Khúc Ca Riêng Của Chàng, Biến Tấu 3.

29 Tháng Sáu 201012:00 SA(Xem: 5947)
Khúc Ca Riêng Của Chàng, Biến Tấu 3.

Yêu Dấu,

Dường như mỗi ngày, nỗi biệt ly, lòng nhớ thương lại mang đến cho tôi một khuôn mặt khác. Biệt ly và lòng nhớ thương, như khí hậu, như thời tiết. Những tháng ngày xa nhau, không chỉ cho tôi khí hậu bốn mùa, vòng quay trái đất. Những giờ phút mất nhau, không chỉ cho tôi đìu hiu nắng gió, mà, Yêu Dấu, dường như biệt ly và, nhớ thương, còn cho tôi một thứ khí hậu, một loại thời tiết chưa từng ; và, sẽ không hề có, nơi hành tinh này.

Yêu Dấu,

Tôi muốn gọi đó là nhan sắc lầm than của vầng trăng tình yêu, cửa khác.

Đĩa nhạc “K. Khúc Của Lê 3” đã mở đầu bằng một lời dẫn như thế. Lần lượt, “Yêu Dấu” sẽ có dịp song hành cùng những “con ve sầu mùa hè”, “cánh bướm cổ tích”, “con ngài tội nghiệp không ngày mai”, “con bò nhai lại quá khứ”, “con chim vỡ ngực không thấy được tim mình”... để đưa người nghe đến với từng ca khúc, như, hơn ba mươi năm trước, “bầy sẻ cũ hom hem” và “con dế buồn, tự tử giữa đêm sương” đã được âm nhạc Từ Công Phụng dẫn dắt từ cõi thơ Du Tử Lê đến với người thưởng ngoạn.

Liên tiếp trong ba năm 2000, 2001, 2002, hai mươi chín ca khúc, trích từ hơn ba trăm ca khúc phổ thơ Du Tử Lê đã lần lượt được giới thiệu trong các đĩa nhạc “K. Khúc Của Lê” 1, 2 ... 3. “Khúc Ca Riêng Của Chàng”, như thế, đã có nhiều người cùng góp tiếng hát, để, từ chốn riêng của Lê, đem trải rộng ra cả cõi nhân gian (ở chỗ có thể cảm thông) này. Vậy trong “K. Khúc Của Lê 3”, niềm riêng nào đã được thi sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ gửi đến chúng ta? Có phải đó là trăng, nhưng không còn là vầng trăng tình yêu, mà chỉ là mảnh trăng xứ lạ, nhẫn nại dõi theo chiếc bóng đơn cuả nhà thơ đằng đẵng suốt ba năm trời, để một đêm vỡ oà, đổ dài trên dòng lục bát :

Đêm về, theo bánh xe lăn,
Tôi-trăng viễn xứ, hồn thanh niên vàng,
Tìm tôi, đèn thắp hai hàng,
Lạc nhau cuối phố, sương quàng cổ cây...

Có phải đó là “mưa Thị Nghè”, “nắng Trương Minh Giảng”, là nỗi nhớ về một không gian xa, xưa, đã được nhạc sĩ Phạm Đình Chương đẩy đến những nốt cao buốt xoáy với “nhớ pho tượng lính buồn se bụi đường”? Ca khúc “Đêm, Nhớ Trăng Sài Gòn”, sáng tác năm 1983, có thể xem là ca khúc được phổ biến rộng rãi nhất kể từ sau năm 1975 của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Các tiếng hát Thái Thanh, Lệ Thu, Ý Lan, Vũ Khanh, Phạm Thành, Lê Hồng Quang... , và ở đây, tiếng tơ vàng Quỳnh Giao, đã ghi khắc những hình ảnh “tôi-xa lộ”, “nhà-Hàng Xanh”, “nghĩa trang-quê hương bạn bè”... đậm dấu trong lòng người thưởng thức.

Dường như, giữa thơ Du Tử Lê và nhạc Phạm Đình Chương đã có một gắn bó định mệnh. Bản nhạc cuối cùng nhạc sĩ Phạm Đình Chương để lại cho đời, “Quê Hương Là Người Đó”, phổ từ một bài thơ cùng tên của Du Tử Lê, và bản nhạc đầu tiên ông sáng tác sau khi định cư ở Hoa Kỳ, năm 1982, có tên “Khi Tôi Chết, Hãy Đem Tôi Ra Biển”, cũng phổ từ một bài thơ cùng tên của thi sĩ họ Lê, viết trước đó bốn năm. Nhạc điệu chậm buồn, đều đặn tuôn chảy theo những câu thơ tám chữ, tựa một tiếng thở dài não nuột:

Khi tôi chết, hãy đem tôi ra biển,
Đời lưu vong không cả một ngôi mồ,
Vùi đất lạ, thịt xương không tan biến,
Hồn không đi, sao trở lại quê nhà?

Quê-nhà ở đâu? Bên kia biển, bên kia trời là quê hương tôi đó! Người làm thơ, người đặt nhạc, trong những ngày đầu ngơ ngác nơi xứ lạ, có chung một niềm đau, một nỗi nhớ. Và biển, biên giới mênh mông, cắt đứt đường bay của chim, cũng là lối thoát, để hồn theo xác lênh đênh tìm về đất mẹ. Trong đĩa nhạc “K. Khúc Của Lê 3”, tiếng hát ray rứt, đôi chỗ nghẹn ngào của Anh Khoa ở đoạn chuyển nhạc cuối bài như tan nhoà vào tiếng sóng, lịm tắt trong lòng biển thẳm:

Khi tôi chết, nỗi buồn kia cũng hết,
Đời lưu vong tận tuyệt với hồn tôi...

Ở “Người Về Như Bụi”, phổ từ “Một Bài Thơ Nhỏ”, là tâm cảnh khác, giữa một thời gian khác. Sáng tác tại Sài Gòn, bài thơ được đăng trên báo Văn năm 1967, được nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo phổ nhạc năm 1969, nhưng mãi mười lăm năm sau mới được thu âm tại Hoa Kỳ và được giới thiệu trong album “Tịnh Tâm Khúc”. Cùng với các tiếng hát Hải Lý, Khánh Ly, Thái Hiền, Mai Hương trong album này, trên nền nhạc khúc khi chậm rền lúc thánh thót, giọng nữ cao trong suốt của Kim Tước đã phác hoạ lại một chân dung, Huyền Châu, mà trước đó đã thấp thoáng ẩn hiện trong “Trên Ngọn Tình Sầu”:

Người về, sương động chập chùng,
Tả tơi phấn hương,
Người về trong gương
Thấy mình mất tích,
Người về, tang thương...

Cũng tại Sài Gòn, để đánh dấu một mối tình, hai bài thơ “Như Xa Miền Yên Vui” và “Khi Tưởng Tới Người Vắng Mặt” lần lượt được nhà thơ Du Tử Lê sáng tác trong hai năm 1972, 1973 và được hai nhạc sĩ Phạm Duy, Trần Duy Đức phổ nhạc ngay khi ấy. Sau đó ít lâu, “Như Xa Miền Yên Vui” được Duy Quang thu âm vào băng nhựa, như đã từng thu âm hai tình khúc “Kiếp Sau, Xin Giữ Lại Đời Cho Nhau” và “Tình Sầu” (đều cùng thơ Du Tử Lê, nhạc Phạm Duy). Nhạc phẩm “Khi Tưởng Tới Người Vắng Mặt” không được cái may mắn đó. Hơn mười năm sau khi ra đời, 1985, lần đầu tiên bài hát được thu âm qua tiếng hát Hải Lý trong băng nhựa cùng tên, do nhà thơ Nguyên Sa phát hành. Bốn năm sau, 1989, đến lượt Khánh Ly. Với đĩa nhạc “K. Khúc Của Lê 3”, những rung động từ hai ca khúc trên, qua các giọng nam trung trữ tình đầu thế kỷ hai mươi mốt của Đinh Ngọc và Trần Thái Hoà, vẫn giữ nguyên vẻ tươi mới. Hãy nghe Đinh Ngọc nhắc:

Hỡi Nhỏ rất buồn, buồn như con sông,
Buồn như chiếc lá những đêm mưa sầu,
Buồn như cái kiến, buồn như bướm,
Bướm ốm o, và Nhỏ cũng ốm o...

Hãy nghe Trần Thái Hòa than thở:

Rồi em bỏ tôi đi
Trong một buổi sáng Sài Gòn đầy lá
Hay em bỏ tôi đi

Trong một buổi chiều nắng ăn lốm đốm da em...

Để nhớ về một mối tình thơ dại, một khuôn dáng thân yêu giữa phố xá Sài Gòn, ngày ấy, hay có khi, quá khứ, chỉ là mới hôm qua...

Từ ca khúc “Khi Tưởng Tới Người Vắng Mặt”, tình bạn bền đậm của người thơ và người nhạc đã tìm được khởi điểm để đâm rễ, nảy chồi, kết quả. Giữa những hoa trái tươi đẹp của cây đời ấy, phải kể đến đĩa nhạc “Em Hiểu Vì Đâu Chim Gọi Nhau” (1989) gồm mười ca khúc Trần Duy Đức phổ từ thơ Du Tử Lê và được trình bày qua các giọng hát nổi tiếng: Khánh Ly, Lệ Thu, Lê Uyên, Anh Ngọc, Tuấn Ngọc, cùng với phần hoà âm của nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng. Ngoài ca khúc “Khi Tưởng Tới Người Vắng Mặt” đã nói đến, “K. Khúc Của Lê 3” cũng giới thiệu lại hai nhạc phẩm “Em Hiểu Vì Đâu Chim Gọi Nhau” và “Nhớ Lại Trong Đêm Nay” trong đĩa nhạc đầu tay này của nhạc sĩ Trần Duy Đức. Trong bài thơ “Ở Chỗ Nhân Gian Không Thể Hiểu”, khi nhắc về một cuộc tình nhiều trắc trở, lắm dị nghị, Du Tử Lê đã viết :

Ở chỗ nhân gian không thể hiểu,
Em còn nắng gió tới mai sau?
Thấy nhau mà lệ không sao chảy,
Riêng máu còn sôi phút nghẹn ngào...

Khi soạn thành tình khúc “Em Hiểu Vì Đâu Chim Gọi Nhau”, nhạc sĩ Trần Duy Đức đã để giọng ca tráng kiện của Anh Ngọc thay lời nhà thơ, cất tiếng khẳng định ở phần kết:

Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
Tôi với Người chung một trái tim.

“Nhớ Lại Trong Đêm Nay”, 1979, là một trong những bài thơ đầu tiên của Du Tử Lê viết trên xứ người, sau này được in lại trong tập “Thơ Tình / Love Poems” (1985). Nhịp luân vũ trong ca khúc cùng tên đã hôn phối trọn vẹn với bài thơ năm chữ đoạn vui đoạn buồn của dòng phim hồi ức:

Nhớ lại trong đêm nay
Từ ngôi trường thơ ấu
Nhớ mặt từng ông thầy
Nhớ chỗ ngồi cuối lớp...
...

Nhớ lại trong đêm nay
Nửa đời qua thoáng chốc
Bạn bè như lá cây
Rụng giữa mùa rất biếc...

Đong đưa theo nhịp Í, ở cuối bài, chất giọng khàn nhưng chắc nịch của Lê Uyên vụt dướn cao, mãnh liệt đầy cảm xúc:

Nhớ lại trong đêm nay
Cả trăm điều muốn khóc,
Còn ta trong Việt Nam,
Tiếc gì dòng máu cuối...

Lại cũng là một lời khẳng định: dù sống chết tha phương ở đâu đi chăng nữa, thì trong tâm, thân, quê hương, nguồn cội vẫn mãi mãi còn đó, Việt Nam. Bài hát thứ tư và thứ chín trong đĩa nhạc “K. Khúc Của Lê 3” là hai tình khúc tương phản. Nếu xem “Thu Hồng” như một ngày nắng hanh lãng đãng thì phải gọi “Hạt Mưa Bay

Cuối Đời” là một đêm mưa giông nặng hạt, hai mặt sấp ngửa, trắng-đen của cùng một thứ cảm xúc: tình yêu đôi lứa.

Dựa theo ý thơ “Bài Thu Hồng Tháng Tám”, nhạc sĩ Phan Nguyên Anh đã dùng nhịp luân vũ chậm, boston, nhịp điệu của những tình nhân, để phổ thành ca khúc “Thu Hồng”, và tiếng hát nũng nịu, trong sáng trẻ thơ của Diễm Liên đã thả từng sợi tơ nhạc vào giữa trời thu bát ngát:

Và tháng Tám, dòng sông về rất lạ,
Mùa Thu-tôi, em thả tóc đi qua,
Rụng xuống mãi để lòng tôi u buồn,
Chiều quê người, từng phiến lá thiết tha...

Ở “Thu Hồng” là những câu nhạc mênh mang, với các nốt cuối câu níu dài, mở rộng. Ở “Hạt Mưa Bay Cuối Đời”, ngược lại, là từng ngắt đoạn ba chữ, với hai nốt nối tiếp cùng cao độ, tạo khắc khoải, hoang mang, thống hối. Trích từ đĩa nhạc “Dù Nghìn Năm Qua Đi” (2000) gồm mười tình khúc Đăng Khánh, tiếng hát Tuấn Ngọc và hoà âm Duy Cường, ca khúc đầy kịch tính “Hạt Mưa Bay Cuối Đời” kết hợp thành công nhạc điệu, âm thanh và tiếng hát để kể cho người nghe về một mối tình tuyệt vời nhưng tuyệt vọng:

Này em ơi! Người yêu ơi!
Từ trong tôi, thịt da tôi,
Hạt mưa bay cuối đời.
Và mai sau, nụ hôn xưa, son chưa bạc màu,
Nhớ nhau, đêm không qua mau...

Khi kể đến những nhạc sĩ có nhiều gắn bó với thơ Du Tử Lê, như Từ Công Phụng, Phạm Đình Chương, Trần Duy Đức... , người ta sẽ nhắc thêm tên Đăng Khánh. Thật vậy, ngoài “Hạt Mưa Bay Cuối Đời”, trong đĩa nhạc đầu tay “Em Ngủ Trong Một Mùa Đông” (1994), nhạc sĩ Đăng Khánh cũng đã giới thiệu đến người yêu nhạc hai ca khúc trữ tình, phổ từ thơ Du Tử Lê: “K. Khúc Của Lê” và “Em Ngủ Trong Một Mùa Đông” qua các tiếng hát Tuấn Ngọc, Ý Lan và Vũ Khanh. Sau tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương, năm 2001, nhà thơ Du Tử Lê ra mắt tập thơ “Vì Em, Tôi Đã Làm Sa Di”, đánh dấu một khuynh hướng sáng tác khác: tình yêu tôn giáo. Nhưng, điểm đặc biệt trong thơ của ông là không có sự phân biệt rạch ròi, mà những thứ tình yêu kia tan lẫn vào nhau, cộng sinh để cùng cộng hưởng, tạo rung động cao độ.

Bài thơ tám chữ sáu đoạn “Người Nhón Gót: Thả Vầng Trăng Thứ Nhất” sáng tác tại Úc năm 2000 có những câu:

Chào Quán Thế (riêng tôi)! - Rừng chánh niệm
Cây từ bi từng ngọn. Lá trăm năm
Người nhón gót: cúi nhìn nhân thế, gió
Thấy tôi không? - Tội nghiệp một linh hồn?

Ở đoạn đầu, từ những câu thơ bị chẻ đôi bởi các hình ảnh hoặc ý tương phản:

Chào tinh khiết! // -Giữa chiều/ tôi/ xế bóng
Như tấm lòng thao thiết // cũng gieo neo.
Người nhón gót: // nghe mưa về đáy vực
Buồn tôi sâu, hút, // tựa nhớ, thương, nào.

Một nhóm bạn ở Paris đã cùng sáng tác nên ca khúc “Nhón Gót”: Nguyễn Linh Quang phổ nhạc, Trần Lê Khang soạn hợp âm và đệm tây ban cầm, Kim Tuấn, Bạch Thảo soạn bè cho song ca và trình bày. “Nhón Gót” với đoạn trưởng, đoạn thứ xen kẽ, khi nhịp 4/4, lúc 3/4, với giọng nữ cao, nam trung và tiếng tây ban cầm solo, ở đôi chỗ đã biến thành một khúc tam tấu, hoà quyện đến không thể tách rời, như minh hoạ cho sự lấp lánh muôn mặt nhưng nhất quán của một tổng thể: nguồn tự sự Du Tử Lê.

Xuất phát từ nền chung: cõi thơ Du Tử Lê, qua phần phổ nhạc của Phạm Đình Chương, Hoàng Quốc Bảo, Phạm Duy, Phan Nguyên Anh, Trần Duy Đức, Nguyễn Linh Quang, Đăng Khánh, với kỹ thuật hoà âm của Duy Cường, Randy Ames, Phan Nguyên Anh, Trần Lê Khang, Trầm Tử Thiêng, Gia Bảo và cách trình bày của Quỳnh Giao, Kim Tước, Đinh Ngọc, Diễm Liên, Trần Thái Hoà, Kim Tuấn, Bạch Thảo, Anh Ngọc, Tuấn Ngọc, Anh Khoa, đĩa nhạc “K. Khúc Của Lê 3” đã trở thành nơi phát tán và cũng là điểm hội tụ của nhiều cảm xúc phong phú, đa dạng, đầy màu sắc. Những dòng nhạc đã dứt, tiếng hát cũng ngừng, nhưng trong tâm tưởng người nghe, hình như vẫn còn âm vang lời dẫn cuối, tưởng như viễn tượng về một chốn hết, thật sự, lại là lời mời gọi của du tử cùng bước đến một tình yêu mới, ở kiếp khác, đời sau:

Yêu Dấu,

Ngày mai, ta chết, chung thân.

Cổ Ngư

CHOISY-LE-ROI 03.2003

 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn
Du Tử Lê Thơ Toàn Tập/ Trọn bộ 4 tập, trên 2000 trang
Cơ sở HT Productions cùng với công ty Amazon đã ấn hành Tuyển tập tùy bút “Chỉ nhớ người thôi, đủ hết đời” của nhà thơ Du Tử Lê.
Trường hợp muốn có chữ ký tác giả để lưu niệm, ở Việt Nam, xin liên lạc với Cô Sóc, tel.: 090-360-4722. Ngoài Việt Nam, xin liên lạc với Ms. Phan Hạnh Tuyền, Email:phanhanhtuyen@gmail.com
Ở lần tái bản này, ngoài phần hiệu đính, cơ sở HT Productions còn có phần hình ảnh trên dưới 50 tác giả được đề cập trong sách.
TÁC GIẢ
(Xem: 16703)
Ông là một nhà văn nổi tiếng của miền Nam.
(Xem: 11969)
Từ hồi nào giờ, giới sinh hoạt văn học, nghệ thuật thường tập trung tại thủ đô hay những thành phố lớn. Chọn lựa mặc nhiên này, cũng được ghi nhận tại Saigòn, thời điểm từ 1954 tới 1975.
(Xem: 18744)
Với cá nhân tôi, tác giả tập truyện “Thần Tháp Rùa, nhà văn Vũ Khắc Khoan là một trong những nhà văn lớn của 20 năm văn học miền Nam;
(Xem: 8940)
Để khuây khỏa nỗi buồn của cảnh đời tỵ nạn, nhạc sĩ Đan Thọ đã học cách hòa âm nhạc bằng máy computer.
(Xem: 8008)
Mới đây, có người hỏi tôi, nếu không có “mắt xanh” Mai Thảo, liệu hôm nay chúng ta có Dương Nghiễm Mậu?
(Xem: 417)
Nói một cách dễ hiểu hơn, thơ ông phù hợp với kích cỡ tôi, kích cỡ tâm hồn tôi, phù hợp với khả năng lãnh nhận, thu vào của tôi, và trong con mắt thẩm mỹ tôi,
(Xem: 756)
Chúng tôi quen anh vào cuối năm 1972.
(Xem: 981)
Anh chưa đến hay anh không đến?!
(Xem: 22284)
Giờ đây tất cả mọi danh xưng: Nhà văn. Thi sĩ. Đại thi hào. Thi bá…với con, với mẹ, với gia đình nhỏ của mình đều vô nghĩa. 3 chữ DU-TỬ-LÊ chả có mảy may giá trị, nếu nó không đứng sau cụm từ “Người đã thoát bệnh ung thư”.
(Xem: 13822)
Nấu cơm là công việc duy nhất trong ngày có liên quan đến cộng đồng gia đình, mà, gần đây Bố đã được miễn, vì cả nhà cứ bị ăn cơm sống hoài.
(Xem: 19050)
Tình Sầu Du Tử Lê - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Phạm Duy - Tiếng hát: Thái Thanh
(Xem: 7736)
Nhưng, khi em về nhà ngày hôm nay, thì bố của em, đã không còn.
(Xem: 8636)
Thơ Du Tử Lê, nhạc: Trần Duy Đức
(Xem: 8342)
Thời gian vừa qua, nhà thơ Du Tử Lê có nhận trả lời phỏng vấn hai đài truyền hình ở miền nam Cali là SET/TV và V-Star-TV.
(Xem: 10886)
Triển lãm tranh của Du Tử Lê, được tổ chức tại tư gia của ông bà Nhạc Sĩ Đăng Khánh-Phương Hoa
(Xem: 30528)
Tôi gọi thơ Du Tử Lê là thơ áo vàng, thơ vô địch, thơ về đầu.
(Xem: 20708)
12-18-2009 Nhà thơ Du Tử Lê phỏng vấn nhạc sĩ Thân Trọng Uyên Phươn
(Xem: 25300)
Khi gối đầu lên ngực em - Thơ Du Tử Lê - Nhac: Tịnh Hiếu, Khoa Nguyễn - Tiếng hát: Đồng Thảo
(Xem: 22779)
Người về như bụi - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Quốc Bảo - Tiếng hát: Kim Tước
(Xem: 21556)
Hỏi chúa đi rồi em sẽ hay - Thơ: Du Tử Lê - Nhạc: Hoàng Thanh Tâm - Tiếng hát: Tuấn Anh
(Xem: 19611)
Khái Quát Văn Học Ba Miền - Du Tử Lê, Nguyễn Mạnh Trinh, Thái Tú Hạp
(Xem: 17924)
2013-03-30 Triển lãm tranh Du Tử Lê - Falls Church - Virginia
(Xem: 19109)
Nhạc sĩ Đăng Khánh cư ngụ tại Houston Texas, ngoài là một nhạc sĩ ông còn là một nha sĩ
(Xem: 16789)
Triển Lãm Tranh Du Tử Lê ở Hoa Thịnh Đốn
(Xem: 15988)
Triển lãm Tranh và đêm nhạc "Giữ Đời Cho Nhau" Du Tử Lê đã gặt hái sự thành công tại Seattl
(Xem: 24313)
Nhà báo Lê Văn là cựu Giám Đốc đài VOA phần Việt Ngữ
(Xem: 31734)
ngọn cây có những trời giông bão. ta có nghìn năm đợi một người
(Xem: 34785)
Cung Trầm Tưởng sinh ngày 28/2/1932 tại Hà Nội. Năm 15 tuổi ông bắt đầu làm thơ,