảm xúc gì không với câu thơ (bức tranh) ấy?
Chú thí dụ, đọc một câu thơ, một bài thơ, Khương thấy buồn buồn? Khương thấy bâng khuâng, xa vắng? Hay Khương thấy nó gần gũi với tâm trạng của Khương? Nó đau đớn hoặc lâng lâng một hoài niệm mơ hồ?...
Bất cứ một trạng thái tình cảm nào dấy lên trong tâm hồn Khương lúc đọc thì, đó là tín hiệu cho biết Khương đã nhập một với linh hồn bài thơ / câu thơ rồi đấy, Khương à.
Một lần nữa, chú cảm ơn Khương đã quan tâm tới một câu thơ nhỏ của chú.
.
TB. Sau khi đọc câu trả lời của chú, Khương có còn muốn đọc thêm thơ của chú nữa chăng?
Du Tử Lê,
(Calif. Nov. 2nd. 2012).